Thứ Ba, 24/09/2024 17:25 CH
Nông dân với những mô hình hay
Thứ Hai, 21/10/2019 08:28 SA

Sản xuất bánh tráng tại xã An Mỹ, huyện Tuy An. Ảnh: LÊ HẢO

Những năm qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) trên địa bàn tỉnh lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều hộ đạt danh hiệu SXKDG có mức thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng/năm. Báo Phú Yên giới thiệu một số nông dân với mô hình hay được UBND tỉnh khen thưởng trong phong trào Nông dân thi đua SXKDG giai đoạn 2016-2018.

 

Xây dựng thương hiệu bánh tráng “Hai Thơm”

 

Kế nghiệp cha mẹ làm nghề tráng bánh thủ công từ năm 1987, do nhu cầu thị trường tiêu thụ ngày càng lớn nên năm 2010, ông Nguyễn Hai ở thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An đã mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng chuyển đổi sang mô hình tráng bánh bằng máy và đây là mô hình đầu tiên ở xã An Mỹ. Trong quá trình sản xuất, ông Hai đã tự mày mò, nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, nâng công suất máy tráng bánh mè tăng thêm sản phẩm và đã xây dựng được thương hiệu bánh tráng “Hai Thơm”.

 

Theo ông Hai, trước đây tráng bánh thủ công, một ngày được 20-30kg gạo cho ra thành phẩm khoảng 400-600 bánh. Từ khi gia đình ông chuyển sang tráng bánh bằng máy, bình quân mỗi ngày sản xuất hết 350kg gạo, được 5.000 cái bánh. Còn đối với những ngày gần Tết thì tráng hết 450kg gạo. Hiện bánh tráng mè có giá 1.600 đồng/cái, như vậy 5.000 cái bánh thu được 8 triệu đồng.

 

Ngoài ra, ông Hai còn đầu tư mua thêm 2 máy nướng bánh mè, một ngày nướng được 2.000-3.000 cái, tùy vào số lượng bánh khách hàng đặt. Một cái bánh mè nướng có giá bán 3.000 đồng; bán 2.000 cái thu lãi khoảng 1 triệu đồng/ngày. “Bánh tráng mè và bánh nướng mang thương hiệu “Hai Thơm” của gia đình tôi được tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh Gia Lai, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh. Mỗi năm, từ việc tráng bánh mè và bánh nướng, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập từ 550-650 triệu đồng”, ông Hai phấn khởi nói.

 

Tỉ phú từ mô hình trang trại nông lâm kết hợp

 

Hơn 25 năm trước, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông Cao Nguyên Lâm dắt díu vợ con từ huyện Đồng Xuân sang Sông Hinh làm kinh tế mới. Đến với vùng đất khá mới mẻ tại buôn Quen, xã Ea Bar, vợ chồng ông ra sức khai hoang, mày mò học cách trồng trọt, chăn nuôi của nông dân địa phương và bắt tay vào sản xuất.

 

Xác định phát trển kinh tế theo mô hình trang trại nông lâm kết hợp phù hợp với điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái địa phương, bước đầu, ông Lâm trồng hơn chục héc ta cà phê, keo, bạch đàn xen sắn, bắp với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Làm ăn có lãi, ông Lâm mua thêm đất trồng 25ha cao su và 6ha cây ăn trái như sầu siêng, bơ, cam, quýt; đồng thời đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại trang trại để tiện cho việc thu hoạch mủ cao su của gia đình và bà con xung quanh. Theo tính toán của ông Lâm, mỗi năm gia đình ông thu nhập không dưới 1 tỉ đồng. “Không còn cảnh thiếu trước hụt sau nữa, bây giờ gia đình tôi có điều kiện xây nhà cửa khang trang, mua ô tô, sắm máy móc hiện đại phục vụ sản xuất”, ông Lâm cho hay.

 

Để có được cơ ngơi như hôm nay, ông Lâm luôn thấy mình mắc nợ vùng đất mà gia đình ông đến lập nghiệp. Vì vậy, trong cuộc sống đời thường, ông sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất nên được bà con ở buôn Quen quý trọng. Ông Lâm đã giúp đỡ tạo công ăn việc làm cho 15 lao động của 5 hộ nông dân tại trang trại. Ngoài tiền công mỗi tháng 6 triệu đồng/lao động theo hợp đồng thỏa thuận, các hộ này còn được ông cho mượn đất để tăng gia sản xuất và mượn vốn trên 30 triệu đồng/hộ… Đến nay, cả năm hộ đều đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

 

Những cá nhân tiêu biểu với những mô hình hay trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được UBND tỉnh khen thưởng. Ảnh: NGỌC HÂN

 

Làm giàu từ nuôi vịt trời

 

Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, sau vài năm làm cán bộ kỹ thuật cho nhiều công trình ở trong và ngoài tỉnh, cảm thấy cuộc sống “nay đây mai đó” nhiều bấp bênh nên chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Duy Trinh ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) quyết định nghỉ việc về quê tìm hướng đi mới. Tình cờ biết đến mô hình nuôi vịt trời qua chương trình truyền hình thực tế “Sinh ra từ làng”, anh tìm hiểu, nhận thấy nuôi vịt trời không khó nên quyết định khăn gói vô Tây Ninh học hỏi cách nuôi, mặc dù vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình.

 

Sau thời gian chịu khó học hỏi, quan sát, anh Trinh về quê đầu tư hết vốn mua 100 con về thả nuôi và mua máy, lò ấp trứng tự động. Nhờ chịu khó chăm sóc, đàn vịt trời ngày một phát triển. Đến nay, đàn vịt của anh Trinh có hơn 3.000 con, mỗi tháng xuất bán khoảng 500 con vịt thương phẩm. Bình quân mỗi con vịt nặng 2kg được bán với giá gần 300.000 đồng. Trừ chi phí, anh Trinh thu về hơn 150 triệu đồng mỗi năm. Ngoài nuôi vịt trời thương phẩm, hiện anh Trinh còn đầu tư nuôi thêm gần 1.000 con gà H’Mông thương phẩm, tăng thêm thu nhập 50 triệu đồng/năm.

 

Hiện trang trại nuôi vịt trời của anh Trinh được Hội Nông dân tỉnh chọn là cơ sở cung cấp vịt giống cấp phát, giúp đỡ tư vấn, hướng dẫn trong khâu chăm sóc vịt lúc ban đầu để triển khai dự án “Mô hình phát triển chăn nuôi vịt trời”, hỗ trợ con giống cho 10 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Hòa Đồng và Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa.

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek