Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới trái mùa, trong tháng 1 vừa qua hơn 1.200ha lúa đông xuân bị ngập úng kéo dài, hư hại nặng. Được Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) hỗ trợ lúa giống, sau Tết Nguyên đán Mậu Tý, bà con nông dân gieo sạ lại và cấy dặm trên các cánh đồng huyện Tuy An và TP Tuy Hòa. Riêng cánh đồng xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) vẫn còn trơ đất...
Nông dân TP Tuy Hòa cấy dặm lúa đông xuân sau khi bị ngập úng - Ảnh: H.NAM |
Cánh đồng thôn Ninh Tịnh 2, phường 9, TP Tuy Hòa (khu vực phía trên trạm bơm) trước Tết Nguyên đán Mậu Tý trơ đất thì nay lúa đông xuân bắt đầu lên xanh. Người dân tranh thủ nước rút đến đâu gieo sạ đến đó, nhiều người ngày mùng 1 Tết ngâm ủ giống đến mùng 4 gieo sạ lại. Bà Ngô Thị Thuận, nông dân thôn Ninh Tịnh 2, cho biết: “Ruộng nhà tôi gieo sạ hôm mùng 4 Tết, nay lúa đã ra lá non”. Với cách làm khẩn trương đó, hơn 20 ha bị ngập úng kéo dài mạ non chết sạch đã được bà con nông dân TP Tuy Hòa gieo sạ lại. Một số diện tích cao hơn, mạ non ngã rạp, lúa sống thưa, bà con cũng đang tranh thủ cấy dặm.
Tại xã An Cư, huyện Tuy An (nơi có 630 ha lúa bị ngập úng kéo dài), bà con nông dân cũng đã gieo sạ lại. Còn đối với 10 ha ruộng khu vực Bàu Sen, xã An Chấn, do nằm ở cuối kênh Phú Vang nên chính quyền địa phương khuyến khích bà con cấy dặm. Đối với 28 ha thuộc các xã An Định, thị trấn Chí Thạnh, An Ninh Đông, bà con cấy dặm để đảm bảo lịch thời vụ và khâu tưới tiêu. Mật độ dảnh/m2 chưa đúng theo quy trình kỹ thuật. Ngay tại thời điểm này, Phòng Kinh tế huyện Tuy An khuyến khích bà con áp dụng phương pháp bón phân cân đối cho lúa phát triển, đẻ nhánh nhiều đảm bảo năng suất.
Riêng ở xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa), đến nay nhiều chân ruộng vẫn còn trơ đất trắng. Trong số 420 ha bị hư hại phải gieo sạ lại, đến thời điểm này chỉ gieo sạ 26 ha. Ông Lê Quang Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Đông giải thích: “Số diện tích chưa gieo sạ nằm rải rác các thôn Hiệp Đồng, Thạnh Trung 1, Lưới Gõ, đa số hưởng nước từ các trạm bơm điện nên việc tưới tiêu sau này gặp khó khăn. Vả lại đây là vùng trũng, lúc này nếu sạ lại phải be bờ tát nước khổ nhọc nên bà con không thể xuống giống”. Diện tích hư hại không nằm tập trung một vùng, nên chính quyền địa phương và bà con nông dân lúng túng lo ngại về khâu thủy lợi sau này. Nếu hiện nay bắt đầu gieo sạ đến khi lúa đông xuân chín thì trà lúa gieo sạ sau không có nước tưới. Trước tình hình này, ngày 13/2, Sở NN-PTNT và Phòng Kinh tế huyện Đông Hòa đã khảo sát các vùng đang gặp khó khăn về vấn đề gieo sạ lại lúa đông xuân. Phòng Kinh tế huyện Đông Hòa đã có kế hoạch hỗ trợ kinh phí phục vụ bơm tưới, không để diện tích nào thiếu nước trong giai đoạn sau này, kể cả hồ chứa và trạm bơm điện; đồng thời chỉ đạo khuyến nông viên các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi lúa đông xuân, phát hiện kịp thời sâu bệnh để phòng có kế hoạch hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Riêng về số diện tích nhỏ manh mún khó khăn trong việc gieo sạ, UBND xã Hòa Xuân Đông đang khảo sát thực địa để báo cáo Sở NN-PTNT hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, cố gắng không diện tích nào bỏ trống.
LÊ TRÂM