Xúc tiến thương mại (XTTM) và phát triển thị trường (PTTT) luôn gắn với nhau và là khâu đặc biệt quan trọng để kết nối các nhà sản xuất - kinh doanh với người tiêu dùng, mở rộng giao lưu trong kinh doanh làm cho thị trường ngày càng mở rộng. Một DN có thể có sản phẩm chất lượng tốt, nhưng không đưa được đến tay người tiêu dùng thì DN đó không thể nâng cao tính cạnh tranh. Vì thế, muốn sản phẩm đến được tay người tiêu dùng thì phải làm tốt công tác XTTM –yếu tố để nâng cao sức cạnh tranh của DN, của hàng hóa.
Một hội chợ do ngành Thương mại Phú Yên tổ chức tại TP Tuy Hòa để các doanh nghiệp tham gia tìm kiếm đối tác – Ảnh: MINH NGUYỆT |
Trong thời gian qua, công tác XTTM của tỉnh chỉ đơn thuần là tham gia các hội chợ trong, ngoài nước nhằm quảng bá và bán những gì mình có. Bên cạnh đó, hàng hóa bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng chưa nhiều nên rất khó khăn trong việc tìm kiếm được cơ hội nghiên cứu sâu thị hiếu khách hàng và phương thức bán hàng hiệu quả. Các đơn vị bán lẻ phụ thuộc vào những nhà phân phối trung gian, thiếu chủ động trong đàm phán thương mại. Chủng loại hàng hóa tham gia thị trường chưa nhiều, mức độ sản xuất để cung ứng còn nhỏ lẻ và phân tán, chất lượng không đồng đều và thiếu ổn định. Ngoài ra, mối liên kết giữa các DN lớn trong kinh doanh chưa được thiết lập chặt chẽ, thiếu chiến lược kinh doanh ngành hàng, mặt hàng và từng thị trường cụ thể. Việc xác định đối tượng để phục vụ công tác XTTM cũng chưa được định hình rõ ràng. Những DN vừa và nhỏ, các DN mới thành lập, các HTX và cả những hộ kinh doanh... rất cần được hỗ trợ, huấn luyện, tham gia các hội thảo về xúc tiến và tổ chức các đoàn khảo sát thị trường ở nước ngoài. Còn đối với các DN lớn có đủ tiềm lực thì mức độ và tính chất XTTM lại cần được hỗ trợ quảng bá thương hiệu ra nước ngoài, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu...
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, thương mại không còn bó hẹp trong ý nghĩa truyền thống mua bán hàng hóa, mà ngày càng mở rộng ở rất nhiều lĩnh vực. Sự phát triển giao lưu quốc tế và hội nhập sẽ dần xóa bỏ ranh giới giữa thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng chính là lúc thay đổi cả về phương thức cũng như suy nghĩ về công tác XTTM và PTTT.
Để tạo bước đột phá mới phù hợp với xu thế hiện nay, các DN cần chăm lo xây dựng thị trường nội địa, tập quen dần khi không còn sự khác biệt giữa khái niệm thị trường nông thôn và thị trường thành thị. Xu thế chung của người tiêu dùng ngày càng hướng đến văn minh thương mại, đòi hỏi hàng hóa phải đúng quy chuẩn, đạt chất lượng, dịch vụ hậu mãi hiện đại... Do đó, ngành Thương mại cần huy động nhiều nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ loại 1 tại các trung tâm đô thị toàn tỉnh. Đối với thị trường cả nước, tiếp tục khuyến khích các DN mở thêm nhiều đại lý và chi nhánh để bán hàng tận tay người tiêu dùng; vận động nhiều DN hợp tác đầu tư các trung tâm, cửa hàng giới thiệu sản phẩm chung của địa phương tại một số thị trường trọng điểm và tiềm năng.
Ngành Thương mại cũng phải hỗ trợ có hiệu quả công tác XTTM, tiếp tục tích cực và thường xuyên tham gia các kỳ hội chợ trong và ngoài nước, đặc biệt là những hội chợ chuyên ngành, uy tín và quy mô lớn. Tại các hội chợ lớn, ngành chú ý nhiều hơn nữa cho sự quảng bá hàng hóa mang đậm dấu ấn hình ảnh của địa phương. Ngoài ra, ngành phải đa dạng hóa hình thức quảng bá hàng hóa, tận dụng mọi phương tiện để chuyển tải đến người tiêu dùng nhanh nhất, hiệu quả nhất nhưng với chi phí thấp nhất.
Việc chuyển dần từ hình thức “thu gom” hàng rồi mang “rao bán” cũng cần chú trọng, trong đó, DN phải đóng vai trò là cầu nối mang sản phẩm từ “ngoài vườn vào đến bàn ăn”. Chính điều này sẽ giúp DN kiểm soát được chất lượng hàng hóa, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tiếp cận trực tiếp khách hàng, loại bỏ dần những khâu trung gian làm tăng hiệu quả kinh doanh. Các DN cũng từng bước chuyển đổi dần sang hình thức bán hàng chuyên nghiệp bằng hình thức bán trực tiếp thông qua các văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài, nhượng quyền thương hiệu cho đối tác nước ngoài; giới thiệu và bán hàng trực tuyến qua mạng... DN cũng nên liên kết với những tập đoàn bán lẻ lớn ở thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là những thị trường trọng điểm. Ban đầu, DN có thể vay mượn thương hiệu của các tập đoàn đối tác, dần dần thông qua đàm phán cũng như sức mạnh thị trường để khuếch trương quảng bá thương hiệu hàng hóa và tên tuổi của chính mình.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ doanh nhân cần quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục thực hiện chương trình khuyến công nhằm hỗ trợ, khuyến khích DN đổi mới máy móc thiết bị công nghệ và chương trình xây dựng thương hiệu; kiện toàn bộ máy làm công tác XTTM, đào tạo đội ngũ chuyên viên làm công tác XTTM chuyên nghiệp hơn, đáp ứng năng lực trình độ nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác đối ngoại, mở rộng mối giao lưu hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài, tăng cường quảng bá hàng hóa của DN cần phải được chú trọng.
Công đoạn cuối cùng không kém phần quan trọng trong XTTM và PTTT là phải liên kết cho được mọi hoạt động để gắn kết hai thị trường trong và ngoài nước lại với nhau. Điều này nhằm tạo thế đứng vững vàng cho DN, có sự bổ sung lẫn nhau để tạo thành sức mạnh tổng hợp cho hàng hóa Phú Yên trong thương trường đầy sự cạnh tranh.
TRẦN QUANG NHẤT
Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch Phú Yên