Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số năng lực cạnh tranh những năm gần đây của Phú Yên ở nhóm khá, trong đó, tỉnh có lợi thế về chi phí gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước và thiết chế pháp lý là những điểm yếu của tỉnh.
Kính Kim Linh, một sản phẩm có thể cạnh tranh của Phú Yên Ảnh: LY KHA |
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, Phú Yên cần xác định vị thế cạnh tranh của DN xem họ đang ở vị trí nào, đối thủ cạnh tranh là ai, đang ở vị trí nào, những ưu thế và bất lợi của DN so với đối thủ cạnh tranh. Để xác định vị thế cạnh tranh cần phân tích môi trường bên trong và bên ngoài, xác định điểm mạnh, điểm yếu của DN và cơ hội, nguy cơ do môi trường đem lại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng lựa chọn và xây dựng chiến lược khai thác, duy trì những lợi thế của DN đảm bảo bền vững. Trong điều kiện quy mô nhỏ, DN nên chú trọng các chiến lược chuyên môn hóa vào các lợi thế riêng như đối tượng khách hàng, khu vực bán hàng, công đoạn sản xuất, phân phối hay một số đặc trưng của sản phẩm cũng như các chiếân lược liên doanh, liên kết để sử dụng các lợi thế của nhau.
DN nên lựa chọn vũ khí cạnh tranh phù hợp với ngành nghề và vị thế cạnh tranh của mình. Vũ khí cạnh tranh được lựa chọn có thể là một hoặc nhiều các loại vũ khí như sự vượt trội về kỹ thuật – công nghệ, danh tiếng về chất lượng, hỗ trợ về sản phẩm, dịch vụ, mạng lưới chăm sóc khách hàng, giữ chân nhân viên giỏi, chi phí thấp, danh tiếng và thương hiệu, nguồn tài chính, định hướng khách hàng và nghiên cứu thị trường, sự đa dạng của sản phẩm và phân khúc thị trường. Từ việc lựa chọn vũ khí cạnh tranh, DN sẽ đề ra các giải pháp để duy trì và phát triển vũ khí cạnh tranh của mình. Đồng thời, DN cần coi trọng nghiên cứu thị trường, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, lấy hợp đồng tiêu thụ làm căn cứ xây dựng kế hoạch kinh doanh; quan tâm đến công tác nghiên cứu thị trường phát triển sản phẩm, phân phối và tổ chức mạng lưới bán hàng.
DN nên tận dụng những cơ hội mà các DN có được sau khi Việt Nam gia nhập WTO, đặc biệt là cơ hội mở rộng thị trường, hợp tác, liên doanh, liên kết, thu hút vốn và đổi mới công nghệ từ các nước thành viên của WTO. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khai thác có hiệu quả những lợi thế riêng của mình, đặc biệt là du lịch biển, sinh thái rừng, vận tải đường thủy, đánh bắt, nuôi trồng hải sản xuất khẩu và lợi thế về phí gia nhập thị trường cho các DN. Ngoài ra, DN còn phải chú trọng và đảm bảo các yếu tố pháp lý trong kinh doanh. Ngoài việc am tường những quy định chung của tổ chức WTO, DN cần am hiểu tường tận ở thị trường mà mình kinh doanh, từ bỏ các thói quen, phương pháp không phù hợp với pháp luật và quy tắc WTO. DN cũng nên tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý, kỹ năng lãnh đạo, quản trị trong các DN; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chú trọng xây dựng thương hiệu, văn hóa DN. Bên cạnh việc Nhà nước hoàn thiện môi trường vĩ mô, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh và chính sách phát triển tư nhân của tỉnh để nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là khắc phục các điểm yếu về thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước và thiết chế pháp lý hiện nay.
Tiến sĩ ĐẶNG NGỌC ĐẠI
(Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh)