Thứ Năm, 03/10/2024 01:14 SA
Vụ hè thu năm 2019: Tiếp tục tăng giá trị nông sản Phú Yên
Thứ Hai, 03/06/2019 06:26 SA

Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh trao đổi với nông dân về mô hình lúa gạo tím ở xã Ea Bá - Ảnh: MINH DUYÊN

Hiện trên khắp cánh đồng, đất đã được cày ải, bà con đang bắt tay vào gieo sạ vụ hè thu năm 2019. Những diện tích thiếu nước cũng đã có kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp. Vụ sản xuất này, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, thực hiện cánh đồng lớn hướng tới liên kết tạo ra chuỗi giá trị nông sản giúp tăng hiệu quả kinh tế.

 

Cánh đồng mẫu lớn

 

Ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho biết: Địa phương đã thành công với các mô hình cánh đồng lớn trên cây lúa như cánh đồng 159ha sản xuất giống lúa mới, đạt năng suất trên 80 tạ/ha, cao hơn bình quân từ 7-10 tạ/ha. Cánh đồng 160ha lúa giống xác nhận, cung cấp 1.100 tấn lúa giống cho vụ hè thu 2019.

 

Mô hình 1.122ha sản xuất theo chuỗi giá trị, sau thu hoạch bà con được Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ thu mua khoảng 2.600 tấn với giá cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg và Công ty Giống Đông Nam, Công ty Giống Nha Hố thu mua 230 tấn với giá 1kg lúa tươi tại ruộng bằng 1kg lúa khô.

 

Hiệu quả của mô hình cánh đồng lớn là bà con được học hỏi kỹ thuật sản xuất mới như sạ hàng, sạ thưa, giảm lượng giống gieo sạ, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, nhờ đó tiết kiệm được chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình sản xuất dễ dàng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, sản phẩm sau thu hoạch đạt chuẩn nên được các công ty, doanh nghiệp thu mua với giá cao.

 

Tiếp nối thành công này, vụ hè thu 2019, huyện Phú Hòa tiếp tục liên kết các hộ dân cùng sản xuất trên cánh đồng lớn, hướng tới 80% diện tích được gieo sạ bằng giống lúa cấp xác nhận, 90% ứng dụng cơ giới hóa. Các HTX, trại giống đứng ra làm đại diện cho bà con để liên kết với các nhà máy xay xát ở địa phương, các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản lớn trong cả nước để bao tiêu.

 

Tại các địa phương, chuỗi liên kết sản xuất trên cây sắn, mía đã ổn định thì tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa hướng tới sản xuất theo hướng công nghiệp hiện đại. Theo ông Kpă Y Quyên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, thực hiện dự án Mô hình cánh đồng mía, sắn lớn do Sở NN-PTNT triển khai tại địa phương gắn với Nhà máy đường KCP Sơn Hòa và Nhà máy tinh bột sắn Fococev Sông Hinh đã giúp hình thành cánh đồng mía, sắn bạt ngàn thửa liền thửa của hàng ngàn hộ dân và trở thành vùng nguyên liệu của các nhà máy chế biến, giúp người trồng không lo tiêu thụ.

 

Tại các vùng nguyên liệu mía, máy móc thay thế sức người trong việc làm đất, trồng mía, chăm sóc, bón phân. Trong đó chú trọng tới kỹ thuật mía tưới nước theo công nghệ phun tự động, nhỏ giọt… để đạt năng suất cao, giảm chi phí nhân công. Hiện chỉ còn khâu thu hoạch là phụ thuộc công lao động. Vừa qua, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đã đưa máy thu hoạch mía về thử nghiệm. Từ nay tới cuối năm, địa phương đẩy mạnh đưa máy thu hoạch mía vào đồng ruộng để bà con từng bước hiện đại hóa sản xuất…

 

Mang Y ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), cho biết: Chi phí cho thu hoạch mía gồm công chặt, vận chuyển chiếm từ 40-50% tổng chi phí. Tôi đã đi xem hai mô hình trình diễn máy thu hoạch mía của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và xưởng cơ khí của anh Phi Anh Đệ. Tôi sẽ cân đối số tiền hiện có của gia đình để sắm máy thu hoạch cho vụ mía sắp tới.

 

Hộ ông Nguyễn Thanh Xếp ở Đông Hòa nhờ chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen đã có thu nhập khá - Ảnh: MINH DUYÊN

 

Tích cực chuyển đổi cây trồng

 

Vừa qua, toàn tỉnh chuyển đổi được gần 340ha từ đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác phù hợp như bắp, đậu phộng, trồng cỏ nuôi bò, cây dược liệu… Vụ hè thu năm 2019, tỉnh phấn đấu chuyển đổi trên 850ha.

 

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, địa phương có khoảng 270ha đất cần chuyển đổi; vụ đông xuân 2018-2019 mới thực hiện được 16,2ha, vụ hè thu này địa phương phấn đấu chuyển đổi 253,8ha còn lại.

 

Hiện cán bộ nông nghiệp thường xuyên đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả như đã đăng ký. Về phía đơn vị cũng có kế hoạch xây dựng các mô hình trình diễn, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, trong đó tập trung vào cây sen, cây đậu phộng…

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết: Hiện các điều kiện để đảm bảo cho vụ sản xuất hè thu đã sẵn sàng như nước tưới, giống, cơ cấu cây trồng, lịch thời vụ…

 

Để khắc phục được vấn đề hạn hán trong vụ hè thu này và thực hiện cho được mục tiêu nâng cao giá trị các nông sản của tỉnh, cần tiếp tục triển khai xây dựng cánh đồng lớn và chuyển đổi cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó chuyển đổi đa dạng cây trồng, khắc phục được hạn chế của các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

 

Còn cánh đồng lớn là tiền đề để sản xuất quy mô lớn gắn với công nghệ, cơ giới hóa, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị nông sản. Có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tới Phú Yên đặt vấn đề hợp tác sản xuất và tiêu thụ như Nhật Bản hợp tác trồng cây siêu cao lương, các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng… muốn hợp tác để xuất khẩu các sản phẩm nông sản như lúa chất lượng cao, bơ, chuối…

 

Cơ hội để tăng giá trị kinh tế cho nông sản của tỉnh là rất nhiều, song để nắm bắt được những cơ hội này, người dân phải nâng cao kỹ thuật, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, phải có những cánh đồng lớn hàng trăm héc ta…

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek