Trong năm 2019, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sản xuất, thiết kế bao bì, nhãn mác cũng như xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; qua đó góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp.
Phát triển sản phẩm mới
Năm 2019, lần đầu tiên một doanh nghiệp của Phú Yên hoàn thiện máy thu hoạch mía. Đây là kết quả từ đề án Hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến vào chế tạo máy thu hoạch mía do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại hỗ trợ Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Thành Đạt (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa) triển khai. Cụ thể, doanh nghiệp này được hỗ trợ 300 triệu đồng để mua một số thiết bị máy móc sản xuất máy thu hoạch mía. Ngay sau khi hoàn thành, sản phẩm được nhiều nông dân trồng mía và nhà máy sản xuất mía đường đặt hàng.
Ông Phi Anh Đệ, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Thành Đạt, chia sẻ: Ngay từ khi đề án còn trong giai đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, nhiều hộ dân và các nhà máy mía đường đã quan tâm tới sản phẩm này. Bởi lẽ, thiếu công thu hoạch mía vẫn luôn là vấn đề khó khăn của các hộ trồng mía khi vào chính vụ. Máy thu hoạch mía sẽ giải quyết được vấn đề này. Sau khi máy hoàn chỉnh và hoạt động, tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để thiết bị phát huy được tác dụng tối đa và nâng cao năng suất thu hoạch, giảm giá công thu hoạch cho người nông dân.
Năm nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cũng hỗ trợ Công ty TNHH Nguyễn Hưng (KCN Đông Bắc Sông Cầu 2, TX Sông Cầu) và Công ty TNHH Đồ hộp Blue Sea (KCN Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa) đầu tư dây chuyền sản xuất đồ hộp thủy sản. Hai doanh nghiệp này tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương là cá ngừ, cá ngừ sọc dưa để chế biến cá ngừ đóng hộp. Đây là dòng sản phẩm mới có giá trị cao, không chỉ phục vụ xuất khẩu, mà còn được thị trường trong nước đón nhận.
Theo ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng, Việt Nam có thế mạnh về chế biến thủy sản xuất khẩu. Thế nhưng, thị trường chế biến thủy sản đóng hộp vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia. Do vậy, việc Nguyễn Hưng đầu tư dây chuyền này nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác truyền thống là các doanh nghiệp ở khu vực… Ngoài ra, đơn vị cũng hướng đến khai thác thị trường trong nước thông qua các kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng Việt… để phục vụ khách du lịch cũng như người tiêu dùng trong nước.
Cải tiến mẫu mã, bao bì
Bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại còn có nhiều hoạt động hỗ trợ các cơ sở sản xuất cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cụ thể, trong năm, đơn vị đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp; qua đó chọn được 13 sản phẩm đạt cấp tỉnh và 3 sản phẩm đạt cấp quốc gia. Những sản phẩm đạt giải sẽ được ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất cũng như trưng bày, quảng bá sản phẩm.
Bên cạnh đó, đơn vị còn hỗ trợ HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa), cơ sở chế biến muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu), cơ sở sản xuất bánh tráng Hòa Đa Hai Thơm (huyện Tuy An) thiết kế mẫu mã, bao bì, góp phần đa dạng hóa hình thức sản phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong, cho biết: Trước đây, chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế mẫu mã, nhãn mác sản phẩm nên việc tiêu thụ còn hạn chế. Năm 2019, đơn vị được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại hỗ trợ thiết kế mẫu chai, nhãn mác sản phẩm nên rượu tằm Hòa Phong đã có diện mạo mới, bắt mắt hơn, đáp ứng được nhu cầu tặng, biếu. Ngoài ra, sản phẩm rượu tằm Hòa Phong còn được hỗ trợ tham gia các hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, sản phẩm của đơn vị ngày càng được nhiều người biết đến.
Ngoài các hoạt động hỗ trợ sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại còn tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đơn vị này đã tổ chức nhiều chương trình hội chợ trong và ngoài tỉnh; tham gia các hoạt động kết nối cung cầu tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Gia Lai, Bình Định…; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu, học hỏi và tìm kiếm thêm kênh tiêu thụ sản phẩm rất hiệu quả. Đồng thời tổ chức một số phiên chợ hàng Việt về các huyện miền núi; qua đó khuyến khích người dân tăng cường tiêu dùng hàng Việt.
Ông Lê Thanh Khanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: Trong năm 2019, đơn vị đã dành gần 3,5 tỉ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất các sản phẩm mới. Năm nay, việc hỗ trợ được ưu tiên cho doanh nghiệp có sản phẩm mới lạ, có tính ứng dụng cao. Đến nay, các dự án đều đã hoàn thành và mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành, tiếp sức để nâng cao vai trò, vị thế của các doanh nghiệp địa phương.
Trong năm 2019, đơn vị đã dành gần 3,5 tỉ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất các sản phẩm mới. Năm nay, việc hỗ trợ được ưu tiên cho doanh nghiệp có sản phẩm mới lạ, có tính ứng dụng cao. Đến nay, các dự án đều đã hoàn thành và mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Ông Lê Thanh Khanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại |
NGÔ XUÂN