Nhằm thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp (DN), Hội DN tỉnh, LĐLĐ tỉnh và UBND huyện Tuy An đã phối hợp tổ chức tọa đàm kỷ niệm Ngày Văn hóa DN Việt Nam (10/11) với chủ đề “Nâng cao nhận thức văn hóa DN trong cộng đồng DN Phú Yên”. Qua đó, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những vấn đề cốt lõi liên quan đến văn hóa DN. Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến thông qua buổi tọa đàm này.
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH TRẦN HỮU THẾ: Văn hóa DN thể hiện qua việc xây dựng thương hiệu vững mạnh
Văn hóa của một DN không chỉ thể hiện ở trách nhiệm xã hội mà còn là trách nhiệm với chính sản phẩm mình làm ra. DN cần chăm chút cho sản phẩm của mình, xây dựng thương hiệu vững mạnh. Một thực tế đang diễn ra trên địa bàn tỉnh là sản phẩm của DN lúc đầu làm ra rất tốt nhưng lại không giữ vững được chất lượng theo thời gian, đánh mất niềm tin với khách hàng.
DN thực hiện trách nhiệm xã hội ngay chính trong sản phẩm phải thân thiện với môi trường, ít sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Hàng năm, tỉnh luôn mời các chuyên gia tổ chức hội thảo về phương pháp xây dựng văn hóa DN.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, các DN phải tự đổi mới phương pháp quản lý, điều hành thông qua công nghệ. Chính các DN cũng phải cải cách hành chính, sử dụng các dịch vụ hành chính trực tuyến công với Nhà nước. DN cần chuyên nghiệp hơn trong xây dựng văn hóa văn phòng cho các DN nhỏ, khởi nghiệp.
UBND tỉnh sẽ sẵn sàng hỗ trợ các DN trong quá trình triển khai. Khi DN đã xây dựng thành công văn hóa tại đơn vị mình thì đây sẽ là kim chỉ nam của mọi thành công. Một DN đạt chuẩn văn hóa khi DN đó hoàn thành nhiệm vụ các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa tại DN; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người lao động và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
ÔNG NGÔ ĐA THỌ, CHỦ TỊCH HỘI DN TỈNH: Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để DN phát triển
Xây dựng văn hóa DN, văn hóa doanh nhân gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ tạo cho DN nền tảng để phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh. Cốt lõi của văn hóa DN là tinh thần và quan điểm giá trị của DN. Trên thế giới có rất nhiều DN thành công nhờ phát huy vai trò của văn hóa DN.
Ở tỉnh ta, một số DN đã chú trọng xây dựng văn hóa DN, gắn lợi ích của DN với lợi ích cộng đồng và đã khẳng định được bản sắc cũng như uy tín của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn DN chưa thực sự chú trọng xây dựng văn hóa DN, chưa quan tâm đến yếu tố văn hóa trong kinh doanh, đạo đức trong kinh doanh, chưa phát huy được sức mạnh nội lực tổng hợp của DN.
Văn hóa vừa là mục tiêu cũng vừa là động lực để DN phát triển. Thông qua buổi tọa đàm, chúng tôi làm sáng rõ hơn vai trò của doanh nhân, bản lĩnh của doanh nhân, vai trò văn hóa DN đối với sự phát triển bền vững của DN cũng như sự phát triển kinh tế của Phú Yên. Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hội thảo, nhiều buổi tọa đàm hơn nữa để cùng nhau nhìn lại văn hóa tại DN mình, kịp thời chia sẻ những cách làm hay, những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
ÔNG PHAN QUỐC THẮNG, CHỦ TỊCH LĐLĐ TỈNH: Xây dựng văn hóa DN từ người lao động
Những năm gần đây, phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động do Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo đã có những chuyển biến tích cực, gắn với phong trào xây dựng “DN đạt chuẩn văn hóa”, nhất là sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 52-CT/TW, ngày 9/1/2016 về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hiện nhiều DN đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho người lao động bằng những việc làm thiết thực. Ngoài chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ, nhiều doanh nghiệp còn tổ chức cho những lao động xuất sắc đi tham quan nước ngoài…
Những điều đó đã kịp thời động viên, khích lệ công nhân tích cực thi đua lao động sáng tạo. Có thể nói DN, công đoàn và người lao động sẽ cùng đồng hành, gắn kết, hỗ trợ nhau trong quá trình xây dựng văn hóa DN. Hàng năm, LĐLĐ tỉnh đều căn cứ vào các tiêu chí đánh giá này để xét danh hiệu DN văn hóa.
ÔNG LÊ TRỌNG CƯỜNG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY KIẾN TRÚC DELTA: Xây dựng văn hóa DN phù hợp với thời đại mới
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội của các DN trên địa bàn tỉnh. Các DN có thể đi nhanh và nắm bắt cơ hội của xu thế 4.0. Có thể thấy, văn hóa DN là bản sắc riêng, là tư tưởng và niềm tin phát triển của DN.
Đó luôn là năng lực cạnh tranh và sức mạnh riêng có để các DN phát triển mạnh, bền vững, không chỉ trong hiện tại mà đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0 với những ứng dụng công nghệ cao và sự sao chép có thể chỉ trong tích tắc. Xây dựng văn hóa DN thời 4.0 tốt sẽ giúp hài hòa và tạo sự hợp tác, tương tác tốt giữa con người với robot trong công việc.
Từ đó, DN tận dụng được cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Robot khó có thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối, nhưng robot sẽ giúp thúc đẩy năng suất và hiệu quả lao động. DN có phát triển bền vững trong thời kỳ 4.0 hay không sẽ không chỉ dựa trên đầu tư vào công nghệ, mà còn phụ thuộc sự đầu tư vào văn hóa DN.
ÔNG NGUYỄN XUÂN PHÚ, PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KINH DOANH VNPT PHÚ YÊN: Người lãnh đạo không thể một mình xây dựng văn hóa DN thành công
Văn hóa DN thì công ty nào cũng có, nhưng để áp dụng văn hóa DN đóng góp lớn vào việc tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh lại không đơn giản. Văn hóa DN phù hợp có thể tác động trực tiếp làm tăng kết quả kinh doanh một cách rõ ràng, giúp nhân viên gắn kết, khách hàng trung thành hay thậm chí là tạo ra một DN phát triển bền vững theo thời gian.
Để thành công trong xây dựng văn hóa DN thì vai trò của người lãnh đạo trong công tác nêu gương, “truyền lửa” đến người lao động trong quá trình thực hiện là rất lớn. Từ nhiều năm nay, xây dựng văn hóa DN là một quá trình được thực hiện xuyên suốt với sự phát triển của Trung tâm Kinh doanh VNPT Phú Yên.
Việc này được thực hiện một cách đồng bộ từ lãnh đạo, các hội, đoàn thể đến toàn thể nhân viên công ty. Đơn vị cũng xây dựng quy chế văn hóa DN và đề ra các tiêu chí văn hóa cụ thể ở mỗi vị trí làm việc.
Bên cạnh đó, công ty cũng tổ chức hoạt động tạo nền tảng, định hướng và xem mỗi cán bộ công nhân viên là hạt nhân của việc xây dựng văn hóa DN. Các nội dung liên quan đến văn hóa DN đều được phổ biến, thảo luận, góp ý sôi nổi trong các cuộc họp.
Để ghi nhận những nỗ lực của DN trong quá trình xây dựng văn hóa DN, LĐLĐ tỉnh đã tặng bằng khen cho 5 DN; UBND huyện Tuy An tặng giấy khen cho 5 DN đạt chuẩn văn hóa năm 2019. |
HỒ NHƯ (thực hiện)