Thứ Tư, 06/11/2024 02:00 SA
Chuyển lao động nông nhàn sang lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp:
Cần thay đổi quan niệm làm ăn mùa vụ
Thứ Bảy, 05/04/2008 14:00 CH

Doanh nghiệp luôn trong tình trạng báo động đỏ về thiếu hụt lao động ngay tại vùng nông thôn - nơi luôn có lực lượng lao động dôi dư. Chuyện có thực này đang hiện hữu tại nhiều vùng nông thôn Phú Yên.

 

080405-rape.jpg

Công nhân của Xí nghiệp Rapexco Hòa Hiệp đang làm việc – Ảnh: LY KHA

 

TẠO VIỆC LÀM BẰNG NGHỀ ĐAN MÂY TRE LÁ

 

Xí nghiệp chuyên sản xuất hàng mây tre lá xuất khẩu Rapexco Hòa Hiệp (Khu công nghiệp Hòa Hiệp II, xã Hoà Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) có 1.500 lao động. Giám đốc Xí nghiệp Rapexco Hòa Hiệp Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết: “Chúng tôi luôn thiếu hụt lao động, vì đặc thù của lĩnh vực này là sử dụng lao động thủ công với số lượng rất lớn. Lực lượng lao động hiện có của xí nghiệp không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong năm nay, chúng tôi cần thêm 1.000 công nhân nữa để đẩy mạnh sản xuất”. Dự án của Rapexco có quy mô diện tích đất lên tới trên 61,5 ha, sử dụng 6.000 lao động. Trong giai đoạn đầu hiện nay, Rapexco chỉ mới sử dụng 23 ha và sẽ mở rộng theo từng năm.

 

Rapexco Hòa Hiệp là một trong 3 đơn vị thuộc Công ty Rapexco được đầu tư tại Việt Nam, chuyên sản xuất hàng song mây, mây tre lá để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và châu Mỹ. Tuy mới đặt cơ sở tại Phú Yên từ năm 2006, nhưng hơn mười năm qua, Rapexco đã có dấu ấn ở đây. Trong thời gian này, nhiều DN trong tỉnh sản xuất hàng mây tre lá gia công cho Rapexco. Qua đó, hàng chục ngàn lao động, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, có việc làm và thu nhập thường xuyên, góp phần cải thiện đời sống. Nhiều phụ nữ ở nông thôn đảm đương công việc gia đình mà vẫn có thêm thu nhập đều đặn nhờ nghề đan mây tre lá.

 

CẦN LAO ĐỘNG NHƯNG KHÔNG DỄ TÌM

 

Ngày 3/4/2008, UBND huyện Đông Hòa phối hợp với Sở Công Thương Phú Yên triển khai chương trình khuyến công năm 2008. Chương trình này sẽ được triển khai tại 3 xã Hòa Hiệp Nam, Hòa Tâm và Hòa Xuân Nam. Dự kiến trong tháng 4/2008, chương trình sẽ đào tạo cho 500 lao động nghề đan mây tre lá xuất khẩu, thời gian đào tạo 15 ngày. Đây là 3 xã nằm trong khu vực thực hiện dự án khu công nghiệp hóa lọc dầu nên diện tích đất thuộc diện phải thu hồi trong thời gian tới là rất lớn. UBND tỉnh cùng các ban, ngành đã có chủ trương đi trước một bước về vấn đề giải quyết việc làm cho người dân.

 

Theo thống kê của UBND xã Hòa Tâm, toàn xã có 4.700 nhân khẩu, phụ nữ trong độ tuổi lao động là 680 người. Trong năm, xã cần đào tạo nghề cho 350 người. Trong khi đó, xã Hòa Hiệp Nam có 250 lao động nông nhàn không ổn định công việc, chủ yếu là phụ nữ trên 35 tuổi... Những tưởng với nhu cầu cần thêm 1.000 lao động của Rapexco, lao động nông nhàn ở các xã trên sẽ có việc làm. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Bà Nguyễn Thị Thùy Trang nói: “Vì thói quen làm ăn theo kiểu mùa vụ nên công nhân sẵn sàng bỏ việc ở xí nghiệp để đi làm tôm, làm biển…”.

 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên Tô Thị Hòa cho biết, quan niệm làm ăn mùa vụ chính là trở ngại lớn nhất khi chuyển lực lượng lao động nông nhàn sang nghề tiểu thủ công nghiệp. Trong khi đó, chính quyền các xã đang rất khó tìm việc làm cho lao động của địa phương mình, còn các DN thì đỏ mắt tuyển lao động.

 

CẦN THAY ĐỔI QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

 

Rất nhiều lao động cho rằng DN không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với công nhân, hay cho công nhân thôi việc sau thời gian thử việc để tuyển dụng công nhân khác thử việc hòng giảm chi phí… Những chuyện như vậy đã xảy ra trên thực tế, song với những DN muốn phát triển bền vững thì hoàn toàn khác. Theo lời bà Tô Thị Hòa, không chỉ các tổ chức Nhà nước bỏ kinh phí để đào tạo nghề. Hiện tại, chương trình đào tạo nghề từ quỹ Khuyến công đều đào tạo theo nhu cầu của DN, tức người lao động chắc chắn có việc làm sau đào tạo. Để có lực lượng lao động này, DN cũng phải bỏ ra một phần kinh phí để đào tạo nên không có chuyện DN đào tạo rồi không sử dụng. Bà Nguyễn Thị Thùy Trang cũng khẳng định: Rapexco Hòa Hiệp thực hiện đúng các chính sách đối với người lao động; riêng khoản bảo hiểm xã hội hàng tháng phải đóng cho người lao động là hơn 200 triệu đồng. Còn nhiều công nhân bỏ việc là bởi họ không đáp ứng kịp yêu cầu thay đổi mẫu sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.

 

Từ những phân tích trên cho thấy vấn đề chủ yếu dẫn đến khó khăn trong khâu thu hút lao động của DN ở lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp chính là tác phong của lao động vùng nông thôn. Chủ trương của Nhà nước trong việc phát triển các ngành nghề ở nông thôn nhằm giải quyết nhu cầu lao động,  cũng chính là giúp người dân có thu nhập ổn định từ công việc làm thường xuyên để tránh những rủi ro, bất ổn mà nông, ngư nghiệp hay gặp phải. Do vậy, nhận thức của người lao động cũng cần được thay đổi theo hướng công nghiệp hóa; làm việc tại công ty, xí nghiệp khác với đánh bắt cá và trồng lúa. Để thực hiện được điều này, ngoài nỗ lực của DN và việc đào tạo nghề của các ngành còn cần sự tác động của chính quyền địa phương.

 

LY KHA

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek