Hiệu ứng của WTO đối với nền kinh tế Phú Yên có thể thấy rõ, khi một tỉnh nhỏ còn nhiều khó khăn bỗng bất ngờ vươn lên bằng những cú đột phá trong thu hút đầu tư. Hội nhập đã tạo cho Phú Yên cơ hội mới từ một nền kinh tế thuần nông, dần hướng tới và trở thành một tỉnh công nghiệp - dịch vụ.
Công đoạn cắt thép tự động tại Nhà máy đóng tàu Phú Yên – Ảnh: NGUYÊN LƯU
Trong tháng 3/2008, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sẽ có chuyến khảo sát thị trường Phú Yên để tăng tần suất lên 5 chuyến/tuần trên đường bay TP HCM -Tuy Hòa và ngược lại, chuẩn bị mở đường bay mới Tuy Hòa - Đà Nẵng. Chủ trương này đã được Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Phú Yên ký kết bản ghi nhớ tại Hà Nội vào ngày 29/2/2008. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quyết định công bố quy hoạch Cảng hàng không Tuy Hòa từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 với tổng kinh phí đầu tư 1.670 tỉ đồng. Cảng hàng không Tuy Hòa sẽ trở nên hiện đại, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và khu vực, đặc biệt là khi Phú Yên đang triển khai một số dự án có vốn FDI lớn.
Không phải ngẫu nhiên, cũng không phải vì những chuyến bay của tuyến TP HCM - Tuy Hòa gần đây lúc nào cũng nghẹt khách mà đó là kết quả của những tín hiệu lạc quan trong đầu tư mà Phú Yên đã đạt được, khiến những nhà hoạch định chiến lược kinh tế phải tính toán đến những kế hoạch “dài hơi” hơn cho Phú Yên.
Hiệu ứng của WTO đối với nền kinh tế Phú Yên có thể thấy rõ qua thu hút đầu tư nước ngoài và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, khi một tỉnh nhỏ ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nằm giữa hai địa phương có nhiều lợi thế bỗng bất ngờ vươn lên bằng những cú đột phá trong thu hút đầu tư. Thế mạnh của Phú Yên là sản xuất nông-lâm-thủy sản và trước đây từng nổi tiếng là vựa lúa lớn nhất miền Trung. Tuy vậy, tỉnh Phú Yên xác định: Muốn bứt phá đi lên, muốn mau chóng thoát khỏi tỉnh nghèo, thì phải phát triển mạnh công nghiệp-dịch vụ theo tinh thần nghị quyết của HĐND tỉnh và nghị quyết của Tỉnh ủy Phú Yên. Và rất đáng vui mừng là năm 2007 đã đánh dấu bước phát triển mới, cơ cấu kinh tế của Phú Yên chuyển dịch theo hướng tích cực, là năm đầu tiên khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm tỉ trọng cao hơn khu vực nông-lâm-thủy sản trong cơ cấu GDP. Đây cũng là năm Phú Yên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 13,3%, mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Từ một tỉnh năng lực cạnh tranh yếu, Phú Yên đã vươn lên loại khá, chỉ số năng lực cạnh tranh được xếp vị trí 23/64 tỉnh, thành phố cả nước. Thu ngân sách trên 838 tỉ đồng, tăng 34,5% so với năm trước. Các mặt văn hóa-xã hội có chuyển biến tích cực; quốc phòng-an ninh được giữ vững. Đặc biệt, ở lĩnh vực thu hút vốn đầu tư, từ vị trí thứ 44, năm 2007 Phú Yên vươn lên đứng thứ nhì cả nước (sau TP HCM ) và dẫn đầu khu vực miền Trung (theo báo cáo tổng kết của Bộ Kế hoạch - Đầu tư) về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài).
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 39/NQ của Bộ Chính trị, Phú Yên sẽ tăng cường hợp tác liên kết vùng nhằm tăng thêm sức mạnh cho phát triển. Liên kết với các khu kinh tế trọng điểm, các tỉnh trong lưu vực sông Ba và phụ cận để khai thác tiềm năng và thế mạnh của mỗi tỉnh; tránh đầu tư tràn lan, chồng chéo; hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu, khu sản xuất tập trung; xây dựng cơ sở hạ tầng liên tỉnh; liên kết phát triển du lịch phối hợp theo đặc thù của mỗi địa phương,… để từng bước hình thành tiểu vùng kinh tế của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Phối hợp với Khánh Hòa hình thành dự án khu kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa mà trọng tâm là khu vực Vân Phong-Vũng Rô; phối hợp tỉnh Bình Định trong việc quy hoạch và phát triển khu vực liên kết kinh tế Bắc Phú Yên-Nam Bình Định, trong đó vùng Quy Nhơn-Sông Cầu là trọng điểm.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa lập quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng Nam Phú Yên, Bắc Khánh Hòa, đồng ý về chủ trương thành lập khu kinh tế Nam Phú Yên. Tỉnh đã hoàn chỉnh đề án trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trong năm 2008. Đây là khu kinh tế nằm ở ven biển phía đông-nam tỉnh Phú Yên, có diện tích tự nhiên 20.370 ha, sẽ gắn với khu kinh tế Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa theo hướng đa ngành, đa chức năng, trở thành địa bàn phát triển đột phá của tỉnh; trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Đối với phía bắc, phát triển gắn với khu kinh tế Nhơn Hội của tỉnh Bình Định. Đồng thời tỉnh đang triển khai tuyến đường ven biển phía bắc nối Long Thủy với quốc lộ 1D. Đây là tuyến đường quan trọng, khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển du lịch và cũng là tuyến đường phòng thủ ven biển, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Cảng Vũng Rô ngày càng tấp nập tàu hàng - Ảnh: MINH NGUYỆT |
Để kinh tế Phú Yên nói riêng và miền Trung nói chung phát triển nhanh và bền vững, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng, phải đặc biệt coi trọng giải pháp liên kết để phát triển. Nằm ven biển, nhiều tỉnh, thành phố miền Trung có tiềm năng và lợi thế gần giống nhau để phát triển sân bay, cảng biển, du lịch sinh thái…, do đó chắc chắn không tránh khỏi cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Vì vậy, mỗi địa phương phải chọn cho mình thế mạnh để có định hướng phát triển đúng, phù hợp. Tuy nhiên nếu mạnh ai nấy làm, sẽ phát sinh nhiều bất cập và manh mún, không tạo được động lực phát triển chung.
Hội nhập đã tạo cho Phú Yên cơ hội mới từ một nền kinh tế thuần nông, dần hướng tới và trở thành một tỉnh công nghiệp-dịch vụ. Để phát triển bền vững, Phú Yên đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống, xây dựng chính sách mới có lợi cho nền kinh tế Phú Yên và các tỉnh trong khu vực, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa nhằm thu hút các dự án lớn và quản lý chặt chẽ vấn đề môi trường ngay từ khi cấp Giấy phép đầu tư. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng cơ sở, khâu then chốt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi một số ngành cần nhiều công nhân kỹ thuật như lọc, hóa dầu…
Năm 2008 được nhận định là năm Phú Yên có triển vọng tăng trưởng cao. Song, vẫn phải nhìn nhận một cách khách quan để không chủ quan với kết quả đã đạt được. Việc mở cửa thị trường theo nghĩa vụ thành viên WTO sẽ khiến thị trường chịu tác động trực tiếp từ thị trường thế giới. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Những thành tựu đạt được sẽ tạo động lực cho tỉnh Phú Yên phát triển bền vững, phấn đấu để tốc độ GDP năm 2008 từ 14,5% – 15%, cơ bản thoát nghèo trước năm 2010 và trở thành một trong những tỉnh công nghiệp của đất nước.
NHIỀU DỰ ÁN LỚN MANG TÍNH ĐỘT PHÁ Nhờ làm khá tốt công tác xúc tiến đầu tư và có nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nên Phú Yên đã thu hút được một số dự án lớn: - Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô (đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư) do Công ty Technostar Management Ltd (Vương quốc Anh) và Công ty Dầu khí Telloil (Cộng hòa Liên bang Nga) làm chủ đầu tư với tổng vốn 1,7 tỉ USD, công suất 4 triệu tấn/năm. Nhà máy sử dụng 170 ha mặt đất và 210 ha mặt nước tại khu vực xã Hòa Tâm và Hòa Xuân - Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hóa dầu và Tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking (đã công bố chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ) do Công ty SP Chemicals-Singapore làm chủ đầu tư, tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa. Mục tiêu của dự án là xây dựng kết cấu hạ tầng một khu công nghiệp hiện đại và đồng bộ dành cho công nghiệp hóa dầu trên quy mô diện tích 1.300 ha mặt đất và 1.300 ha mặt nước; xây dựng một khu cảng nước sâu (tại Bãi Gốc, xã Hòa Tâm) có thể tiếp nhận tàu có trọng tải trên 250.000 DWT. Dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2007-2014), giai đoạn 2 (2014-2024). Dự kiến khi khu công nghiệp hóa dầu được đầu tư hoàn chỉnh sẽ thu hút khoảng 11 tỉ USD (Tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking 5 tỉ USD, các dự án khác 6 tỉ USD ); tạo việc làm cho từ 15.000 - 20.000 lao động; doanh thu khoảng 20 tỉ USD. - Dự án khu du lịch liên hợp cao cấp do Công ty New City (Vương quốc Brunei) làm chủ đầu tư, với tổng vốn 2,3 tỉ USD, diện tích 565 ha gồm: khu vực Bãi Súng (235 ha), đảo Hòn Chùa (30 ha) và An Phú (200ha), Nam TP Tuy Hòa (100 ha) với các dịch vụ du lịch cao cấp. Nhà đầu tư đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
NGUYỄN HỒNG VIỆT