Thứ Năm, 03/10/2024 01:27 SA
Hiệu quả trồng cây ăn trái trên đất đồi
Thứ Ba, 04/06/2019 13:00 CH

Mô hình trồng ổi lê của gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng ở huyện Sông Hinh mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: MINH DUYÊN

Đất gò đồi không bằng phẳng, ít nước không phù hợp trồng lúa và rau màu, còn cây công nghiệp ngắn ngày thì hiệu quả kinh tế không cao. Do vậy, người dân đã trồng cây ăn trái lâu năm trên đất đồi, mang lại thu nhập cao. Hiện một số địa phương quy hoạch thành vùng trồng cây ăn trái để đầu tư.

 

Hiệu quả từ thực tế

 

Theo ông Lê Tấn Quốc ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), gia đình ông có hơn 2ha đất đồi. Trước đây, ông chủ yếu trồng keo và bạch đàn, sau đó chuyển sang trồng cây ăn trái, thu nhập từ đó cũng cao hơn hẳn. “Cây trên đồi chủ yếu phụ thuộc vào nước trời, đường đi lại cũng khó khăn nên trước đây, tôi chủ yếu trồng rừng, 5 năm khai thác một lần, cho thu nhập 10-15 triệu đồng/ha/năm. Nhận thấy lợi nhuận so với công bỏ ra đằng đẵng 5 năm liền không đáng bao nhiêu nên tôi chuyển sang trồng mít. Với giá bán sỉ như hiện nay 8.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình thu về khoảng 130 triệu đồng/ha”, ông Quốc cho biết.

 

Không chỉ ông Lê Tấn Quốc mà 56 hộ thành viên của Tổ hợp tác Sơn Ngọc đều có thu nhập khá từ trồng cây ăn trái. Ông Huỳnh Văn Tánh, Tổ trưởng tổ hợp tác này, cho biết: Mít cho sản lượng bình quân 15-20 tấn/ha, mãng cầu từ 10-14 tấn/ha. Các hộ trồng mít có thu nhập từ 120-160 triệu đồng/ha. Cây mãng cầu nhờ áp dụng kỹ thuật ra trái trái vụ nên mỗi năm thu 2 vụ, thay vì 1 vụ như mãng cầu thông thường nên thu về từ 200-250 triệu đồng/ha. Hiện toàn tổ hợp tác có 56 hộ, không có hộ nghèo, 100% hộ có điều kiện kinh tế ổn định với nhà kiên cố, mua sắm đầy đủ phương tiện hiện đại.

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết: Từ trước tới nay, người dân chủ yếu trồng cây ăn trái manh mún, nhỏ lẻ và tự tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế chưa tương xứng. Cùng với nhu cầu của thị trường, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh ngày một tăng. Để bà con sản xuất an toàn theo hướng bền vững và tăng giá trị kinh tế, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các phòng chuyên môn hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật trồng và đề xuất với UBND tỉnh quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái gắn với xây dựng các nhà máy chế biến. Đồng thời từ chương trình mỗi xã một sản phẩm làng nghề, hướng các xã xây dựng vùng cây ăn trái chủ lực để xây dựng thương hiệu tập thể cho cây trái.

Còn Ksor Y Thoai ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh), chia sẻ: Gia đình tôi có 5ha đất; trong đó, 2ha đất đồi chỉ chờ nước trời nên thời gian đầu tôi trồng cao su, nhưng giá mủ thấp rồi bão làm cây ngã đổ nên hơn 1 năm, tôi để cỏ mọc làm thức ăn nuôi bò. Thấy nhiều hộ trồng cây ăn trái lâu năm có thu nhập khá, tôi cải tạo trồng mít, bơ, sầu riêng. Tôi xuống giống vào mùa mưa hưởng nước trời để cây có điều kiện phát triển, sau hơn 1 năm rễ cây bám sâu, nhu cầu về nước không nhiều là cây tự sinh trưởng phát triển. Tôi chỉ bón thêm phân vào giai đoạn cây đơm hoa kết trái. Hiện gia đình tôi có thu nhập 300-500 triệu đồng/năm từ cây ăn trái.

 

Còn ông Nguyễn Văn Hoàng ở xã Đức Bình Tây, có 7.000m2 đất đồi, trước đây trồng chuối nhưng thu nhập bấp bênh. Nay ông chuyển diện tích đất này sang trồng 500 gốc ổi lê, mỗi mùa cho sản lượng 10-15 tấn, mang lại doanh thu từ 200-300 triệu đồng/năm. “Cây ăn trái đang được thị trường ưa chuộng. Tôi đầu tư giống mới, áp dụng kỹ thuật an toàn sinh học nên trái đạt chất lượng cao, được khách hàng tin tưởng chọn mua”, ông Hoàng nói.

 

Đến quy hoạch vùng

 

Ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho biết: Ban đầu chỉ vài hộ trồng, sau phát triển thêm nên các hộ tập hợp thành tổ hợp tác để cùng trồng cây ăn trái. Hiện diện tích trồng đã lên đến gần 50ha; trong đó, 40ha thuộc diện tích của bà con và khoảng 10ha nằm trong quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bà con chủ yếu trồng mít và mãng cầu. Địa phương đang định hướng phát triển thành vùng cây ăn trái theo hướng VietGAP, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM… Hiện, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 3 đang hoàn tất thủ tục để cấp chứng nhận VietGAP trên cây mãng cầu và mít cho bà con ở đây.

 

Còn ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Ngoài cây mía, sắn, cao su thì cây ăn trái cũng đang được địa phương quan tâm đầu tư theo hướng quy hoạch vùng gắn với sản phẩm nông sản chủ lực của từng xã. Sau khi thí điểm mô hình 10ha sầu riêng, bơ, xoài, ổi lê… tại 11 xã, thị trấn trên toàn huyện thì đến nay diện tích cây ăn trái là 39,3ha.

 

Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN-PTNT), vụ đông xuân vừa qua, đơn vị triển khai 2 mô hình trồng cây ăn trái, gồm mô hình thâm canh cây sầu riêng trên 1ha tại xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh và mô hình bưởi da xanh trên 3ha tại xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa. Vụ hè thu này, đơn vị tiếp tục triển khai mô hình thâm canh cây mít và trồng thâm canh cây bơ. Việc thực hiện các mô hình điểm này nhằm chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn trái theo GAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), tạo ra các loại trái cây an toàn, hợp vệ sinh; tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek