Thứ Tư, 02/10/2024 00:37 SA
Tìm vận hội cho miền Trung phát triển
Thứ Sáu, 28/03/2008 07:02 SA

Hôm qua (27/3), tại TP Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch – Đầu tư phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hội thảo “Miền Trung – Vận hội mới cho đầu tư và phát triển”, với sự tham dự của khoảng 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các tỉnh trong khu vực miền Trung, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước. Cuộc hội thảo nhằm gợi mở những hướng đi mới cho khu vực được đánh giá là giàu tiềm năng nhưng chưa có sự phát triển tương xứng này.

 

080328-hoi-thao.jpg

Toàn cảnh hội thảo “Miền Trung - Vận hội mới cho đầu tư và phát triển”. - Ảnh: D.T.X

 

CÓ PHÁT TRIỂN, NHƯNG VẪN CÒN THẤP

 

Trong phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt nêu rõ: Những năm qua, miền Trung đã có nhiều khởi sắc với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt trên 10%/năm. Đã có những dấu hiệu cho thấy một làn sóng đầu tư nước ngoài mới đang đổ vào khu vực này. Chỉ tính riêng năm 2007 và 3 tháng đầu năm 2008, miền Trung đã thu hút 160 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 5,5 tỉ USD, lớn hơn tổng vốn đầu tư của cả thời kỳ 1988-2006 cộng lại; toàn vùng có 631 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 10 tỉ USD. Vai trò của khu vực  kinh tế này ngày càng tăng, hiện đã đóng góp 5,2% vào GDP, xuất khẩu đạt hơn 25% toàn vùng và thu hút gần 100.000 lao động trực tiếp.

 

Tuy vậy, Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt cũng cho rằng, sự phát triển kinh tế – xã hội của miền Trung vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của cả nước,  cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng nhu cầu của các dự án đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đời sống dân cư còn nhiều khó khăn, GDP đầu người/năm còn thấp hơn trung bình cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển đổi khá chậm, trong đó nông-lâm-ngư nghiệp còn chiếm tỉ lệ khá cao (33,4% so với 20,25% của cả nước); nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân lành nghề còn yếu và thiếu so với yêu cầu phát triển xã hội cũng như thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đầu tư nước ngoài tuy có sự tăng trưởng cao về vốn đăng ký, nhưng so với cả nước, toàn vùng mới thu hút được trên 7% dự án và 11,7% vốn đầu tư; vốn thực hiện chiếm tỉ lệ khá thấp với khoảng 18%...

 

080328-hoi-thao-3.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Bá Lộc phát bỉểu tại hội thảo - Ảnh: DTX

 

3 VẤN ĐỀ “NÓNG”

 

Đó là sự cần thiết trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

 

Chủ đề “nóng” nhất, được thảo luận sôi nổi nhất tại hội thảo “Miền Trung – Vận hội mới cho đầu tư và phát triển” là thu hút đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông như cảng biển, sân bay, đường bộ và dịch vụ hậu cần. Tiến sĩ Bùi Văn Ga, Hiệu trưởng Đại học Đà Nẵng, cho rằng việc mỗi tỉnh, thành ở miền Trung đều muốn có sân bay và cảng biển đã khiến hạ tầng giao thông ở khu vực manh mún, kém hiệu quả và không theo xu hướng chung của thế giới. Ông đề xuất nên “dồn” một số cảng biển, sân bay lại để đầu tư tập trung và phát huy hiệu quả hơn. Không đồng tình với ý kiến này, tiến sĩ Trương Đình Hiển, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Vật lý Hải dương TP Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: “Cần phân biệt rõ thương cảng và cảng chuyên dùng. Tôi cho rằng ở miền Trung hiện không có thương cảng nào phát triển đúng nghĩa của nó, nhưng cảng chuyên dùng thì cực kỳ cần thiết, bởi nó được xây dựng để gắn với một khu kinh tế, khu công nghiệp. Trong lúc đường bộ, đường sắt chưa giải quyết được nhu cầu vận chuyển hàng hóa thì việc vận chuyển bằng đường thủy, việc xây dựng các cảng chuyên dùng ở những vùng nước sâu là giải pháp đúng đắn. Với chiều dài bờ biển hơn 1.500 cây số của miền Trung, quy hoạch chưa đến 10 cảng biển theo tôi là chưa nhiều”. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh đề xuất: “Vì sao các tỉnh đều muốn có sân bay, bến cảng? Đó là vì chúng ta chưa tạo được giao thông kết nối, các địa phương buộc phải tự lo liệu về mặt giao thông và hai loại hình trên được coi là cần thiết cho sự phát triển của từng địa phương. Do đó, Bộ Giao thông – Vận tải phải tính đến việc nâng cấp kết nối giao thông ở miền Trung”.

 

Thu hút đầu tư vào du lịch và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu CNH-HĐH miền Trung cũng là những vấn đề được hội thảo quan tâm. Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Trần Chiến Thắng nêu 4 hạn chế chủ yếu của du lịch khu vực miền Trung: Trùng lặp trong phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch biển; Chưa kiểm soát tốt tác động của du lịch đến tài nguyên và môi trường; Một số dự án đầu tư, bao gồm cả đầu tư hạ tầng du lịch còn chưa được phát huy hiệu quả; Hạn chế trong phát triển các dự án có tính liên khu vực. Các đại biểu cho rằng, để du lịch miền Trung phát triển, cần phải xem xét đặc biệt các dự án đầu tư có ý nghĩa vùng; ngành Du lịch phối hợp chặt chẽ hơn với ngành Kế hoạch – Đầu tư cũng như giữa ngành Du lịch và các địa phương trong vùng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh phát triển có nhiều yếu tố nảy sinh trong hợp tác tiểu vùng, quốc tế cũng như những vấn đề về môi trường, đặc biệt là vấn đề nước biển dâng, cần xem xét điều chỉnh thích hợp đối với quy hoạch phát triển du lịch...

 

080328-hoi-thao-1.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Bá Lộc và các nhà đầu tư nước ngoài tại hội thảo. - Ảnh: D.T.X

 

Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Phú Yên

 

Tại hội thảo này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Bá Lộc đã có tham luận về “Môi trường và cơ hội đầu tư vào tỉnh Phú Yên”, với nội dung chính là một số kết quả trong thu hút đầu tư thời gian qua; Phú Yên còn nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là phát triển theo hướng liên kết vùng, và còn nhiều “đất sạch” cho nhà đầu tư… Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Bá Lộc, hội thảo đã góp phần “tiếp thị” Phú Yên đến các nhà đầu tư. Ông cho biết, bên lề hội thảo, có 3 nhà đầu tư thuộc các tập đoàn dầu khí của Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc tỏ ra rất quan tâm đến Phú Yên, họ cho biết đang có kế hoạch đầu tư vào tỉnh.

Về đào tạo nguồn nhân lực, các giải pháp của tiến sĩ Bùi Văn Ga nêu ra đã nhận được nhiều sự đồng tình. Đó là: Tăng cường công tác giảng dạy ngoại ngữ và giao lưu quốc tế nhằm tiếp cận được chương trình đào tạo nguồn nhân lực của nước ngoài; áp dụng mô hình quản lý đại học theo kiểu công ty; các trường đại học nên thành lập văn phòng liên lạc doanh nghiệp, tạo mối quan hệ thường xuyên giữa nhà trường với doanh nghiệp; nên thành lập cơ quan dự báo nhu cầu lao động cho cả nước và cho từng vùng miền...

 

Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Bá Ân, dự kiến vào cuối năm 2009, quy hoạch về phát triển toàn diện miền Trung đến năm 2020 sẽ được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, hướng quy hoạch chung là miền Trung sẽ phát triển với đa trung tâm chứ không chỉ tập trung vào một “đầu tàu” nào. Trong phần kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Bích Đạt nhấn mạnh: Hội thảo này giúp các bộ ngành liên quan thấy rõ hơn hướng phát triển của toàn miền Trung trong mối liên kết giữa các vùng trong cả nước cũng như giữa các địa phương trong khu vực, từ đó đề ra các quy hoạch cần thiết để trình Chính phủ phê duyệt, nhằm tạo sự phát triển mạnh mẽ cho “khúc ruột” của Việt Nam.

 

THỨ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ NGUYỄN BÍCH ĐẠT:

 

5 mục tiêu chính trong phát triển kinh tế –-  xã hội miền Trung

 

Thứ nhất, mục tiêu cơ bản giai đoạn từ nay đến năm 2010 của miền Trung là phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%/năm; cơ cấu kinh tế: công nghiệp – xây dựng: 36-37%, dịch vụ: 41-42%, nông lâm ngư: 22-23%. Thứ hai, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đóng vai trò quan trọng đến phát triển bền vững của khu vực miền Trung. Thứ ba, cần tập trung tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các KCN, khu kinh tế lớn trong vùng. Thứ tư, cần ưu tiên phát triển du lịch, hình thành một số trung tâm du lịch chất lượng cao tầm cỡ quốc tế, hình thành một mạng lưới không gian du lịch trong vùng gắn với cả nước và các quốc gia lân cận. Thứ năm, đẩy mạnh đầu tư phát triển nhanh các khu kinh tế, KCN đã được thành lập, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek