Thứ Hai, 07/10/2024 07:22 SA
Ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi bùng phát: Lượng thịt tiêu thụ giảm mạnh
Thứ Bảy, 09/03/2019 11:00 SA

Người tiêu dùng nên mua và sử dụng thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng - Ảnh: NGÔ XUÂN

Những ngày qua, thông tin về dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát khiến người dân lo lắng. Thậm chí, nhiều người truyền nhau kêu gọi tẩy chay thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Tuy nhiên, ngành Y tế khuyến cáo dịch bệnh này không lây lan sang người nên người tiêu dùng không nên tẩy chay thịt lợn, gây ảnh hưởng đến ngành Chăn nuôi và các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trong nước.

 

Không nên tẩy chay thịt lợn

 

Trước thông tin dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 9 tỉnh, thành, không ít người tiêu dùng hoang mang, lo lắng; thậm chí không dám sử dụng loại thực phẩm này vì sợ dịch bệnh lây lan sang người. Chị Nguyễn Thị Ngân ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, băn khoăn: Từ ngày có thông tin về dịch tả lợn châu Phi, gia đình tôi không dám mua thịt lợn; thay vào đó, chúng tôi ăn cá và các loại thịt bò, thịt gà. Ngay đến các loại xúc xích, thịt hộp tôi cũng không dám dùng vì sợ ăn phải thịt lợn bệnh. Không những vậy, khi có việc cần ăn uống bên ngoài, tôi cũng tránh sử dụng các món ăn chế biến từ thịt lợn.

 

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, quan sát bằng mắt thường, thịt lợn khỏe mạnh sẽ có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường. Còn thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt thì đó là thịt ôi hoặc đã mắc bệnh. Người tiêu dùng cũng có thể dùng tay để kiểm tra độ đàn hồi của thịt. Nếu thịt bị ngón tay ấn vào không bị lõm, không bị dính, rỉ nước và chắc thì đó là thịt lợn khỏe mạnh; ngược lại là thịt lợn bệnh. Ngoài ra, lợn bị tả sẽ có nốt xuất huyết dưới da hoặc vành tai, lá lách phình to, phổi lợn nặng và sáng, có nhiều cục nhỏ giữa các thùy và có dịch kèm bọt khí rỉ ra khi cắt.

Chính tâm lý lo sợ, hoang mang của người tiêu dùng khiến giá thịt lợn tại các chợ giảm mạnh; việc tiêu thụ thịt lợn cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chị Nguyễn Thị Hồng, bán thịt lợn tại chợ Tuy Hòa, cho biết: Từ khi có thông tin về dịch tả lợn châu Phi thì sức tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh. Nếu như bình thường tôi bán 2-3 con lợn/ngày thì nay chỉ còn hơn một nửa; giá thịt lợn các loại cũng giảm từ 20.000-30.000 đồng/kg. Nhiều khách hàng e ngại không dám ăn thịt lợn; một số bạn hàng bán quán cơm, bún phở vì vậy đã lấy giảm nhiều so với trước. Mặc dù tôi giải thích thịt lợn tôi bán chủ yếu có nguồn gốc tại địa phương (đã được kiểm dịch, không có bệnh), nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn không khỏi lo lắng.

 

Về ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đến người, ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định: Bệnh dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ dẫn đến tẩy chay thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Bên cạnh đó, dịch bệnh này mới xuất hiện ở một số tỉnh, thành phía Bắc; Phú Yên chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh.

 

Bên cạnh đó, tất cả cơ sở, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ thịt lợn có thương hiệu, uy tín đều được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ về nguyên liệu đầu vào nên không có chuyện các doanh nghiệp sử dụng thịt lợn bệnh để chế biến thực phẩm. Việc kêu gọi tẩy chay thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn là không có căn cứ, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành Chăn nuôi và chế biến thực phẩm của cả nước. Do vậy, mỗi người dân cần sáng suốt, không nên chia sẻ, đưa thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận trong thời điểm này.

 

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

 

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, trước mức độ nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh; đặc biệt là kiểm soát khâu lưu thông để tránh lây lan dịch bệnh. Ngành chức năng của các tỉnh, thành cũng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thịt lợn và thực phẩm chế biến từ các khâu sản xuất, lưu thông… nên người tiêu dùng có thể yên tâm.

 

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mỗi người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm thịt lợn ở những nơi uy tín; chỉ mua thịt lợn có kiểm dịch, có nguồn gốc, xuất xứ. Mỗi người dân cũng cần đảm bảo các nguyên tắc ăn chín, uống chín; không nên ăn các loại thức ăn chưa nấu chín, đặc biệt là tiết canh.

 

Không chỉ ngành Nông nghiệp, Y tế, vấn đề kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát còn nhận được sự chung tay của các ngành liên quan và địa phương. Ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Sau khi có thông tin về dịch tả lợn châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường và UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng ngày đêm theo dõi, kiểm tra, kiểm soát thị trường thịt lợn, đặc biệt là khâu lưu thông. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội ở các địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để nguồn lợn bệnh xâm nhập vào thị trường Phú Yên làm lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cũng sẽ đẩy mạnh kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ các loại thực phẩm chế biến từ thịt lợn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. 

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek