Hoạt động tín dụng chính sách là một nghiệp vụ quan trọng, quyết định vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động.
Đối tượng thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH là những hộ nghèo, hộ chính sách, bà con sinh sống ở các vùng, miền đặc biệt khó khăn... Do đó, rủi ro trong công tác tín dụng rất dễ xảy ra và thường ở mức độ cao, tuy nhiên cũng có một số biện pháp đề phòng và hạn chế.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro tín dụng chính sách phải kể đến thiên tai và dịch bệnh. Tiếp đến là do người vay có trình độ thấp, chưa có tầm nhìn trong kế hoạch đầu tư vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tổ TK &VV hoạt động không tốt cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến rủi ro tín dụng, cụ thể như khâu bình xét cho vay không công khai, dân chủ. Ngoài ra, vai trò quản lý, điều hành của các đơn vị nhận ủy thác như các cấp Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên là cực kỳ quan trọng, có tác động rất lớn đến việc hạn chế thấp nhất rủi ro tín dụng. Chất lượng cán bộ làm công tác tín dụng kém, không đủ trình độ để đánh giá khách hàng, đánh giá không đúng thực lực và khả năng của khách hàng trong lĩnh vực mà họ sản xuất, kinh doanh, không am hiểu khách hàng… cũng là nguyên nhân quan trọng.
Để hạn chế rủi ro tín dụng chính sách, có thể đưa ra các biện pháp để hạn chế rủi ro trong công tác tín dụng NHCSXH như sau: Đưa hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) vào nề nếp, chất lượng. Tổ phải sinh hoạt theo định kỳ, bình xét cho vay công khai, dân chủ, các thành viên trong tổ phải thực hiện theo quy ước hoạt động của tổ, có trách nhiệm giúp đỡ nhau trong khó khăn; triển khai đồng bộ giữa tín dụng chính sách và các chương trình trợ giúp người nghèo, khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm; nâng cao vai trò quản lý, kiểm tra, kiểm soát của các đơn vị nhận ủy thác, nhất là cấp xã, phường trực tiếp ký hợp đồng ủy thác; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tín dụng NHCSXH, cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội làm công tác ủy thác; đối với các trường hợp chây ỳ, phải kiên quyết xử lý để thu hồi vốn; xây dựng quỹ dự phòng để bù đắp rủi ro tổn thất. Quỹ này không có tác dụng giảm rủi ro mà để đảm bảo cân đối vốn khi tổn thất xảy ra.r
ĐẮC PHÚ