Trong công tác tiếp thị du lịch tại Phú Yên, chúng ta cần nhận dạng nhu cầu, mong muốn của du khách, khai thác khả năng cơ hội của toàn cầu hóa để kêu gọi đầu tư, sự liên kết ngang hoặc dọc nhằm rút ngắn khoảng cách. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch đòi hỏi phải có ngân sách, nguồn tài nguyên, nguồn nhân lực địa phương, lợi ích cộng đồng và quan trọng là tầm nhìn chiến lược để tạo tính phát triển bền vững.
Mặc dù đã được công nhận là thắng cảnh quốc gia song gành Đá Đĩa (huyện Tuy An) chưa có các dịch vụ du lịch - Ảnh: MINH NGUYỆT |
KẾT HỢP NGÀNH NGHỀ TẠO RA SẢN PHẨM DU LỊCH
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) làm du lịch tại Phú Yên vẫn hoạt động theo kiểu kinh doanh nhỏ, do gia đình tự làm chủ như dịch vụ vận chuyển, bán hàng tại các điểm tham quan hay một nhà hàng nhỏ ven đường... Các khách sạn chỉ là điểm dành để lưu trú cho khách vãng lai, thiếu tính mục đích. Các bãi biển chưa được khai thác hết tiềm năng, các dịch vụ còn hạn chế. Sự phát triển du lịch còn mang tính tự phát, đơn điệu, thiếu sự đồng bộ, người dân không mặn mà tham gia phát triển dịch vụ. Điều này dẫn đến tiềm năng du lịch của địa phương bị mai một, dàn trải; cung cách phục vụ của ngành bị tụt hậu. Hơn nữa, ảnh hưởng từ tính mùa vụ (yếu tố địa lý) làm lợi ích nhân dụng của ngành du lịch không rõ ràng, thu nhập không ổn định, những người được đào tạo chính quy về du lịch không muốn trở lại địa phương khi đã tốt nghiệp. Điều này đưa đến tình trạng tỉnh phải tìm nguồn nhân lực tạm thời từ các ngành khác của nền kinh tế địa phương nên tính chuyên nghiệp và chuyên môn rất hạn chế.
Câu hỏi đặt ra là có thực du lịch đã tạo thêm được việc làm hay chỉ là sự hoán chuyển các công việc? Vì vậy, trước hết ngành du lịch tại địa phương nên có sự kết hợp các ngành nghề liên quan mật thiết. Để giải quyết vấn đề chung này nhằm thúc đẩy sự phát triển của từng địa phương hay khu vực thì phải làm cho mọi người hiểu rõ mục đích, lợi ích trước mắt và lâu dài của ngành du lịch, cần dành nhiều công sức cho việc này. Mặt khác, cần tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua các lễ hội, hội chợ, hội thảo… Cụ thể hơn là khi đặt vấn đề cho những dự án phát triển du lịch thì việc đầu tiên nghĩ đến là chia sẻ lợi ích đối với cộng đồng địa phương. Nếu thực hiện công việc này tốt thì nhận thức về hoạt động du lịch sẽ tăng lên. Người dân sẽ hiểu được rằng, lòng hiếu khách cũng là một quà tặng đặc trưng của người dân địa phương dành cho du khách.
Cần có những sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp để thu hút du khách - Ảnh: M.NGUYỆT |
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ
Theo khảo sát của chúng tôi, các công ty lữ hành trong nước hiện nay thường gặp phải một số khó khăn trong việc tổ chức các tour du lịch về khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Sản phẩm du lịch tại Phú Yên chưa đủ sức lôi cuốn khách, chưa đáp ứng đầy đủ và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Phú Yên có bờ biển đẹp, nếu khai thác sản phẩm không tốt thì sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh. Vì trong khu vực, nơi nào có khoảng cách địa lý gần hơn sẽ chiếm ưu thế. Các hãng lữ hành cần nhất chính là các sản phẩm đa dạng cũng như sự chuyên nghiệp hơn trong cách làm du lịch.
Trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết về marketing địa phương, cần phân tích thị trường khách tức là ước lượng dòng du khách đến một địa điểm mang tính dài hạn. Cần phải đánh giá, phân biệt giữa các nguồn thu hút chính và phụ. Nguồn thu hút chính tạo thành chủ đề để phát triển cho khu vực. Các dự án như khu du lịch rừng dương – Thành Lầu, gành Đá Đĩa, đập Đồng Cam, Gió Chiều, Bãi Môn – Mũi Điện, Bãi Bàng – Bãi Tiên, làng ven biển huyện Sông Cầu… đều xác định thị trường khách là trong và ngoài nước.
Chúng ta nên học hỏi Thái Lan. Sau khi khu nghỉ dưỡng du lịch tại Pattaya thành công dành cho thị trường khách quốc tế, ngành du lịch Thái Lan tiếp tục phát triển rộng đến khu vực phía Nam Phuket. Điều quan trọng là họ đã không khai thác dàn trải, rầm rộ mà thường mang tính tập trung. Cần phân biệt các tiêu chí phục vụ khách quốc tế và trong nước như thông tin, dịch vụ, mức độ thân thiện của người dân, ngoại ngữ trong giao tiếp du lịch, các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng, chi phí sinh hoạt, cơ sở lưu trú, các hoạt động vui chơi giải trí, hệ thống mua sắm, các khu vực ẩm thực. Hệ thống giao thông tại chỗ và liên vùng, các điểm du lịch… cần liên kết với các hãng du lịch quốc tế, trong nước để đón nhận khách.
Phú Yên nên tiếp tục duy trì đồng thời nâng cao chất lượng các lễ hội được tổ chức hàng năm tại địa phương nhằm tạo nhận thức chung cho cộng đồng dân cư tại chỗ và lan toả ra các địa phương khác trong cả nước. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần khai khác triệt để thế mạnh hệ thống làng nghề, hệ sinh thái biển thông qua các lễ hội.
Xây dựng các trang trại thành các khu du lịch nghỉ dưỡng xanh là một trong những mô hình được sử dụng nhiều tại các nước châu Âu. Họ sử dụng các trang trại có quy mô lớn, khai thác thế mạnh của màu xanh nông nghiệp thành hệ thống du lịch làng môi trường xanh, tận dụng vật liệu và ẩm thực từ các địa phương trong khu vực và nguồn nhân lực tại chỗ. Phú Yên cũng nhanh chóng chấn hưng, xây dựng các thiết chế, mở tour và phát triển các showroom về du lịch làng nghề. Hệ thống nhà nghỉ ven núi cũng cần được quy hoạch, khai thác để tạo thành thế mạnh trong khu vực.
Thạc sĩ NGUYỄN VĂN CƯỜNG
(Công ty Vietravel)