Thứ Năm, 28/11/2024 11:45 SA
Trang trại vay vốn vẫn còn khó khăn
Thứ Sáu, 04/04/2008 16:00 CH

Phú Yên hiện có hơn 2.700 trang trại. Kinh tế trang trại (KTTT) đã góp phần khai thác tiềm năng đất đai, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ở khu vực nông thôn và miền núi. Nhiều trang trại là hình mẫu về phương thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế của địa phương. Để có 77,1% trang trại thu nhập khá, không thể không kể đến nguồn vốn đầu tư của ngân hàng. Tuy nhiên, hiện KTTT vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn.

 

080404-CHAN-NUOI-4.jpg

Một trang trại VAC ở Phú Yên - Ảnh: Q.THUẦN

 

VỐN ĐÃ VỀ TRANG TRẠI...

 

Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tại Phú Yên xác định hộ sản xuất, trang trại, hợp tác xã… là những khách hàng thân thiết của ngân hàng. Vì vậy, Agribank Phú Yên đã đầu tư trên 1.000 tỉ đồng cho hơn 400.000 lượt hộ vay, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng công nghiệp – dịch vụ nông nghiệp.

 

Ông Mai Trọng Hùng, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Phú Hòa, cho biết: “KTTT đang khẳng định vị thế bằng các mô hình nông – lâm – thủy sản kết hợp. Ở huyện Phú Hòa có những điển hình như trang trại Sơn Ngọc (Hòa Quang Nam) và Nhất Tự Sơn (Hòa Hội)... Để đáp ứng nhu cầu vốn phát triển KTTT, chúng tôi đã chủ động tiếp cận và nâng hạn mức cho vay lên vài trăm triệu đồng/trang trại. Hiện có khoảng 2/3 số trang trại ở Phú Hòa có nguồn vốn đầu tư của Agribank”.

 

Theo chủ trang trại Sơn Ngọc, việc ngân hàng đầu tư vốn khuyến khích mở rộng KTTT là hướng đi đúng. Trước kia muốn vay được 100 triệu đồng cần phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận trang trại để thế chấp cho ngân hàng, còn bây giờ ngân hàng chỉ cần căn cứ vào tính hiệu quả dự án là giải ngân ngay.

 

Tương tự như ở Phú Hòa, nhiều trang trại ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh và Tây Hòa… được Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động “bơm” vốn. Ông Phan Lộc – chủ một trang trại có hơn 67ha cây lâm nghiệp và 30 con bò ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân cho biết: “Để thành lập một trang trại đúng nghĩa cần số vốn lớn mà hiếm người dân nông thôn nào có đủ. Ví dụ như trang trại của tôi, nếu không có nguồn vốn đầu tư của ngân hàng thì tôi không thể nào mở rộng quy mô và diện tích như hiện tại”.

 

Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Đào Tấn Nguyên, bằng nguồn vốn cho vay vùng khó khăn và giải quyết việc làm Bộ Tài chính phân bổ, chi nhánh đã giải ngân 80 tỉ đồng để phát triển kinh tế gia đình và KTTT tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Với mức vay tối đa 40 triệu đồng/hộ, nguồn vốn này giúp cho hàng trăm hộ hình thành các mô hình kinh tế kết hợp vườn-ao-chuồng, vườn-rừng, vườn-ao-rừng… bước đầu đem lại hiệu quả. 

 

... NHƯNG CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

 

Khó khăn lớn nhất của chủ trang trại hiện nay là việc được cấp giấy chứng nhận trang trại, từ đó dẫn đến một loạt khó khăn trong quản lý và thực hiện các chính sách đối với KTTT như về đất đai, thuế, đầu tư tín dụng, lao động, khoa học công nghệ… Ông Lê Thận ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) nhận 15ha đất để trồng cây lâm nghiệp, kết hợp đào ao thả cá và chăn nuôi bò, đến nay đã được 11 năm và đã qua hai lần thu hoạch. Trung bình 1ha đầu tư khoảng 10 triệu đồng, trong vòng 4 – 6 năm thu lãi trên 30 triệu đồng. Mỗi năm trang trại của ông Thận giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên và trên 20 lao động thời vụ. Song ông Thận cũng giải bày khó khăn do trang trại của ông là đất thuê, không được cấp giấy chứng nhận trang trại nên không được vay vốn theo chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với KTTT. Còn vay ở ngân hàng thì lãi suất đã tăng lên 1,5%/tháng và thời hạn vay tối đa chỉ 3 năm nên nhiều khi rất chật vật trong việc trả nợ. Bên cạnh đó, tình trạng nhận đất rồi làm theo kiểu tự phát, không có kế hoạch sản xuất rõ ràng đã ảnh hưởng xấu đến quá trình đầu tư phát triển của KTTT, thậm chí còn gây rủi ro như sâu bệnh hại cây, cháy rừng…, nhất là đối với các trang trại lâm nghiệp. “Việc vay vốn tại ngân hàng thì có thể linh hoạt được, còn việc không được cấp quyền sử dụng đất, chúng tôi khó có thể yên tâm vạch kế hoạch đầu tư sản xuất lâu dài. Cấp giấy chứng nhận trang trại là hướng mở để giúp nông dân định hướng làm ăn hiệu quả” - ông Đặng Chí ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) cho biết.

 

Cùng ý kiến với ông Thận, ông Chí, bà Từ Thị Bảy, một chủ trang trại ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) cho rằng: “Mặc dù các ngân hàng đã mạnh dạn đầu tư vốn vào KTTT, nhưng xét cho cùng vẫn còn… ngại vì quy mô KTTT còn nhỏ, manh mún. Chúng tôi rất cần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chứng nhận trang trại để ngân hàng có cơ sở nâng hạn mức cho vay lên vài trăm triệu đồng mở rộng quy mô trang trại”.

 

Nghị quyết 03/NQ – CP của Chính phủ về KTTT đã quy định: “Nếu hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nhưng chưa được giao, chưa được thuê hoặc đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận thì được xem xét hoặc cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…”. Do vậy, cần sớm hoàn thành việc giao đất lâu dài để nông dân yên tâm phát triển trang trại và làm cơ sở giao dịch với ngân hàng.

 

Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, hiện toàn tỉnh có 2.735 trang trại, tăng gấp 3,1 lần so với năm 2002. Trong đó, có 1.454 trang trại trồng cây hằng năm, 216 trang trại trồng cây lâu năm, 214 trang trại chăn nuôi, 851 trang trại nuôi trồng thủy sản. Bình quân một trang trại ở Phú Yên sử dụng 3,7 ha đất canh tác với vốn đầu tư gần 130 triệu đồng, doanh thu hằng năm bình quân 109 triệu đồng/ trang trại. Qua đánh giá hoạt động trang trại, có 77,1% thuộc loại khá và 19,5% trung bình.

 

QUANG THUẦN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek