Thứ Bảy, 05/10/2024 18:16 CH
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam:
Nâng cao chất lượng, tạo sức mạnh cho doanh nghiệp Việt
Thứ Bảy, 06/04/2019 07:00 SA

Nhờ cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhiều người tiêu dùng đã ưu tiên sử dụng hàng Việt - Ảnh: NGÔ XUÂN

Nhằm đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Ủy ban MTTQ tỉnh đã đưa ra kế hoạch thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động này giai đoạn 2019-2020 với nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng Việt. Báo Phú Yên phỏng vấn đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động quanh việc triển khai kế hoạch này.

 

* Xin đồng chí cho biết mục đích của việc lồng ghép đề án Phát triển thị trường trong nước với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong giai đoạn 2019-2020?

 

- Đề án Phát triển thị trường trong nước được gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhằm vận động người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa hàng hóa thiết yếu và hàng Việt Nam có chất lượng đến người tiêu dùng.

 

Đề án này hướng đến xây dựng mô hình thí điểm các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nhằm tạo lập và phát triển thị trường trong nước bền vững.

 

Để thực hiện được mục tiêu trên cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn tỉnh; tạo sự chuyển biến căn bản, tích cực trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam chân chính.

 

Nguyễn Quốc Hoàn

* Để thực hiện được đề án này, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã đặt ra mục tiêu cụ thể gì, thưa đồng chí?

 

- Mục tiêu của Ban chỉ đạo Cuộc vận động là phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ có khoảng 85% người tiêu dùng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tăng thị phần hàng Việt Nam có thếmạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn lên trên 65%; tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên 70%.

 

Tỉnh cũng đưa ra mục tiêu xây dựng thí điểm điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; triển khai xây dựng chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” trên các phương tiện truyền thông của tỉnh để nâng cao nhận thức của người dân về việc ưu tiên tiêu dùng hàng Việt.

 

Đến năm 2020 phấn đấu có trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Cụ thể như tạo các điểm bán hàng cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; xây dựng và duy trì các chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, cần tăng thị phần hàng Việt Nam có thếmạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn lên đến 80%; ở các siêu thị, trung tâm thương mại... lên trên 90%.

 

* Ban chỉ đạo Cuộc vận động có giải pháp gì để thực hiện được các mục tiêu trên?

 

- Ban chỉ đạo Cuộc vận động định hướng các đơn vị triển khai đồng loạt nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng cuộc vận động, phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ người tiêu dùng…

 

Trong đó tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ nhằm mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam sâu rộng hơn. Việc phát triển hệ thống phân phối cần được xây dựng theo chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững từ sản xuất - phân phối - tiêu dùng gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

 

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức quảng bá đưa hàng Việt vào nhiều kênh phân phối từ truyền thống đến hiện đại cũng như các tuyến, điểm du lịch, dịch vụ.

 

Để sản phẩm hàng Việt có chỗ đứng thực sự bền vững, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt thông qua việc tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh nhằm khai thác hiệu quả việc kinh doanh trên môi trường mạng - một xu thế hoàn toàn mới và hiệu quả nếu biết khai thác tốt.

 

Cuối cùng, các lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc kiểm soát lưu thông hàng hóa; tăng cường chống buôn lậu và hàng giả, gian lận thương mại để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp Việt cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

NGÔ XUÂN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek