Thứ Ba, 01/10/2024 02:20 SA
Thực hiện cam kết WTO:
Chủ động kiểm soát những tác động tiêu cực
Thứ Hai, 03/03/2008 10:30 SA

Trong quá trình thực hiện các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thách thức và cơ hội luôn cùng xuất hiện. Các doanh nghiệp ở Phú Yên cần chủ động xác định những ảnh hưởng của quá trình này để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để vươn lên theo yêu cầu hội nhập.

 

080303-Phu-Sen-17.jpg

Sản xuất nước ngọt Pita tại Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT

 

ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG CẢN TRỞ

 

Sức cạnh tranh yếu kém của ngành công nghiệp tiếp tục là thách thức hàng đầu của các doanh nghiệp (DN) Phú Yên. Đối với một số sản phẩm nông nghiệp mà Phú Yên có sức cạnh tranh tương đối cao như đường, thủy hải sản... gia nhập WTO sẽ mở ra một triển vọng mới vì Việt Nam sẽ được miễn hạn ngạch như đối với tất cả các nước thành viên khác. Tuy nhiên, tăng trưởng của lĩnh vực này chưa ổn định.

 

Cam kết bảo hộ sở hữu trí tuệ là một cản trở đáng kể trong việc tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật của Việt Nam. Xu hướng chung của đàm phán song phương là các nước thành viên gây sức ép đòi hỏi Việt Nam phải cam kết nhiều hơn là khuôn khổ của Hiệp định TRIPS về các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại. Việt Nam đã có những nhượng bộ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, đặc biệt là thỏa thuận hạn chế các công ty dược phẩm được sử dụng các kết quả thử nghiệm lâm sàng của công ty khác trong khoảng thời gian 5 năm. Điều đó dẫn đến giá thành cung cấp nhiều loại dược phẩm sẽ tăng vì tất cả các công ty dược sẽ phải thực hiện quá trình thử nghiệm lâm sàng tốn kém trước khi cho ra đời các loại dược phẩm.

 

Cam kết mở cửa thị trường dịch vụ là một vấn đề nhạy cảm vì có liên quan khu vực tài chính của Việt Nam. Khi đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã đồøng ý cho các công ty nước ngoài được phép tham gia vào 92 loại hình hoạt động dịch vụ bao gồm tài chính, nghiệp vụ chuyên môn, viễn thông và dịch vụ pháp lý. Đạt được sự cân bằng giữa cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và yêu cầu kiểm soát hệ thống tài chính là một thách thức đối với cải cách khu vực tài chính của Việt Nam.

 

DOANH NGHIỆP CẦN CHỦ ĐỘNG KIỂM SOÁT NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC

 

Mặc dù sức cạnh tranh quốc tế của nhiều sản phẩm của Phú Yên còn yếu kém, nhưng thời cơ có thể đến chính từ sức ép cạnh tranh buộc các DN phải nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố vị thế thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

 

 Cải cách môi trường pháp lý, chính sách để bảo đảm hướng tới một “chuẩn” thống nhất theo quy định của WTO cũng là một khó khăn đối với các DN Phú Yên. Tuy nhiên, về lâu dài, hướng tới các “luật chơi” quốc tế là điều kiện cần thiết cho tăng trưởng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong ngắn hạn, có thể nhiều DN Phú Yên sẽ phải phá sản vì cạnh tranh. Do đó, DN cần chuẩn bị trước để đối phó với những tác động tiêu cực, kiểm soát được quá trình thực hiện cam kết với WTO theo cách có lợi cho phát triển của DN Phú Yên.

 

Các DN trong nông nghiệp, nông thôn sẽ bị tác động xấu của cam kết mở cửa thị trường nông sản vì điều kiện trợ cấp nông nghiệp sẽ bị bãi bỏ. Nếu chính sách phát triển DN nông nghiệp linh hoạt để phù hợp với quy định của WTO thì sẽ là  nguy cơ. Chính sách phát triển nông nghiệp cần đặc biệt chú ý ngăn chặn khả năng tái nghèo của nhiều hộ gia đình nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh nên tăng cường phổ biến thông tin khoa học kỹ thuật canh tác, quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến nông sản là những nỗ lực đáng kể cho sản xuất nông nghiệp mà không trái với quy định của WTO. Loại trừ một số sản phẩm có năng lực cạnh tranh tương đối cao như thủy sản, lắp ráp ô tô, bia, sản phẩm gỗ chế biến... hầu hết các sản phẩm còn lại của Phú Yên sẽ phải chịu ảnh hưởng xấu từ gia nhập WTO ở mức độ khác nhau. Địa phương nên lựa chọn một số sản phẩm có tiềm năng để áp dụng những công cụ bảo hộ là lựa chọn khả thi nhất để hạn chế cạnh tranh quốc tế đối với một số ngành công nghiệp mà nước ta có tiềm lực nhưng chưa đủ khả năng đối đầu trực tiếp với các công ty quốc tế.

 

Mặt khác, Phú Yên cần tiếp tục cơ cấu lại khu vực DN Nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động một số công ty lớn nên được xem là ưu tiên quan trọng để tiếp tục giữ vững vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, tỉnh nên tiếp tục khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân, loại bỏ những rào cản về thể chế gây khó khăn cho khu vực tư nhân trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng, hướng tới áp dụng một bộ luật doanh nghiệp thống nhất là những động thái tích cực giúp cải thiện môi trường đầu tư.

 

           Thạc sĩ ĐẬU QUANG LÀNH

Tổng Giám đốc Công ty 28 - Bộ Quốc phòng

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek