Sau ngày tái lập tỉnh năm 1989, Đông Hòa có nhiều khởi sắc, nhất là từ khi thành lập huyện mới Đông Hòa vào tháng 6/2009; cùng với việc hình thành vùng kinh tế Nam Phú Yên là động lực thúc đẩy hình thành, phát triển TX Đông Hòa hôm nay.
Động lực phát triển đô thị
Ngày 26/11/2019, Bộ Xây dựng có Quyết định 994 công nhận khu vực dự kiến thành lập TX Đông Hòa, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Đông Hòa; TX Đông Hòa là đô thị loại IV trực thuộc tỉnh Phú Yên, có diện tích tự nhiên 265,6km2, dân số 119.700 người; khu vực nội thị có 5 phường (Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam, Hòa Vinh và Hòa Xuân Tây); ngoại thị là 5 xã còn lại. |
Trước năm 1975, Đông Hòa là vùng quê nghèo khó, chịu nhiều mất mát, đau thương do chiến tranh tàn phá; sản xuất thuần nông, trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản là chính. Sau ngày tái lập tỉnh năm 1989, Đông Hòa có nhiều khởi sắc, nhất là từ khi thành lập huyện mới Đông Hòa vào tháng 6/2009; cùng với việc hình thành vùng kinh tế Nam Phú Yên là động lực thúc đẩy hình thành, phát triển TX Đông Hòa hôm nay.
Về địa hình, TX Đông Hòa mang đặc thù của đồng bằng Nam Trung Bộ, thấp dần từ tây sang đông, có 2 địa hình: Vùng đồng bằng ven sông Bàn Thạch và sông Đà Rằng. Vùng núi rừng nằm ở phía tây nam kéo dài ra biển Đông, với độ cao từ 400-500m; đặc biệt nơi đây có núi Đá Bia cao 706m, trên đỉnh có hòn Đá Bia cao 80m như là dấu chấm của dãy Trường Sơn hùng vĩ nhô ra biển Đông, là thắng cảnh cấp quốc gia.
Phía đông là bờ biển dài khoảng 50km từ Đông Tác tới đảo Hòn Nưa giáp tỉnh Khánh Hòa; dọc bờ biển có nhiều đầm vịnh đẹp, bờ cát trắng trải dài, đôi khi núi đồi tạo bãi cát cong như vòng tay mẹ. Đặc biệt có quần thể vịnh Vũng Rô là thắng cảnh cấp quốc gia.
Về hạ tầng giao thông đường bộ, Đông Hòa có quốc lộ 1 chạy qua và hầm Đèo Cả - cầu nối giữa 2 khu kinh tế Nam Phú Yên và Bắc Khánh Hòa. Quốc lộ 29 có điểm đầu là cảng Vũng Rô đi Buôn Hồ - Đắk Lắk, là cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và đông bắc Campuchia. Đặc biệt, đường Hùng Vương từ TP Tuy Hòa nối dài với đường Phước Tân - Bãi Ngà đi cảng Vũng Rô là trục kinh tế hỗn hợp, trục cảnh quan, trục giao thông nối chuỗi các đô thị vệ tinh ven biển của tỉnh.
Đường thủy có cảng nước sâu Vũng Rô hơn 20m, kín gió, thuận lợi cho việc tàu ra vào, tránh trú bão. Hiện tại, cảng tiếp nhận tàu có trọng tải 10.000DVT, hàng năm bốc dỡ 500.000 tấn hàng hóa.
Về đường sắt có ga Phú Hiệp và ga Hảo Sơn. Khi Đông Hòa lên thị xã, ga Phú Hiệp nâng cấp để trở thành cửa ngõ đô thị, đón nhận và trả khách. Ga Hảo Sơn sẽ là ga trung chuyển về hàng hóa từ phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ sang đường sắt và ngược lại. Tương lai xa mở được tuyến đường hầm xuyên qua núi Đá Bia nối cảng Vũng Rô với ga Hảo Sơn trở thành đầu mối liên kết liên hoàn giữa các phương tiện giao thông thủy bộ.
Sân bay Tuy Hòa hôm nay là cửa ngõ, mở cánh cổng cho TP Tuy Hòa và TX Đông Hòa cùng vươn cao, vươn xa hơn, xích lại gần hơn với Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật lớn của cả nước.
Hình thái đô thị Đông Hòa
Theo quy hoạch tổng thể được phê duyệt, đến năm 2035, khu trung tâm thị xã có diện tích 2.000-2.500ha, dân số toàn thị xã từ 15-16 vạn người, là đô thị loại IV.
TX Đông Hòa có hình thái phát triển theo dạng đô thị “Nén - trung tâm”, bao gồm hai khu vực và ba hành lang cùng phát triển. Đô thị “Nén” nhằm tiết kiệm năng lượng; rút ngắn khoảng cách đi lại, giảm dùng ô tô, tăng cường đi bộ; sử dụng hiệu quả tối đa tài nguyên đất; kết nối tốt giữa đô thị và nông thôn; tăng cường cung cấp các dịch vụ công cộng; khả năng tạo sự đa dạng về việc làm và dịch vụ; các khu trung tâm đô thị có mật độ xây dựng và cư trú cao.
Khu vực 1, nội thị bám vào 3 hành lang để phát triển. Hành lang một là dọc quốc lộ 1 có trung tâm hành chính, xen lẫn là khu dân cư, các công trình văn hóa, giáo dục và dịch vụ khác. Hành lang thứ hai phát triển dọc đường Hùng Vương nối dài với đường Phước Tân - Bãi Ngà đi cảng Vũng Rô. Trên tuyến này hình thành nhiều trung tâm đô thị như; các đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ; đô thị dịch vụ - du lịch; đô thị du lịch sinh thái; khu công nghệ cao; vùng bảo tồn cảnh quan núi rừng đầm vịnh. Hành lang thứ ba là dọc quốc lộ 29 hình thành các khu đô thị dân cư dịch vụ tổng hợp. Các trung tâm đô thị phân tán, có chức năng khác nhau, hỗ trợ nhau, không gian nội thị và ngoại thị là thể thống nhất.
Khu vực 2, ngoại thị gồm 2 xã phía bắc và 3 xã phía nam. Đây sẽ là các xã nông thôn mới, hình thành những “đô thị - nông nghiệp”, một mô hình khu dân cư nông thôn mới, phát triển bền vững.
TX Đông Hòa được hình thành sẽ là đô thị trẻ, đa sắc màu, có nhiều tiềm năng, nền kinh tế hỗn hợp, phát triển rất nhanh, là cửa ngõ kinh tế quan trọng phía nam của tỉnh Phú Yên.
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG