Thứ Sáu, 11/10/2024 15:21 CH
Thiếu chiến lược tổng thể về phát triển thương mại trong nước
Thứ Tư, 19/12/2018 21:26 CH

Bộ Công thương vừa tổ chức “Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

 

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết trong giai đoạn 2006-2018, mặc dù đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn chế nhưng đóng góp bình quân của thương mại trong nước cho GDP đều đạt mức trên 10%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 12-13% tổng lao động xã hội (đứng thứ ba sau ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo).

 

Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa cho doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh; trong giai đoạn 2011-2015 có mức tăng 11,38%/năm; giai đoạn 2016-2018 dự kiến tăng 10,55%/năm. Do vậy, nếu tính chung từ 2006 đến nay tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP trong cùng thời kỳ.

 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ ngày càng quan tâm đến phát triển thị trường trong nước.

 

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững. Vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Công thương chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

 

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải việc ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước sẽ giúp cải thiện cạnh tranh môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Cùng với đó, chiến lược phát triển thương mại trong nước cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước thông qua việc kết nối các nhà sản xuất với các kênh phân phối, kết nối khu vực nông thôn với khu vực thành thị, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm…

 

PGS-TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách công (Bộ KH-ĐT) đánh giá cao dự thảo Chiến lược với đầy đủ số liệu định tính và định lượng. Tuy nhiên vẫn bổ sung thêm một số điểm như việc cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay giữa hình thức thương mại hiện đại với thương mại truyền thống có thể ảnh hưởng tới một số lượng lớn lao động hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình; nguy cơ các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài chèn ép doanh nghiệp trong nước do cam kết mở cửa thị trường hiện nay trong các hiệp định thương mại tự do; những bất hợp lý trong hỗ trợ thương mại các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và hải đảo cần có sự can thiệp của Nhà nước.

 

Cùng quan điểm này, TS Trần Toàn Thắng đến từ Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT) đề nghị cần bổ sung thêm chỉ tiêu liên quan đến kiểm soát sự chênh lệch về thương mại giữa các vùng miền, nhất là miền núi và miền xuôi; bỏ chỉ tiêu về “Hệ thống thương mại đô thị được hoàn thiện tương đương với các nước thuộc ASEAN4” do chưa đủ cơ sở để so sánh, tính toán cũng như mục tiêu đó không thiết thực trong điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam.

 

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek