Phú Yên nổi tiếng sản xuất giống tôm sú post đạt số lượng và chất lượng cao ở các tỉnh Duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, hiện nay tôm post giống rớt giá thê thảm lại bán không chạy, nên các cơ sở sản xuất bị lỗ vốn nặng. Do vậy, nhiều trại giống đành ngưng sản xuất tôm hoặc chuyển sang sản xuất các loại giống thủy sản khác.
Sản xuất tôm giống ở phường 9 (TP Tuy Hòa) đang gặp khó khăn - Ảnh: N.L |
CÀNG SẢN XUẤT TÔM GIỐNG CÀNG LỖ
Hầu hết các trại sản xuất tôm giống ở phường 9 (TP Tuy Hòa) đang gặp nhiều khó khăn. Anh Bùi Văn Trương, người quản lý trại sản xuất tôm giống An Vũ cho biết: “Thời tiết lạnh, môi trường nước biến đổi xấu làm cho tôm giống chậm phát triển. Mỗi ngày trại giống phải chạy máy điện nâng nhiệt độ nước phù hợp cho tôm sinh trưởng. Mức chi phí sản xuất giống tăng cao, nhưng giá tôm post lại “rớt” thê thảm xuống chỉ còn từ 8 – 18 đồng/con, thấp nhất từ trước đến nay (giá tôm post bình thường dao động từ 30 –40 đồng/con - PV). Thêm vào đó, người mua ở miền Nam yêu cầu đếm tôm post bằng “mẫu đôi” (nghĩa là bán 2 con tôm, chỉ tính tiền… 1 con), nên trại của tôi chỉ sản suất cầm chừng với số lượng khoảng 50 vạn con tôm sú post để cung ứng cho bà con thả nuôi ở vùng đầm Ô Loan, huyện Tuy An”.
Tôm rớt giá lại bán không chạy, nhiều trại giống ở phường 9 lỗ nặng. Trại giống Thành Oanh đã sản xuất trên 5 triệu con tôm sú post bán với giá rất thấp từ 7 – 8 đồng/con nhưng không ai mua, đành xả bể tôm ra ngoài, lỗ trên 35 triệu đồng. Ông Phạm Văn Thành, chủ trại giống Thành Oanh bức xúc: “Chưa bao giờ nghề sản xuất tôm giống lao đao như mùa này. Hiện diện tích thả tôm nuôi trong tỉnh chưa nhiều, nên nhu cầu con giống rất ít. Con giống làm ra vừa cho, vừa vứt bỏ… Do vậy, trại nào càng sản xuất tôm với số lượng lớn thì càng bị lỗ vốn nặng, có nguy cơ bị phá sản”.
Toàn tỉnh có hơn 160 trại giống, bình quân mỗi năm sản xuất tôm post với sản lượng khoảng 1,2 tỉ con. Nhưng do sản phẩm tôm post hạ giá, không bán chạy, bị thua lỗ vốn hoặc lãi ít, nên vụ này chỉ khoảng 1/3 số trại giống hoạt động và khả năng sản lượng giảm chỉ còn khoảng 50%. Ở các vùng sản xuất tôm giống tập trung Gành Đỏ, Hòa An (huyện Sông Cầu), Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) cũng đang lao đao vì tiêu thụ tôm khó khăn. Riêng khu sản xuất tôm sú giống lớn nhất tỉnh ở phường 9 với gần 60 trại, nhưng vụ này chỉ có khoảng 10 trại sản xuất tôm sú giống! Theo các chuyên gia, kỹ sư nuôi trồng thủy sản ở Viện Nghiên cứu Thủy sản 3 Nha Trang và Sở Thủy sản Phú Yên, hiện nhiều vùng nuôi tôm trong tỉnh và nhiều tỉnh trong nước bỏ trắng ao đìa chứ không thả con giống nuôi như trước đây. Điều này đã làm ảnh hưởng đến nghề sản xuất tôm giống. Chỉ có đầu tư khôi phục và phát triển các cánh đồng nuôi tôm mới mong giải quyết ổn định được thị trường tiêu thụ nguồn tôm giống vốn nổi tiếng trong tỉnh. Ngành thủy sản cũng cần quan tâm hỗ trợ cho các trại giống để áp dụng các quy trình sản xuất giống hiện đại, nhằm giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận kinh tế.
CHUYỂN ĐỔI SẢN XUẤT NHIỀU LOẠI GIỐNG THỦY SẢN
Trước thực trạng giống tôm sú gặp nhiều khó khăn, thua lỗ, hàng loạt các trại giống trong tỉnh đã chuyển sang đầu tư sản xuất các loại giống thủy sản khác như ốc hương, chình, cua, cá mú, tu hài, tôm thẻ chân trắng… để cung ứng cho người nuôi trong tỉnh. Ông Phạm Văn Thành, chủ trại giống Thành Oanh, cho biết: “Hiện có trên 50% trại tôm giống ở phường 9 đầu tư sản xuất các loại giống ốc hương, tu hài, cua. Từ khi xả bỏ các bể nuôi tôm sú giống, tôi chuyển sang đầu tư sản xuất cua giống để “gỡ” lại vốn. Hiện tôi đã thả nuôi 10 kg giống cua bố mẹ để cho đẻ nhân tạo, chỉ trong vòng 1,5 tháng nữa là có thể xuất bán cua con với giá khoảng 300 đồng/con”.
Cơ sở giống Hoàng Mỹ vốn sản xuất tôm giống với số lượng lớn, đạt chất lượng, sạch bệnh ở phường 9 cũng đã chuyển sang sản xuất giống tu hài. Theo kỹ sư Đinh Viết Ngọc, người quản lý cơ sở sản xuất giống Hoàng Mỹ, tu hài là đối tượng thủy sản mới dễ sản xuất giống, dễ nuôi, không tiêu tốn thức ăn (tu hài chỉ ăn các loại tảo trong tự nhiên), có giá trị kinh tế tương đối cao. Sau 12 tháng nuôi ở vùng nước mặn ven biển, mỗi con tu hài có thể đạt trọng lượng khoảng 50g, bán với giá bình quân ở miền Trung 80.000 đồng/kg, miền Bắc 250.000 đồng/kg. Cơ sở sản xuất giống này phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 Hải Phòng đã mở 2 lớp tập huấn cho bà con về kỹ thuật nuôi tu hài thương phẩm ở huyện Sông Cầu và thôn Vũng Rô (huyện Đông Hòa); đồng thời đang ương nuôi 2 tỉ ấu trùng để sản xuất khoảng 5 triệu con giống tu hài, đảm bảo cung ứng đủ giống cho bà con nuôi trồng trong vụ tới.
Phát triển sản xuất nhiều loại giống thủy sản mới, thay thế dần diện tích tôm sú và nuôi đa dạng hóa các loài thủy sản có giá trị theo quy mô công nghiệp để tăng thu nhập kinh tế cho dân là mục tiêu lớn của ngành thủy sản. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất quá nhiều loại thủy sản, nhưng vẫn chưa được ngành chức năng quản lý, kiểm tra chất lượng trước khi đưa ra ao nuôi. Điều này dễ gây ra tình trạng sản xuất giống thủy sản kém chất lượng, phát sinh dịch bệnh… Đã đến lúc ngành thủy sản sớm tổng điều tra việc sản xuất các loại giống thủy sản trong tỉnh, trên cơ sở đó quy hoạch, quản lý chặt chẽ nguồn giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh để cung ứng cho người nuôi đạt hiệu quả.
QUỐC ĐẠT