Thứ Ba, 01/10/2024 02:33 SA
Hầm đường bộ đèo Cả sẽ được đầu tư xây dựng như thế nào?
Thứ Ba, 04/03/2008 07:00 SA

UBND hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa vừa thống nhất ủng hộ Công ty Cổ phần BOT Cầu Phú Mỹ (PMC) đầu tư dự án hầm đường bộ đèo Cả theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao). Dự án lớn này sẽ được nhà đầu tư thực hiện như thế nào?

080304-ham-dca.jpg

Mô hình hầm đường bộ đèo Cả (lối ra)

 

QUY MÔ DỰ ÁN HẦM ĐƯỜNG BỘ ĐÈO CẢ

 

Dự án hầm đường bộ đèo Cả được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư từ tháng 3/2001 và đã được Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Theo đó, hầm đèo Cả có phạm vi nghiên cứu trong 20 km của quốc lộ IA từ km 1350+500 thuộc địa phận xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa) đến km 1373+500 thuộc địa phận xã Vạn Thọ (Vạn Ninh, Khánh Hòa). Qua khảo sát, TEDI đã đưa ra 5 phương án nghiên cứu xây dựng đường hầm, nhà đầu tư PMC đã chọn phương án có xét đến xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam trong tương lai.

 

Theo phương án chọn, đường hầm đường bộ đèo Cả có toàn tuyến dài 11,125 km, điểm đầu ở phía bắc tại km 1.353+500 quốc lộ IA, tuyến rẽ phải cắt qua thôn Hảo Sơn (Hòa Xuân Nam, Đông Hòa) đi thẳng chui qua đường hầm dưới đèo Cả đến thôn Tây (Đại Lãnh, Vạn Ninh), tuyến tiếp tục đi thẳng cắt qua đường sắt và nối vào quốc lộ IA tại km 1.370+500, tuyến trùng với quốc lộ IA 800m sau đó chui qua đường hầm dưới đèo Cổ Mã, ra khỏi hầm; tuyến nhập trở lại với quốc lộ IA tại km 1.373+500. Toàn tuyến dài 11,125km, bao gồm đường dẫn dài 5.325m (phía bắc 675m, trong đó có 1 cầu dài 80m; phía nam 4.000m, trong đó có 2 cầu dài 1.180m), hầm qua đèo Cả dài 5.450m, hầm qua đèo Cổ Mã dài 350 m. So với đường đèo hiện tại, toàn tuyến đường hầm đã rút ngắn được 8,875 km.

 

Trong tương lai, đường cao tốc Bắc - Nam sẽ qua khu vực đèo Cả, nên các công trình trên tuyến sẽ được thiết kế chịu tải trọng HL 93, có quy mô 2 làn xe, bảo đảm cho các phương tiện tham gia giao thông với vận tốc 80 km/h.

 

Đường dẫn được xây dựng có nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m;  cầu được xây dựng có bề mặt rộng 12m, phần xe chạy rộng 7m, phần đường người đi bộ mỗi bên rộng 2m; đường hầm được xây dựng có bề rộng mặt đường 11,5m, trong đó mặt đường phần xe chạy rộng 8,5m, phần người đi bộ mỗi bên 1m, lề an toàn và kiểm tra 0,5m. Bên cạnh công trình đường hầm chính, còn có đường hầm lánh nạn chạy song song được xây dựng với chiều rộng 4,7 m, cao 3,8m. Khi đường cao tốc Bắc - Nam qua đây thì đường hầm lánh nạn sẽ được mở rộng thành đường hầm chính số 2.

 

Theo tính toán sơ bộ ban đầu của nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư xây dựng hầm đường bộ đèo Cả lên đến 8.800 tỉ đồng, trong đó phần xây lắp trị giá gần 6.100 tỉ đồng. 

 

080304-xe-qua-DC.jpg
Lượng xe qua đèo Cả lớn thường gây ùn tắc giao thông – Ảnh: N.T

 

ĐẦU TƯ BẰNG HAI HÌNH THỨC BOT VÀ BT

 

Mặc dù dự án hầm đường bộ đèo Cả đã được Bộ GTVT chuẩn bị từ lâu, song đến nay vẫn chưa thể triển khai thực hiện được. Nguyên nhân là chưa xác định được nguồn vốn đầu tư vì dự án có vốn đầu tư lớn. Thời gian qua, Bộ GTVT đã giao cho PMU 85, rồi Cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các nhà tài trợ tìm vốn ODA, nhưng đều không có kết quả. Tháng 10/2007, Bộ GTVT có công văn số 6717/ BGTVT-KHĐT về việc đầu tư hầm đường bộ đèo Cả theo hình thức BOT nhằm xã hội hóa đầu tư đối với dự án này, tạo điều kiện cho PMC tiếp cận dự án.

 

Theo phân tích hiệu quả kinh tế của nhà đầu tư PMC và tư vấn TEDI, nếu toàn bộ dự án đầu tư theo hình thức BOT thì với chỉ số nội hoàn thấp (IRR= 3,4%), dự án không đủ cơ sở về thu hồi vốn trong thời gian khai thác kinh doanh, do đó đề nghị được đầu tư kết hợp hai hình thức BOT. Theo đó, phần hầm đèo Cả trị giá 6.678 tỉ đồng thực hiện theo hình thức BOT do nhà đầu tư huy động vốn; còn phần đường dẫn và hầm đèo Cổ Mã trị giá 2.126 tỉ đồng thực hiện theo hình thức BT, Nhà nước sẽ được thanh toán vốn đầu tư sau khi xây dựng xong công trình. Đây cũng là mô hình đầu tư mới đang được PMC thực hiện tại dự án cầu Phú Mỹ (TP Hồ Chí Minh). Theo ý kiến của Sở GTVT và Sở Kế hoạch- Đầu tư Phú Yên, hình thức đầu tư BOT kết hợp với BT phù hợp với phương án tài chính của dự án, năng lực tài chính của nhà đầu tư. Tại buổi làm việc với nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo UBND hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã thống nhất hình thức đầu tư kết hợp đó để báo cáo với Bộ GTVT và Chính phủ cho phép PMC thực hiện.

 

Tiến sĩ Nguyễn Thành Thái, Tổng giám đốc PMC, cho biết: Sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng BOT, hợp đồng BT được ký kết, sẽ đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật để công trình được khởi công vào đầu tháng 7/2009. Dự án sẽ được thực hiện làm hai giai đoạn. Giai đoạn một thi công trong vòng 54 tháng với các hạng mục gồm phần đường hầm đèo Cả (theo hình thức BOT với kinh phí 4.983,6 tỉ đồng); đường dẫn, trạm thu phí hầm đèo Cổ Mã (BT với số vốn 1.113 tỉ đồng). Giai đoạn hai sẽ triển khai khi kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam, lúc đó sẽ mở rộng đường hầm lánh nạn thành đường hầm chính số 2 tạo thành 4 làn xe qua đường hầm đèo Cả với thời gian thi công 30 tháng, trong đó vốn BOT: 1.694,4 tỉ đồng và vốn BT: 1.013,3 tỉ đồng.

 

080304-duong-deo-3.jpg

Hàng ngàn xe bị ùn tắc trên đèo Cả vào cuối năm 2007 do đường bị sạt lở, hư hỏng - Ảnh: ĐỨC THÔNG

 

Để chuẩn bị đầu tư cho dự án phức tạp này, PMC đã thỏa thuận liên doanh cùng với các pháp nhân gồm Công ty Cổ phần tập đoàn Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Công ty TNHH Đầu tư- xây dựng Hải Thạch và Công ty TNHH Á Châu huy động góp vốn 881 tỉ đồng; đồng thời ký biên bản ghi nhớ huy động vốn tín dụng nước ngoài 500 triệu USD. Ngoài ra, công ty này cũng đã ký biên bản ghi nhớ liên kết với các tập đoàn xây dựng cầu, hầm lớn trên thế giới như VINCI (Pháp), FUYU (Đài Loan), BBBH (Đức- Australia) để cùng thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công xây dựng công trình.

 

CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHÚ YÊN PHẠM NGỌC CHI: Tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án

 

Hầm đường bộ đèo Cả là công trình quan trọng không chỉ đối với Phú Yên và Khánh Hòa, mà còn của cả nước. Đây là công trình hạ tầng quốc gia nằm trên quốc lộ  IA, là trục chính vận chuyển hàng hóa, hành khách từ Bắc vào Nam và ngược lại, nhưng gần đây đã “quá tải” thường xảy ra ùn tắc giao thông, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản. Xây dựng hầm đường bộ đèo Cả chẳng những giải quyết những bức xúc đó, mà quan trọng hơn còn cụ thể hóa Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của khu vực. Đối với Phú Yên và Khánh Hòa, hầm đường bộ đèo Cả được xây dựng sẽ là trục kết nối  hai khu kinh tế Nam Phú Yên và Vân Phong, phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh. Do vậy, mặc dù được Chính phủ và Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo, nhưng do chưa tìm được vốn nên dự án chậm triển khai. Với chủ trương xã hội hóa đầu tư của Bộ GTVT về dự án này và PMC đề xuất xin đầu tư  theo hình thức BOT kết hợp BT, hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã xem xét đều thống nhất, sẽ báo cáo với Chính phủ và Bộ GTVT chấp thuận cho PMC thực hiện đầu tư.  Hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa sẽ bảo đảm việc đền bù, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng.

 

TỔNG GIÁM ĐỐC PMC NGUYỄN THÀNH THÁI: Sẽ thực hiện dự án với chất lượng tốt nhất, thời gian hoàn thành sớm nhất

 

PMC được thành lập tháng 9/2003, là một tập đoàn đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Công ty đã thực hiện nhiều dự án lớn về giao thông và có sự liên kết sẵn với các tập đoàn xây dựng trên thế giới như VINCI, BOUGUES (Pháp), BBHH (Đức- Australia)… Hiện tại PMC là nhà đầu tư cụm công trình giao thông, hạ tầng đô thị ở TP Hồ Chí Minh có tổng giá trị gần 10.000 tỉ đồng. PMC đang thực hiện dự án cầu Phú Mỹ theo hình thức hợp đồng BOT và dự án các đường dẫn kết nối theo hình thức BT với tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng.

 

Căn cứ vào thông báo 576/TB- BGTVT của Bộ GTVT về việc đầu tư xây dựng hầm đường bộ đèo Cả theo hình thức BOT, PMC xét thấy có khả năng đầu tư thành công nên xin đề xuất đầu tư dự án lớn này. Để chuẩn bị công tác đầu tư, chúng tôi đã tìm đối tác thỏa thuận liên doanh góp vốn (trong đó PMC góp 55%) cùng chia sẻ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi với nhau để thực hiện dự án lớn này. Với mong muốn phát huy năng lực của mình, những kinh nghiệm quản lý đã đạt được từ sự thành công của dự án BOT cầu Phú Mỹ, chúng tôi sẽ thực hiện dự án Hầm đường bộ đèo Cả với chất lượng tốt nhất, công nghệ thi công tiên tiến, thời gian hoàn thành sớm nhất, đóng góp vào sự phát triển và hiện đại hóa ngành giao thông vận tải của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

 

HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA DỰ ÁN HẦM ĐƯỜNG BỘ ĐÈO CẢ

 

Theo TEDI, hiện nay, bình quân mỗi ngày đêm có 4.145 xe qua đèo Cả, gồm 343 xe con, 1.354 xe khách với 37.912 ghế và 2.448 xe tải với tổng tải trọng 19.584 tấn. Nếu các phương tiện trên lưu thông theo hầm đường bộ đèo Cả, rút ngắn được 9 km thì chi phí lợi ích vận tải là 190 triệu đồng/ngày đêm, 70 tỉ đồng/năm, gấp 2 lần số tiền thu phí của trạm thu phí bắc đèo Cả hiện nay. Đồng thời còn tiết kiệm thời gian cho mỗi xe từ 15- 20 phút khi qua hầm đường bộ đèo Cả. Đó là chưa kể chi phí duy tu sửa chữa đoạn đường qua đèo Cả rất lớn, mỗi năm từ 8- 9 triệu đồng/km. Nếu tính đến 5 năm sau khi dự án hoàn thành với lưu lượng xe tăng từ 20- 25%, đồng thời cọâng với các chỉ số trượt giá là 8- 10% thì phần lợi ích cho xã hội giảm được chi phí vận tải trên 100 tỉ đồng/năm.

 

Hai năm gần đây, trên đèo Cả liên tục xảy ra ùn tắc giao thông, có thời gian tắc đường kéo dài 3- 5 ngày. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2008, cứ trung bình 2 tuần có 1 lần ùn tắc giao thông, mỗi lần từ 2- 5 giờ. Tình trạng ùn tắc giao thông trên đèo Cả làm ảnh hưởng lớn đến giao thông trên tuyến huyết mạch Bắc - Nam, nhất là đối với hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Theo thống kê của các công ty quản lý- sửa chữa đường bộ hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, từ tháng 1/2006 đến tháng 10/2007, trên đèo Cả đã xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông làm chết 5 người và 54 người khác bị thương; chưa kể thiệt hại về hư hỏng phương tiẹân giao thông, tài sản xã hội.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek