Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai mô hình tưới cho cây sắn bằng biện pháp phun mưa tại xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) trên diện tích 2ha trồng đất gò đồi. Trong đợt nắng hạn kéo dài vừa qua, hàng ngàn héc ta sắn quanh vùng thiếu nước bị còi cọc, thế nhưng sắn tưới bằng béc phun vẫn xanh tươi.
Mô hình triển khai gắn với 23 béc phun/ha, mỗi béc phun bán kính 15m, áp dụng tưới luân chuyển, mỗi lần tưới 5 béc bao phủ 150m2 đất. Thời gian hoạt động 5 giờ, mức tiêu hao nhiên liệu trung bình 5 lít dầu diesel. Với mức tưới 400-500m3/ha, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước duy trì độ ẩm đất cho ruộng sắn khoảng 70-80%.
Nắng hạn gay gắt, sắn vẫn phát triển tốt
Ông Nay Y Bình, nông dân tham gia mô hình cho hay: Vùng này đợt nắng hạn kéo dài vừa qua, hàng trăm héc ta sắn lớn không nổi, thân cây còi cọc; riêng sắn nhà tôi tưới béc phun, lá sắn đơm lên màu xanh ra đọt non, thân cây cao gấp 2 lần sắn không tưới nước. Hiện sắn ra củ to bằng cổ tay. Ước tính năng suất sắn của mô hình đạt 30 tấn/ha, lợi nhuận 12 triệu đồng/ha, trong khi sắn trồng đại trà thì gần như mất trắng vì nắng hạn không cho củ.
Cũng theo ông Bình, hai đám sắn kề nhau, đám trồng có tưới nước nhìn khác đám trồng không tưới. Sắn trồng tưới nước xanh đều, phát triển tốt; còn trồng không tưới nước, trông chờ nước trời, gặp nắng hạn cây sắn không phát triển được.
Theo ông Ngô Xuân Nguyên, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sông Hinh, hệ thống tưới nước bằng béc phun tạo được độ ẩm cần thiết cho đất, giúp cây sắn phát triển tốt, năng suất cao. Trung bình vụ tưới trồng sắn chi phí dầu, công lao động khoảng 1,5 triệu đồng/ha. Mô hình này cần được nhân rộng ra các địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích canh tác. |
Còn ông Nguyễn Văn Tới cũng ở xã Ea Trol trồng 1ha sắn, 3 tháng đầu do nắng hạn sắn chậm phát triển; khi ông tiếp nhận mô hình dùng béc phun mưa, cây sắn được tiếp nước ra rễ non xanh tốt. “Đợt nắng hạn vừa qua ở vùng này 7 tháng không mưa, không bón phân cho sắn được, nên đến nay trồng 8 tháng rồi sắn chỉ mới ra rễ cái và hình thành củ non. Còn sắn nhà tôi củ to bằng cổ tay. Tôi tham gia mô hình được hỗ trợ béc phun, đường ống, còn gia đình đối ứng máy bơm”, ông Tới chia sẻ.
Thống kê của UBND xã Ea Trol, niên vụ sắn 2019-2020, toàn xã trồng 320ha, chủ yếu trên vùng gò đồi. Đợt nắng hạn vừa qua làm nhiều diện tích sắn không phát triển, nông dân mất mùa. Ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Trol cho biết: Nắng hạn nên diện tích sắn trên địa bàn xã không phát triển được, chỉ có sắn mô hình tưới béc phun xanh tốt. Để triển khai mô hình, hộ Nay Y Bình thì đào ao, còn hộ Nguyễn Văn Tới bơm nước từ lòng hồ thủy điện Sông Hinh tưới.
Trong thời gian sinh trưởng gặp nắng hạn, sắn vẫn phát triển bình thường. Đến cuối vụ, nông dân thu hoạch nhanh vì đất ướt mềm, sắn dễ nhổ; còn trồng sắn theo cách truyền thống khi thu hoạch gặp trời nắng đất cứng thì phải dùng cuốc đào, không chỉ nhọc công mà củ sắn bị gãy, thất thoát sau thu hoạch rất lớn.
Phù hợp tưới vùng gò đồi
Năm qua, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên cũng triển khai mô hình tưới cho cây sắn bằng biện pháp phun mưa tại xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) trên diện tích 4ha. Diện tích này nằm ở vùng gò đồi, đất có độ dốc. Cuối vụ, năng suất sắn của mô hình đạt 35 tấn/ha, lợi nhuận 15 triệu đồng/ha, cao hơn sắn trồng đại trà 8,5 triệu đồng/ha.
Ông Bùi Văn Dũng ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) tham quan mô hình cho biết: Cái hay của béc phun quay tự động là lắp đặt di động nên tưới được khu vực gò đồi, chỗ đất cao béc phun tưới ướt, cây sắn xanh tươi. Còn tưới bằng máy hút nước xả ra ống tràn từ đám này qua đám khác, gặp chỗ gò cao nước không tràn qua được, sắn sẽ khô héo.
Còn theo bà Lê Thị Ánh Thi ở thôn Tân Lập (xã Đức Bình Đông), người tham gia mô hình, diện tích tưới tùy thuộc vào công suất máy bơm và số lượng béc. Năm ngoái mưa nắng đan xen, mỗi tháng tưới từ 1-2 lần tùy theo thời tiết. Mô hình này tưới di động nên 2-3 người góp lại mua đường ống, thiết bị tưới.
Ông Lê Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông cho biết: Mô hình trồng sắn áp dụng tưới nước tiết kiệm chi phí lao động; năng suất, chất lượng lại cao hơn trồng thủ công. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi phải có nguồn nước tưới, vì vậy ngành Nông nghiệp cần hỗ trợ cho nông dân kinh phí đào ao, khoan giếng.
Nông dân được hỗ trợ kinh phí đào ao, khoan giếng, đầu tư một lần sẽ tưới cho cả sắn lẫn mía trồng luân canh được nhiều năm. Đối với vùng trồng sắn của xã trồng trên vùng gò đồi nắng hạn vừa qua không có nước tưới nên nông dân trồng 2-3 lần giống đều bị chết. Hiện nay, diện tích sắn của xã là 850ha sắp đến thời kỳ thu hoạch nhưng chưa ra củ do nắng hạn, sắn khô nước mất sức.
Theo ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, sắn là một trong ba cây trồng chủ lực của Phú Yên, với diện tích trồng lên đến 23.890ha, năng suất bình quân khoảng 22,7 tấn/ha. Tuy nhiên, việc thâm canh tăng năng suất cây sắn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Bởi diện tích trồng sắn phần lớn phụ thuộc vào nước trời; năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế bị ảnh hưởng. Do đó, mô hình tưới béc phun được nhân rộng sẽ phát triển vùng nguyên liệu sắn ổn định, tăng năng suất, chất lượng và nâng thu nhập cho người trồng sắn.
MẠNH LÊ TRÂM