Thứ Tư, 02/10/2024 13:28 CH
Thay đổi nền tảng công nghệ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Chủ Nhật, 16/06/2019 09:20 SA

Người dân thanh toán hóa đơn qua máy ATM tại Phòng giao dịch Tuy An của ACB - Ảnh: LÊ HẢO

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) không chỉ là chủ trương của Chính phủ mà còn là một xu thế trên toàn cầu. Trao đổi với Báo Phú Yên về việc thực hiện chủ trương này trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết:

 

Đề án Phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

 

Đây là mục tiêu toàn quốc và Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ban ngành, địa phương đều nỗ lực vận động thực hiện. Tại Phú Yên, mỗi năm tỉ trọng TTKDTM nhích lên khoảng 5-7%, đến nay đạt khoảng 75% tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng. Đây là con số đáng khích lệ nhưng so với mục tiêu Chính phủ đề ra vẫn còn khá xa.

 

* Theo ông, nguyên nhân do đâu mà hình thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến trên địa bàn tỉnh?

 

- Theo tôi, không riêng tại Phú Yên mà ở nhiều tỉnh, thành khác, hình thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn rất phổ biến. Điều này trước hết xuất phát từ thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu vào tâm thức của người dân. Tiếp đến là cơ sở hạ tầng công nghệ và các phương thức thanh toán hiện đại ở vùng nông thôn, miền núi vẫn chưa đáp ứng cho việc TTKDTM một cách rộng rãi.

 

Ngoài ra, tỉ trọng TTKDTM ở Phú Yên còn chưa cao vì các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ, doanh số thanh toán qua ngân hàng không lớn; trong khi đó, ở các thành phố lớn không những tập trung các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có các giao dịch giá trị lớn thanh toán qua ngân hàng mà đa số người dân đều có tài khoản và thường xuyên sử dụng các dịch vụ TTKDTM... nên tỉ trọng TTKDTM sẽ được đẩy lên.

 

Ông Nguyễn Văn Hàn

* Hiện nay, các ngân hàng đang dần “phủ sóng” ở địa bàn nông thôn, miền núi. Vậy Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên có định hướng gì để họ tham gia đẩy mạnh TTKDTM?

 

- Trước hết các ngân hàng cần tích cực phối hợp với những đơn vị cung cấp dịch vụ công như công ty điện, nước, viễn thông, bệnh viện, trường học, bảo hiểm xã hội nắm lại số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ để vận động họ đăng ký TTKDTM.

 

Hiện nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã mở phòng giao dịch ở các huyện nông thôn, miền núi, giúp người dân từng bước tiếp cận với dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại. Khi số lượng người dân có tài khoản ngân hàng tăng lên và họ có thu nhập thường xuyên chuyển qua tài khoản này thì việc TTKDTM đối với dịch vụ công rất thuận tiện, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại bởi họ có thể ủy quyền cho ngân hàng trích thanh toán hóa đơn định kỳ hoặc thao tác thanh toán trên ứng dụng điện thoại di động mà không cần trực tiếp đến đơn vị cung cấp dịch vụ để nộp tiền.

 

Từ những khoản thanh toán nhỏ đó, người dân sẽ hình thành thói quen và dần loại bỏ tâm lý “ngại” TTKDTM vì không biết tiền của mình sẽ đi về đâu.

 

Ngoài ra, các ngân hàng cần tập trung đầu tư, nâng cấp, thay đổi nền tảng công nghệ, tích hợp nhiều dịch vụ để tạo thuận tiện và đảm bảo an toàn cho người dân khi TTKDTM. Việc các ngân hàng đưa ra lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip từ ngày 28/5 vừa qua là một điển hình.

 

* Để thúc đẩy TTKDTM theo xu thế hiện nay, mới đây, Báo Tuổi Trẻ đã khởi xướng và đề xuất lấy ngày 16/6 hàng năm là Ngày không tiền mặt. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với việc thực hiện đề án Phát triển TTKDTM tại Việt Nam?

 

- Ngày không tiền mặt (16/6) do Báo Tuổi Trẻ đề xuất, là ngày phương tiện TTKDTM được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.

 

Đây là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020, đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

 

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh truyền thông về Ngày không tiền mặt nói riêng và TTKDTM nói chung, hướng đến vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng của người dân ở các khu vực này.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek