Thứ Tư, 02/10/2024 19:24 CH
Đưa nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh Phú Yên vào cuộc sống
5 vấn đề cần giải quyết để nuôi trồng thủy sản Đông Hòa phát triển
Thứ Tư, 15/03/2006 15:25 CH

(Trích tham luận tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XIV của đồng chí Lê Hùng Tấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đông Hòa)

 

Đông Hòa có 5 xã ven biển: Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam, Hòa Tâm và Hòa Xuân Nam, dân số 44.797 người, chiếm 45% dân số toàn huyện; có bờ biển dài gần 30km. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, có nhiều lợi thế trong việc phát triển kinh tế thủy sản, nhất là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản với diện tích tự nhiên là 1.500 ha; trong đó vùng tôm hạ lưu sông Bàn Thạch 1.100ha.

 

Vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch - Ảnh: PV

 

Nuôi trồng thủy sản ở khu vực này những năm 1995-2003 đã tạo được bước phát triển lớn của cả vùng, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của huyện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả phấn khởi đó, những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2003-2005, khu vực này gặp không ít khó khăn. Do cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi đầu tư chưa đúng mức, chỉ phù hợp với nuôi quản canh, đến bán thâm canh nên không đáp ứng yêu cầu phát triển nuôi thâm canh, tăng vụ. Mặt khác, người nuôi chạy theo lợi nhuận, không chấp hành quy chế quản lý vùng nuôi tập trung, thả nuôi mật độ cao; chất lượng giống kém, bệnh tôm xảy ra liên tiếp; công tác bảo vệ môi trường sinh thái vùng nuôi còn nhiều bất cập; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là đa dạng hóa đối tượng nuôi, còn nhiều hạn chế. Từ đó làm nảy sinh những yếu tố bất lợi từ nội vùng, tình trạng nuôi tôm thua lỗ kéo dài, đời sống nhân dân trong vùng đang gặp nhiều khó khăn.

 

Để tổ chức việc nuôi trồng thủy sản bảo đảm hiệu quả, bền vững, theo tôi cần tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách sau đây:

 

Một là: các giải pháp để phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mà dự thảo Báo cáo chính trị đưa ra là phù hợp; cần phải đầu tư đúng mức các vùng nuôi trồng thủy sản, đầu tư hạ tầng kỹ thuật như đầu tư các khu công nghiệp và phải quản lý vùng nuôi phát triển bền vững. Vì đây là nghề cho hiệu quả kinh tế cao nhất (gấp 4-6 lần so sản xuất lúa), là ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Hai là: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt trên các lĩnh vực: quản lý chất lượng tôm giống, quản lý các cơ sở sản xuất và các đại lý bán thức ăn, thuốc phòng trị bệnh thủy sản. Kiên quyết chóng việc sản xuất tôm giống, sản xuất thức ăn tôm kém chất lượng, để ổn định sản xuất và bảo vệ quyền lợi người nuôi.

 

Ba là: Hệ thống thủy lợi ở các vùng nuôi tuy có đầu tư nhưng chưa đúng mức và chưa phát triển kịp trình độ nuôi. Hệ thống thủy lợi ở các vùng nuôi cần có hệ thống cấp thoát độc lập, có hệ thống xử lý nước thải để bảo vệ môi trường sinh thái chung. Riêng ở huyện Đông Hòa, tỉnh đang có dự án đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi trồng thuỷ sản ở hạ lưu sông Bàn Thạch. Đảng bộ và nhân dân trong huyện hết sức phấn khởi và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để tỉnh sớm hoàn thành dự án này.

 

Bốn là: Trong khi chờ triển khai dự án, trước mắt huyện tổ chức quy hoạch lại các vùng nuôi phát triển theo hướng đa dạng hóa, luân canh, xen canh các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển nuôi trồng thủy sản đảm bảo hiệu quả và bền vững.

 

Qua các hội nghị tổng kết, hội thảo huyện chúng tôi xác định sẽ hình thành 3 vùng nuôi sinh thái:

 

+ Vùng 1: Luân canh 1 vụ lúa, cói và 1 vụ tôm.

 

Qui mô diện tích từ 100 đến 150 ha, nằm cuối vùng tôm có độ mặn thấp, nguồn nước ngọt dồi dào. Trước hết, năm 2006 chúng tôi qui hoạch 70ha để nuôi theo mô hình này.

 

Về biện pháp sẽ giữ nguyên hiện trạng, đầu tư xây dựng các cống điều tiết ngăn mặn, giữ ngọt ở các vị trí đầu mối hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng. Như vậy, có thể canh tác 1 vụ lúa từ tháng 12 đến tháng 3 và 1 vụ tôm từ tháng 4 đến tháng 9.

 

+ Vùng 2: Nuôi cá và thủy đặc sản nước lợ.

 

Qui mô diện tích từ 150 đến 200ha, chủ yếu phát triển ở vùng giao thoa giữa vùng nước ngọt và nước thải của vùng nuôi khi thủy triều dâng, đặc điểm của vùng này là giàu dinh dưỡng, tích tụ nhiều chất hữu cơ nên nuôi tôm kém hiệu quả, năng suất, sản lượng không ổn định, nhưng phù hợp cho nuôi cá rô phi đơn tính, cá chẽm, cá đối, cá măng.

 

+ Vùng 3: Chuyên nuôi tôm.

 

Qui mô diện tích từ 700 đến 800 ha, trước mắt tôm sú vẫn xác định là đối tượng chính, nhưng ở mỗi ao nuôi chúng tôi chỉ đạo phải dành 10-15% diện tích để chắn khung lưới nuôi ghép cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng; những nơi có điều kiện thì xây dựng ao xử lý nước thả cá rô phi, diêu hồng, rong biển và vẹm xanh. Mục đích nhằm xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong vùng này, nhất là khu vực gần cửa sông nuôi xen cá mú, cá giò, cá hồng bạc, cua xanh, ghẹ xanh, nhằm chia nhỏ diện tích nuôi tôm, hạn chế được dịch bệnh có thể bộc phát.

 

Năm là: Phải tổ chức xây dựng và thực hiện nghiêm túc Quy chế vùng nuôi trồng thủy sản tập trung: Để thích ứng với xu hướng của thị trường xuất khẩu thủy sản, yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao và an toàn không dư lượng hóa chất, truy xuất nguồn gốc cả dây truyền sản xuất từ khâu sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến, bảo quản đến khâu tiêu thụ cuối cùng. Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi phải xây dựng và thực thi quy chế quản lý vùng nuôi tập trung là yêu cầu bức bách.

 

Một số kiến nghị:

 

Để tạo điều kiện cho huyện phát triển trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vùng hạ lưu sông Bàn Thạch trong năm 2006 và những năm tiếp theo, chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau:

 

1- Đề nghị tỉnh sớm hoàn thành và triển khai dự án xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi trồng thủy sản ở hạ lưu sông Bàn Thạch.

 

2- Cần có sự chỉ đạo thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã trong việc tổ chức xây dựng quy chế vùng nuôi và quản lý vùng nuôi. UBND tỉnh cần ban hành những chính sách quản lý cụ thể và nên nghiên cứu thành lập các tổ chức quản lý từ tỉnh đến cơ sở (chẳng hạn như mô hình quản lý thủy lợi của thủy nông Đồng Cam…), có biện pháp chế tài thích đáng đối với những hành vi vi phạm.

 

3- Về dịch bệnh tôm xảy ra liên tiếp và không thể khắc phục được, trước hết là do độc canh một đối tượng, mầm bệnh tích lũy, tiềm ẩn nên luôn đe doạ đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản và thực tế đã xảy ra nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Vấn đề này xin kiến nghị: Tỉnh ủy có Nghị quyết chỉ đạo các ngành chức năng như: ngành Khoa học – Công nghệ, Thủy sản cần nghiên cứu các đối tượng nuôi mới, xây dựng các mô hình trình diễn chuyển giao khoa học, công nghệ nhiều đối tượng mới có giá trị kinh tế cao, có khả năng nuôi được như: cá mú, cá hồng, cá chẽm, cá rô phi đơn tính, cua, ghẹ, rong câu…v.v… nhưng người dân còn thiếu thông tin, quy trình kỹ thuật nuôi và mô hình trình diễn theo phương thức dạy nghề.

 

- Tổ chức chỉ đạo sản xuất ở vùng nuôi cần phải theo quy chế quản lý vùng nuôi tôm tập trung. Trên thực tế, một số vùng nuôi chưa xây dựng quy chế nuôi, tổ chức sản xuất theo kiểu tự phát, cơ chế quản lý chưa thống nhất về mùa vụ, việc sử dụng nguồn nước chưa chú trọng,… Đặc biệt, ở những hồ tôm bị bệnh còn tùy tiện thải nước ra môi trường chung không qua xử lý nên môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan trên diện rộng. Vấn đề này rất phức tạp, ngoài trách nhiệm của huyện, chúng tôi xin kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ cho huyện.

 

4- Tạo cơ chế có tính khả thi nhất để thực hiện sự liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Đồng thời phía Nhà nước cần có chiến lược thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi.

 

5- Qua nhiều năm nuôi tôm bị thất bại, nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đề nghị tỉnh cần có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục giải quyết cho nông dân được vay vốn để phát triển sản xuất.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek