Thứ Bảy, 30/11/2024 08:00 SA
Vốn ưu đãi giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Thứ Sáu, 21/09/2018 08:00 SA

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tuyên truyền về các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân - Ảnh: LÊ HẢO

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Phú Yên đã nỗ lực đưa vốn đến tận tay đối tượng thụ hưởng, giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn có vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

 

Tạo điều kiện làm ăn

 

Tiếp chúng tôi vào đầu giờ chiều, sau khi đi chăn bò về, chị Ksor Hờ Bốc ở buôn Trinh (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) vui vẻ cho biết gia đình chị có được như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực lao động còn có phần hỗ trợ rất lớn từ nguồn vốn NHCSXH.

 

Hờ Bốc kể trước đây, nhà chị nghèo nhất nhì trong buôn. Những ngày đầu ra riêng, hai vợ chồng gặp khó khăn đủ thứ, nhà trống trước trống sau, bò không có, giếng nước cũng không; làm thuê làm mướn mãi mà không khá lên được. Cha mẹ thấy vậy thương tình cho miếng đất rẫy nhưng vợ chồng chị cũng không biết làm sao vì không có vốn.

 

“Một lần đi họp Chi hội Phụ nữ, được nghe nói về nguồn vốn NHCSXH, tôi tò mò hỏi cho rõ rồi về bàn bạc với chồng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chúng tôi quyết định vay vốn làm ăn. Ban đầu chúng tôi vay 8 triệu đồng vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn về trồng sắn; sau đó được vay tiếp vốn hộ nghèo để nuôi bò. Bò mẹ đẻ bò con, sắn trên rẫy cũng cho thu hoạch, chúng tôi dần dần thoát khỏi cảnh khó”, Hờ Bốc nói.

 

Giờ đây, ngoài 6 con bò và vài sào đất rẫy làm vốn, gia đình Hờ Bốc còn dựng được căn nhà sàn khang trang, sắm máy cày phục vụ sản xuất. Theo Trưởng buôn Trinh Ksor Hờ Bia, cuối năm nay, hộ Hờ Bốc sẽ là một trong những gia đình được buôn đưa vào diện thoát nghèo.

 

Tại xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, cuối năm 2015, gia đình anh Sô Minh Cải được Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng, NHCSXH cho vay 15 triệu đồng theo Quyết định 755/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Với số tiền này, anh Cải đã thuê công dọn bớt đá và cày xới lại 7 sào đất rẫy (7.000m2) của gia đình để trồng mía.

 

Anh Cải cho biết, trước đây, gia đình có đất nhưng sau một thời gian trồng sắn, đất đã bạc màu, muốn chuyển qua trồng mía thì không có vốn đầu tư. Chưa kể, đất rẫy lởm chởm đá nên cũng không trồng được gì khác. Nhờ Nhà nước hỗ trợ và vốn vay của NHCSXH, gia đình mới có điều kiện cải tạo đất để sản xuất. Hiện nay, ngoài trồng trọt, anh Cải còn nuôi bò và đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập; cuộc sống dần được cải thiện hơn trước.

 

Còn theo UBND huyện Đồng Xuân, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, đồng thời giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng khác ở địa phương.

 

Chị Ksor Hờ Bốc (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) chăm sóc đàn bò được gầy dựng từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội - Ảnh: LÊ HẢO

 

Hướng đến thoát nghèo bền vững

 

Hiện các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang được thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg về thực hiện chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; Quyết định 755/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và mới đây nhất là Quyết định 2085/2016/QĐ-TTg về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020.

 

Theo NHCSXH Phú Yên, đến cuối tháng 8/2018, tổng dư nợ của các chương trình nói trên gần 18,4 tỉ đồng với hơn 1.500 hộ còn vay vốn. Hiện các nguồn vốn cho vay theo Quyết định 54 và Quyết định 755 đã dừng giải ngân, chỉ tập trung thu hồi nợ; riêng việc cho vay theo Nghị định 75 và Quyết định 2085 vẫn tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, năm 2018, Trung ương không phân bổ vốn để cho vay theo Nghị định 75; còn nguồn cho vay theo Quyết định 2085 chỉ được phân bổ 7 tỉ đồng, khá ít so với nhu cầu thực tế tại địa phương.

 

“Mặc dù nguồn vốn các chương trình tín dụng đặc thù cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp nhưng ngoài các chương trình này, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đúng đối tượng vẫn được thụ hưởng tất cả những chương trình còn lại do NHCSXH triển khai. Đây là “đòn bẩy” giúp người dân vươn lên thoát nghèo”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết.

 

Theo ông Thục, thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương cần gắn kết hơn nữa nguồn vốn này với các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả; thực hiện tốt chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm... để giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống gia đình, hướng đến thoát nghèo bền vững.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek