Đi đôi với tiến trình đẩy mạnh CNH-HĐH, nhà máy, cơ sở sản xuất, dịch vụ ngày càng nhiều thì nguy cơ ô nhiễm môi trường càng gia tăng. Phân hạng doanh nghiệp theo tiêu chí bảo vệ môi trường là giải pháp quản lý cần được đặt ra để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường.
Các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường - Ảnh: N.T |
Những năm gần đây, sản xuất công nghiệp ở Phú Yên đạt mức tăng trưởng cao, bình quân trên 20%/năm nhờ sự ra đời của những nhà máy, cơ sở sản xuất mới. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất chưa chú trọng thực hiện nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường và gần đây đã có một số cơ sở sản xuất, nhà máy để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe nhân dân. Do đó, việc tiến hành phân hạng các doanh nghiệp theo tiêu chí bảo vệ môi trường, vừa để thống kê dữ liệu nguồn ô nhiễm công nghiệp, vừa cổ vũ và yêu cầu các doanh nghiệp nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời cũng bảo đảm tính công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau. Ngoài ra, việc phân hạng doanh nghiệp theo tiêu chí bảo vệ môi trường còn có ý nghĩa, vừa khích lệ doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường vừa giúp hàng hóa của doanh nghiệp được thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới; đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường có kế hoạch tổ chức lại sản xuất. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, việc phân hạng còn tạo điều kiện thuận lợi giúp cho công tác quản lý, giám sát được tốt hơn, nhất là những cơ sở chưa đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Theo ông Lê Văn Thứng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên, hệ thống phân hạng có thể dựa vào các tiêu chí: tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường; các giấy phép về môi trường của doanh nghiệp; vi phạm hành chính; quan trắc môi trường định kỳ; ý kiến cộng đồng; hợp tác của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý; giải pháp giảm thiểu ô nhiễm. Trong đó, tuân thủ các tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường là tiêu chí quan trọng trong công tác đánh giá hiệu quả quản lý môi trường, nhằm đánh giá chất lượng nước thải, khí thải của cơ sở sản xuất thải ra môi trường. Các tiêu chuẩn môi trường được áp dụng là TCVN 5945:2005 – TC nước thải công nghiệp; TCVN 5937:2005 – TC chất lượng không khí xung quanh. Tiêu chí các giấy phép về môi trường của doanh nghiệp gồm: báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được thẩm định; giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; cam kết bảo vệ môi trường; giấy đăng ký chủ nguồn thải; giấy nghiệm thu các hệ thống xử lý khí thải, nước thải… Hiện tại, các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu sử dụng màu sắc để phân hạng doanh nghiệp theo tiêu chí bảo vệ môi trường qua 4 nhóm: màu đen tượng trưng cho các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; màu đỏ tượng trưng cho các cơ sở gây ô nhiễm nhưng có biện pháp khắc phục và đáp ứng được tối thiểu các luật lệ về xả thải nhưng không tuân thủ được các yêu cầu khắt khe hơn; màu vàng tượng trưng cho các cơ sở không gây ô nhiễm môi trường; màu xanh tượng trưng cho các cơ sở thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Sau khi phân hạng, khi doanh nghiệp đạt được danh hiệu phải có tính pháp lý và công bố rộng rãi trong cộng đồng. Đối với những doanh nghiệp đạt màu xanh cần được kịp thời khen thưởng, còn những doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu (màu đen) cần có chế tài xử lý nghiêm minh. Đây là việc làm cần thiết để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
MAI ANH