Thứ Hai, 30/09/2024 12:18 CH
Người nuôi heo không nên tăng, tái đàn trong thời điểm này
Thứ Bảy, 20/07/2019 09:36 SA

Cơ quan chức năng kiểm tra phun tiêu độc các xe vận chuyển động vật vào Phú Yên trên quốc lộ 19 đoạn qua Sông Hinh - Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Sau hơn 1 tháng, kể từ khi bệnh tả heo châu Phi (TCP) xuất hiện tại tỉnh ta, đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 95 ổ dịch tại 4 huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An và Đông Hòa. Báo Phú Yên trao đổi với ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xung quanh việc phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh này trong thời gian tới.

 

Ông Nguyễn Văn Lâm - Ảnh: THỦY TIÊN

* Xin ông cho biết tình hình dịch TCP trên địa bàn tỉnh hiện nay?

 

- Bệnh TCP được phát hiện đầu tiên ở tỉnh ta từ ngày 14/6/2019 tại các hộ nuôi ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), sau đó tiếp tục được phát hiện tại những hộ nuôi heo ở một số địa phương khác. Hơn 1 tháng phát dịch, TCP đã xảy ra trên đàn heo của 95 hộ nuôi ở 14 thôn thuộc các xã Ea Bar, Ea Lâm, Ea Bá (huyện Sông Hinh), thị trấn La Hai, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) và xã An Hiệp (huyện Tuy An). Tổng số heo mắc bệnh và đã tiêu hủy là 308 con với tổng trọng lượng hơn 9,1 tấn hơi.

 

Qua kiểm tra, toàn bộ các ổ dịch TCP đều xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, có quy mô đàn từ 1-30 con. Đến thời điểm này, những ổ dịch tại thị trấn La Hai, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), xã Ea Bá (huyện Sông Hinh), xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) đã được khống chế, qua gần 20 ngày và chưa phát sinh thêm ổ dịch mới vì vậy có thể nói dịch bệnh đang ở mức độ nhẹ; việc phát sinh ổ dịch, nguy cơ lây lan ra diện rộng là tương đối thấp. Qua kiểm tra và theo dõi, toàn bộ đàn heo nhiễm bệnh trong thời gian qua đều có nguồn gốc tại chỗ, tức là heo nái đẻ ra rồi nuôi thịt do đó đến nay vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây bệnh.

 

* Những hộ có heo bị tiêu hủy do dịch TCP được hỗ trợ như thế nào?

 

- Hiện nay, Phú Yên và tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều thực hiện việc hỗ trợ cho các hộ có heo buộc tiêu hủy do dịch TCP theo Quyết định 793 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/6/2019. Theo đó, các hộ có heo bị tiêu hủy do dịch TCP sẽ được hỗ trợ 25.000 đồng/kg hơi đối với heo thịt và 30.000 đồng/kg hơi đối với heo nái và heo đực giống đang khai thác. Toàn bộ các địa phương xảy ra dịch TCP đã công bố dịch hoặc chưa đủ điều kiện công bố dịch thì người chăn nuôi có heo tiêu hủy do dịch TCP vẫn hưởng mức hỗ trợ như nhau.

 

Trong tình hình dịch TCP đang xảy ra như hiện nay, người chăn nuôi heo không nên tăng, tái đàn, đặc biệt là trong vùng có dịch. Trường hợp vẫn tiếp tục chăn nuôi nên chọn mua con giống tại các trại giống uy tín ở địa phương.

* Hiện nay, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, việc kiểm soát giết mổ heo đang được thực hiện như thế nào?

 

- Hiện toàn tỉnh có 2 lò giết mổ gia súc tập trung tại TP Tuy Hòa, huyện Sông Hinh và 301 điểm giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ trong dân được cấp phép hoạt động. Bình quân mỗi tháng, toàn tỉnh giết mổ khoảng 7.500 con heo, số heo giết mổ chủ yếu được nhập về từ các tỉnh Bình Định, Đắk Lắk và nguồn heo nội tỉnh.

 

Để giám sát hoạt động giết mổ này, các địa phương đều có cán bộ thú y thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ tại các lò, điểm giết mổ hàng ngày, đảm bảo không để tình trạng giết mổ heo bệnh đưa ra thị trường. Toàn bộ thịt heo được kiểm soát đều có dấu kiểm soát giết mổ của ngành Thú y trước khi đưa đi tiêu thụ.

 

* Ngành chức năng đã làm những gì để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này?

 

- Một trong những giải pháp hàng đầu được ngành triển khai là khống chế bao vây ổ dịch ngay sau khi phát hiện. Cụ thể, toàn bộ số heo bệnh đều được tiêu hủy chôn lấp theo đúng quy định; thực hiện tiêu độc sát trùng vùng ổ dịch liên tục trong 7 ngày đầu, mỗi ngày 1 lần và trong 3 tuần tiếp theo phun 2 ngày 1 lần. Mọi hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển heo trong vùng xảy ra dịch bệnh đều thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

 

Cùng với đó, toàn tỉnh đã lập 10 trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm đặc biệt là heo và các sản phẩm từ heo ra vào tỉnh. Ngoài ra, các địa phương cũng thành lập các đội lưu động kiểm tra vận chuyển heo lưu thông qua các tuyến đường trên địa bàn. Về phía chi cục, đơn vị đã tăng cường giám sát, khi phát hiện hoặc nhận được tin báo có heo bệnh, chết với các dấu hiệu của bệnh TCP thì chúng tôi đều tiến hành kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh.

 

Cụ thể các trường hợp heo chết xảy ra tại các hộ nuôi heo ở hai xã An Mỹ, An Dân (huyện Tuy An), phường 7 (TP Tuy Hòa), thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa), thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) và thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) đều được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả đều âm tính với bệnh TCP (không nhiễm) chỉ bị những bệnh thông thường như tả cổ điển ghép tụ huyết trùng.

 

Người nuôi cũng nên hạn chế sử dụng thức ăn thừa để làm thức ăn cho heo; còn nếu có sử dụng thì cần xử lý qua nhiệt để tiêu diệt mầm bệnh, đồng thời khu nấu thức ăn cho heo phải cách biệt khu chăn nuôi. Bà con cần thực hiện việc vệ sinh tiêu độc sát trùng khu vực chăn nuôi thường xuyên, bổ sung thêm các loại chất đạm, vitamin, khoáng chất để nâng sức đề kháng cho heo. Trong trường hợp phát hiện heo nuôi có các triệu chứng của bệnh TCP thì báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

THỦY TIÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek