Thứ Bảy, 12/10/2024 03:30 SA
Sản xuất mía đường, sắn: Cần sự gắn kết giữa người dân và nhà máy
Thứ Hai, 10/12/2018 07:00 SA

Chế biến đường tinh luyện tại Nhà máy đường KCP Sơn Hòa - Ảnh: VIỆT AN

Niên vụ mía đường, sắn 2017-2018 vừa kết thúc với rất nhiều khó khăn, chật vật cho cả nhà máy chế biến và người nông dân. Trong khi các nhà máy chế biến đường gặp khó về khâu tiêu thụ, giá thành phẩm thấp, thì các nhà máy sắn đang “mất” dần vùng nguyên liệu được quy hoạch vì không quan tâm đầu tư cho nông dân. Trong khi đó, thị trường đường thế giới vẫn diễn biến phức tạp; khiến ngành chế biến đường, sắn càng thêm căng thẳng. Đây là giai đoạn người nông dân và nhà máy phải có sự gắn kết để vượt qua khó khăn.

 

Đường tồn kho lớn, giá thấp kỷ lục

 

Theo Ban điều hành Chương trình mía đường, sắn tỉnh, niên vụ mía 2017-2018 được cho là có sản lượng đường đạt cao nhất từ trước đến nay; nhưng lại không được đánh giá là thành công nhất, vì các doanh nghiệp mía đường và cả người nông dân đối mặt với quá nhiều khó khăn. Trong đó lượng đường nhập lậu khoảng 0,5 triệu tấn (tương đương 30% lượng đường sản xuất trong nước), đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan khoảng 94.000 tấn... đã cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp chế biến đường.

 

Thêm vào đó, các khách hàng tiêu thụ đường lớn là các công ty thực phẩm lại ưu tiên sử dụng chất tạo ngọt để thay thế đường nên các doanh nghiệp càng khó tiêu thụ. Hiện nay, giá đường biến động giảm bình quân từ 4.900 đồng (đường RS) và 3.500 đồng (đường RE) so với vụ trước. Các nhà máy còn tồn 44.900 tấn đường, chiếm 30,3% so với tổng sản lượng đường sản xuất.

 

Mặc dù tình hình sản xuất vô cùng khó khăn, nhưng các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh vẫn cố gắng ổn định sản xuất, duy trì giá thu mua mía để giữ vùng nguyên liệu. Niên vụ mía vừa qua, Nhà máy đường Tuy Hòa (TUSUCO) đã ép được hơn 339.880 tấn mía; chế biến được 30.000 tấn đường RS. Để ổn định vùng nguyên liệu, đơn vị này cũng đã đầu tư 5.500ha mía, với số tiền trên 95 tỉ đồng cho vụ ép tiếp theo. Nhà máy đường KCP ép hơn 1,28 triệu tấn mía, chế biến được 118.300 tấn đường. Đơn vị này cũng đã đầu tư 18.500ha mía, với số tiền trên 300 tỉ đồng cho vụ ép tới.

 

Ông K.V.R.S. Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, bày tỏ: Vụ ép 2017-2018, mặc dù sản lượng và năng suất mía của KCP đều đạt cao nhất từ trước đến nay, nhưng việc tiêu thụ đường lại rất khó khăn. Dù rất cố gắng, nhưng đơn vị mới chỉ tiêu thụ hết lượng đường sản xuất của vụ này, và tồn một lượng lớn đường sản xuất từ vụ trước. Giá đường RE giảm 3.500 đồng/kg so với vụ trước khiến doanh thu của nhà máy giảm đáng kể.

 

Mặc dù vậy, công ty cũng cố gắng duy trì thu mua mía với giá 800.000 đồng/tấn mía cây (10CCS) và bảo hiểm 9CCS cho bà con. Doanh nghiệp cũng rất cố gắng để chi trả tiền mía đúng hẹn cho người dân. Trong vụ tới, công ty dự tính sẽ đầu tư hệ thống kênh mương phục vụ tưới mía tại khu vực hồ Suối Vực (huyện Sơn Hòa) với kinh phí dự kiến khoảng 100 triệu đồng/ha, đồng thời tính đến việc mua máy thu hoạch mía để hỗ trợ bà con khi đến vụ thu hoạch, giảm áp lực công lao động…

 

Niên vụ sắn vừa qua, người trồng sắn gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh trên cây sắn - Ảnh: NGÔ XUÂN

 

Nhà máy sắn “ngó lơ” nông dân

 

Theo Ban điều hành Chương trình mía đường, sắn tỉnh, trong khi các nhà máy chế biến đường đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm với 100% diện tích mía thì các nhà máy chế biến tinh bột sắn lại thiếu sự quan tâm trong việc đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Hiện các nhà máy mới đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho 3.905ha sắn, đạt 38,5% tổng sản lượng sắn chế biến trong tỉnh. Phần lớn hợp đồng chỉ được ký kết dưới hình thức hợp đồng mua bán.

 

Do đó, tình trạng nông dân bán nguyên liệu ra ngoài, thu hoạch ồ ạt, phá vỡ hợp đồng vẫn khá phổ biến, tình trạng tranh mua, tranh bán tại các vùng giáp ranh vẫn còn tiếp diễn. Nguyên nhân là các nhà máy sắn chưa tạo được sự gắn bó với nông dân dựa trên cơ sở bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên.

 

Ông Hoàng Nhật Tiên, nông dân trồng sắn ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, cho hay: Nhiều năm qua, gần như các nhà máy sắn không hề có sự hỗ trợ đầu tư nào về giống, phân bón hay kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch... Nông dân chúng tôi phải tự mày mò, vừa trồng, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm.

 

Nhiều thời điểm, giá sắn xuống thấp, trong khi tiền thuê công thu hoạch sắn vào chính vụ quá cao nên nhiều người đành bỏ cả rẫy sắn. Do vậy, không thể trách khi giá sắn tăng cao, người dân không bán cho nhà máy mà bán sắn ra ngoài tỉnh. Chúng tôi đề nghị các nhà máy sắn quan tâm hỗ trợ, đầu tư giống năng suất cao, phân bón cũng như các loại máy móc hỗ trợ thu hoạch để người dân yên tâm sản xuất và gắn bó với nhà máy.

 

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Chính quyền địa phương đã có quy hoạch rất cụ thể vùng nguyên liệu của các nhà máy. Thế nhưng, trong khi các nhà máy mía đường rất quan tâm đầu tư cho vùng nguyên liệu, thì các nhà máy sắn không thể hiện được vai trò, trách nhiệm đối với vùng nguyên liệu của mình.

 

Khi giá sắn lên cao thì các nhà máy yêu cầu địa phương can thiệp để người dân bán sắn cho nhà máy, nhưng khi giá sắn thấp thì các doanh nghiệp này lại để người dân tự thân vận động. Đặc biệt vừa qua, bệnh khảm lá sắn tại Phú Yên khá nặng, địa phương đã kêu gọi doanh nghiệp cùng hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân phòng chống bệnh, thu hoạch sắn cho nông dân, nhưng các nhà máy sắn lại “vô cảm” trước những khó khăn của bà con.

 

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Sông Hinh cũng khẳng định nhà máy sắn không thể hiện được vai trò hỗ trợ, chia sẻ với người dân trong vùng nguyên liệu; đặc biệt là khi dịch bệnh trên cây sắn xảy ra.

 

Ông Sự nói: Dịch bệnh khảm lá sắn xảy ra trên địa bàn Sông Hinh khá nặng nề, với trên 68ha bị ảnh hưởng. Địa phương đã kêu gọi nhà máy sắn hỗ trợ người dân nhưng việc phối hợp trong công tác chống dịch bệnh của đơn vị này không rõ nét và kém hiệu quả. Nhà máy không có động thái hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành cùng địa phương và bà con dập dịch bệnh.

 

Đại diện lãnh đạo Nhà máy Tinh bột sắn Sông Hinh cũng thừa nhận chưa phối hợp với địa phương và người dân kịp thời, chưa bám sát, hỗ trợ bà con ứng phó với dịch bệnh khảm lá sắn và sẽ cố gắng khắc phục thiếu sót này.

 

Hoạt động chế biến đường tại Nhà máy đường KCP - Ảnh: NGÔ XUÂN

 

Cần tăng cường gắn kết giữa nông dân và nhà máy

 

Theo lãnh đạo các nhà máy mía đường, niên vụ mía đường, sắn 2018-2019 mặc dù chưa chính thức bắt đầu nhưng nhiều khó khăn đã được các doanh nghiệp dự đoán trước. Trong vụ ép này, thời tiết ít mưa nên nhiều khả năng sản lượng mía sẽ giảm mạnh.

 

Thêm vào đó, đến năm 2020, khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) thì việc cạnh tranh với ngành mía đường thế giới sẽ còn khó khăn, khốc liệt hơn nhiều lần. Do vậy, cả nhà máy và người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất cho phù hợp. Các nhà máy luôn cố gắng tạo nhiều chính sách hỗ trợ nông dân để giữ ổn định vùng nguyên liệu.

 

Tuy nhiên, bản thân nông dân cũng cần chủ động đầu tư về chiều sâu để ngày càng nâng cao chất lượng, sản lượng cây mía; ít nhất phải đạt năng suất 60 tấn/ha mới có thể cạnh tranh được với giá đường các nước.

 

Đối với các nhà máy sắn, việc ký hợp đồng đầu tư còn khá hạn chế, phần lớn các ký kết giữa nhà máy và nông dân đều dưới hình thức hợp đồng mua bán. Do vậy, nhà máy cũng gặp khó khăn trong việc xử lý tranh mua, tranh bán, tình trạng nông dân tự ý bán nguyên liệu ra ngoài, thu hoạch ồ ạt, phá vỡ hợp đồng còn diễn ra.

 

Ông Huỳnh Tấn Lâm, Phó Giám đốc Nhà máy Tinh bột sắn Sông Hinh, cho biết: Vụ sắn vừa qua, nhà máy đã thí điểm đầu tư 280 triệu đồng cho 79ha sắn nguyên liệu, nhưng việc thu hồi rất khó khăn vì nhiều người dân vẫn bán ra ngoài để được giá cao hơn.

 

Riêng đối với việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, khi công ty vận động thì người dân không thống nhất vì muốn tự do bán theo giá thị trường. Do vậy, niên vụ vừa qua, sản lượng sắn nguyên liệu nhập về nhà máy rất thấp, nhà máy mới chạy khoảng 50-60% công suất.

 

Trước những khó khăn của ngành mía đường, sắn, đại diện lãnh đạo huyện Sông Hinh khẳng định sẽ nỗ lực hỗ trợ bà con đầu tư tăng năng suất mía, sắn; giảm các chi phí trung gian để hạ giá thành sản xuất. Địa phương yêu cầu Nhà máy Tinh bột sắn Sông Hinh cần quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu và tổ chức thu mua sắn cho nông dân tốt hơn; hình thành thêm các điểm thu mua sắn vệ tinh với giá ổn định cho người dân.

 

Các nhà máy đường cần đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ, sản phẩm sau đường tại huyện Sông Hinh để giảm chi phí vận chuyển, tăng giá trị thành phẩm, tăng giá thu mua mía nguyên liệu, giúp ổn định đời sống cho bà con.

 

Trong khi đó, ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, đề nghị: Cả nhà máy và người dân cần tự thay đổi tư duy, ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình. Nếu các doanh nghiệp không coi trọng vùng nguyên liệu, không chia sẻ khó khăn với người nông dân thì sẽ không có nguyên liệu sản xuất ổn định. Ngược lại, nếu người dân vì lợi ích trước mắt mà phá bỏ những quy ước của hợp đồng đầu tư, tiêu thụ thì cũng không đảm bảo được tính bền vững của vùng nguyên liệu.

 

 

Các nhà máy sớm ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư vùng nguyên liệu; nghiên cứu sản xuất các sản phẩm tinh sau đường và tinh bột sắn. Phối hợp với ngành Nông nghiệp chủ động hỗ trợ phát triển nguồn giống mới có năng suất và chất lượng cao, từng bước thay thế các giống mía, sắn cũ kém hiệu quả. Triển khai hỗ trợ kinh phí để nông dân đầu tư, áp dụng cơ giới hóa trong các khâu trồng trọt, thu hoạch; đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ tưới và vận chuyển; tích cực hỗ trợ các mô hình tưới nhỏ giọt, lắp đặt máy bơm cho mía, sắn… để nâng cao năng suất mía, sắn. Riêng các nhà máy sắn cần rà soát và ký kết hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm mà các nhà máy, người nông dân và các địa phương phải có sự gắn kết chặt chẽ để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này, xây dựng ngành mía đường, sắn vững mạnh, đủ sức cạnh tranh với các nước trong thời kỳ hội nhập.

 

Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh,

Trưởng Ban điều hành Chương trình mía đường, sắn tỉnh

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek