Giá xăng dầu tăng khiến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh, sản xuất lo lắng. Những DN bị ảnh hưởng trực tiếp như vận tải hành khách, taxi đã khẩn cấp bàn biện pháp đối phó với tình hình xăng dầu tăng giá.
Thuận Thảo đang lập phương án tăng giá vé xe khách - Ảnh: MINH NGUYỆT |
GIÁ CƯỚC VẬN TẢI SẼ TĂNG TỪ 20- 25%
Xe vận tải hàng hóa và xe khách chủ yếu chạy bằng dầu diezel, và chi phí nhiên liệu chiếm tới 50% giá thành vận tải. Trong khi đó, dầu diezel đã tăng 30%, xăng tăng hơn 10%, khiến giá thành đầu vào lập tức bị đội lên khoảng 15% với xe chạy dầu và hơn 5% với xe chạy xăng. Vì thế, việc các DN vận tải rục rịch tăng giá cước dịch vụ là điều nằm trong dự báo.
Bà Lê Thị Tý, chủ DNTN Tý Linh (TP Tuy Hòa) cho biết, xe tải của DN chở mỗi chuyến hàng vào TP HCM có mức giá từ 3 – 3,5 triệu. Mấy ngày qua, giá xăng dầu tăng khiến DN hoạt động cầm chừng. Mỗi chuyến hàng, giá cước buộc phải tăng 200.000 – 300.000 đồng để bù vào chi phí nên số khách hàng gọi nhà xe cũng hạn chế. Chị Tý tỏ ra mệt mỏi: “Hễ có hàng nhiều và khách chấp nhận giá tăng thì xe chạy, không thì nghỉ vì không đủ phí tổn, đi chi cho mệt?”.
Điều chỉnh giá cước trong vận tải hàng hóa đã khó, đối với vận tải hành khách lại càng khó khăn hơn. Các DN vận tải phải tính toán điều chỉnh giá vé sao cho vừa có lợi nhuận, đồng thời giữ được khách. Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, chủ DN Vận tải Du lịch Cúc Tư (TP Tuy Hòa) bộc bạch: “Đợt tăng giá lần trước, chúng tôi đã ráng chịu lỗ và từ tết đến giờ, tuyến xe đi TP HCM chỉ có khách đi vô chứ vòng ra là chạy xe không. Chúng tôi choáng váng trước nhiều “cú” tăng giá xăng dầu liên tiếp và chưa kịp “trở tay” thì xăng dầu lại tăng”. Theo bà Cúc, các DN vận tải hiện đang “đứng bánh” mà không biết phải xoay xở thế nào. Bà Cúc cho hay: “Nhiều khách hàng “ruột” hỏi mua vé chẳng lẽ không bán? Cho xe chạy mà tôi thấy nóng ruột quá! Để “cầm cự” qua đợt tăng giá này, DN đã giảm số xe hoạt động xuống với phương châm càng ít càng tốt!”.
Ông Tô Kỳ Hỷ, Giám đốc Vận tải hành khách (Công ty TNHH Vận tải và thương mại Thuận Thảo) cho biết: “Trong cùng một tuyến có nhiều đơn vị tham gia khai thác dịch vụ vận tải nên việc điều chỉnh giá là không đơn giản. Thời gian này, chúng tôi chấp nhận bán vé theo giá cũ và đang lập phương án tăng 20 -25%”.
Xe khách Thuận Thảo sẽ tăng giá vé trong nay mai - Ảnh: MINH NGUYỆT |
KHÓ KHĂN TRONG ĐIỀU CHỈNH GIÁ
Trước đây, các DN vận tải có thể hiệp thương để điều chỉnh giá nên khá đơn giản. Theo quy định mới, giá cước vận tải do DN tự đăng ký với cơ quan chức năng và sau 3 ngày đăng ký, DN sẽ chính thức áp dụng giá cước mới. Do vậy, các DN vận tải ở TP Tuy Hòa đang lúng túng và “dòm nhau” trong việc tăng giá. Tính đến tối 27/2, chưa có DN vận tải nào ở TP Tuy Hòa niêm yết giá vé xe mới.
Xăêng dầu tăng giá cũng đang ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của xe trong bến đối với xe “dù”. Vì ngoài khoản thuế VAT, xe “dù” còn có lợi thế “trốn” được tiền thuê bến bãi trong bến.
Không chỉ các DN vận tải khách thấp thỏm mà các DN kinh doanh taxi cũng đang rối bời. Mỗi kilômét taxi sẽ đội thêm 500 đồng. Trong tình cảnh giá cước taxi vừa mới điều chỉnh qua nhiều đợt biến động giá xăng dầu trong hai năm qua, DN luôn rơi vào thế bị động, “chạy đua” với biến động giá. Ông Văn Kim Bường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Phú Yên cho biết: “Trước mắt, tập đoàn sẽ hỗ trợ phần nhiên liệu tăng giá cho tài xế và vẫn giữ mức giá cũ. Sau đó, tập đoàn sẽ có sự điều chỉnh đồng hồ tính tiền trên toàn quốc. Lúc đó, khả năng lượng khách hàng sử dụng dịch vụ taxi sẽ giảm đi”.
Các DN kinh doanh taxi than phiền là mỗi lần điều chỉnh giá cước cực kỳ phiền hà với khâu chỉnh đồng hồ tính tiền, kẹp chì niêm phong... Vì vậy, “cơn bão giá” xăng dầu khiến các DN, ngoài thiệt hại về kinh tế còn bị phiền hà về thủ tục.
Các DN vận tải cũng kêu ca về thủ tục điều chỉnh giá cước hiện nay. Theo hướng dẫn của Thông tư 86 liên bộ Giao thông - Vận tải và Tài chính, các DN phải đăng ký giá vé, mẫu mã và số lượng vé với cơ quan chức năng rồi mới được in... Do xăng dầu vừa tăng giá trước Tết nên các DN đã đăng ký điều chỉnh giá cước, in ấn vé. Giờ lại phải đăng ký điều chỉnh giá, in vé theo giá mới và hủy bỏ lượng vé cũ với chi phí không nhỏ. Trong khi đó, giá xăng dầu được điều chỉnh theo giá thị trường nay lên mai xuống theo giá dầu thế giới. Cứ tình trạng này thì các DN vận tải, nội việc làm thủ tục điều chỉnh giá cước, cũng đủ chóng mặt. Vì thế, các DN vận tải kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính nên nghiên cứu một hình thức phụ thu xăng dầu như với vé hàng không hoặc hệ số trượt giá xăng dầu để DN có thể tự động áp vào thực hiện theo giá xăng dầu.
MINH NGUYỆT