Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Sông Hinh đã đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi, nhất là qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) để người dân trên địa bàn nắm bắt đầy đủ thông tin, tránh tìm đến những nơi cho vay nặng lãi khi cần vốn sản xuất, kinh doanh.
Tham gia sinh hoạt cùng tổ TK&VV
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đến nay, toàn huyện có trên 7.100 hộ vay vốn chính sách ở khu vực nông thôn, chiếm hơn 70% số hộ khu vực này. Hàng năm, trên địa bàn huyện có hơn 3.500 lượt khách hàng vay vốn, trong đó có trên 800 hộ thoát nghèo. |
Sông Hinh là huyện miền núi với số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 44% tổng số hộ toàn huyện. Những năm trước đây, người dân trên địa bàn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số rất thiếu thông tin hoặc chưa nắm bắt đầy đủ các thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi; trong khi công tác tuyên truyền, triển khai từ tổ trưởng tổ TK&VV, hội đoàn thể nhận ủy thác có phần hạn chế.
Vì vậy, nhiều người đã tìm đến tín dụng đen khi cần vốn sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều hệ lụy khi “lãi mẹ đẻ lãi con”, trả mãi vẫn không hết nợ. Ý thức được những tồn tại, hạn chế này, Phòng giao dịch NHCSXH Sông Hinh đã đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả khâu tuyên truyền để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Ông Trần Văn Thanh Minh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Hinh cho biết: Một trong những thế mạnh của NHCSXH là khả năng tập hợp, quy tụ người dân thông qua công tác sinh hoạt tổ định kỳ hàng tháng để bình xét vay vốn. Nắm bắt được điều này, định kỳ hàng tháng, hàng quý, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Hinh đã chủ động phối hợp với hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương tham gia sinh hoạt cùng tổ TK&VV.
Qua đó triển khai các văn bản, quy định của NHCSXH để người dân nắm bắt, kịp thời vay vốn khi có nhu cầu. Đồng thời tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng đến người dân, trong đó có tác hại của tín dụng đen để người dân hiểu và tránh xa các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi.
Chủ trương nói trên được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Hinh thực hiện từ tháng 4/2016. Thời gian đầu tuy có gặp một số khó khăn nhất định như thời gian sinh hoạt tổ thường vào ban đêm sau khi bà con đi làm về, một số tổ ở địa bàn xa, giao thông không thuận lợi, việc tập hợp các thành viên trong tổ tham gia sinh hoạt còn khó khăn... nhưng cán bộ ngân hàng vẫn nỗ lực kiên trì. Đến nay, trên địa bàn huyện có 212 tổ TK&VV, công tác sinh hoạt tổ được duy trì thường xuyên, giúp ngày càng nhiều người dân tiếp cận được với vốn vay ưu đãi.
Không để người nghèo thiếu vốn
Chị Nguyễn Thị Oanh Kiều, tổ trưởng tổ TK&VV ở buôn Bai, xã Ea Lâm cho biết: Trước ngày giao dịch xã, chúng tôi họp tổ TK&VV. Cùng với cán bộ ngân hàng, cán bộ hội và đại diện địa phương, ban quản lý tổ sẽ tuyên truyền về trách nhiệm, quyền lợi của người vay vốn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn đúng mục đích. Chúng tôi cũng tuyên truyền để những người có nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lao động thì kịp thời đề xuất; tổ sẽ liên hệ với hội đoàn thể, ngân hàng và chính quyền địa phương bình xét cho bà con vay.
“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đến nay, toàn huyện có trên 7.100 hộ vay vốn chính sách ở khu vực nông thôn, chiếm hơn 70% số hộ khu vực này. Hàng năm, trên địa bàn huyện có hơn 3.500 lượt khách hàng vay vốn, trong đó có trên 800 hộ thoát nghèo. Doanh số cho vay năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể doanh số cho vay năm 2016 gần 92 tỉ đồng, năm 2017 hơn 94 tỉ đồng, năm 2018 đạt 108,8 tỉ đồng và 10 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 132,6 tỉ đồng. Đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Hinh đã thực hiện tốt phương châm: Không để người nghèo, các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện vay mà không được tiếp cận với vốn vay”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, thời gian tới, để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Hinh sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi; tập trung tuyên truyền cho người dân biết về tác hại của tín dụng đen cũng như nắm bắt, phản ánh kịp thời thực trạng tín dụng đen trên địa bàn để cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi. Cùng với đó, ngân hàng sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội rà soát đảm bảo cho vay đúng đối tượng, giải ngân kịp thời, không để sót đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện vay, có nhu cầu vay vốn nhưng không tiếp cận được nguồn vốn vay.
LÊ HẢO