Thương mại điện tử là “mảnh đất màu mỡ” trong bối cảnh thị trường hiện tại và triển vọng còn vươn xa hơn trong thời gian tới. Theo các doanh nghiệp, thương mại điện tử chưa bao giờ là ý tưởng kinh doanh tồi nếu đi đúng hướng, tuy nhiên hình thức kinh doanh này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Xu hướng phát triển tất yếu
Thương mại điện tử bao gồm các hoạt động kinh doanh từ giao dịch, mua bán, thanh toán, quảng cáo và cho tới giao hàng có sử dụng các phương tiện công nghệ điện tử như điện thoại, truyền hình, mạng máy tính có kết nối internet.
Số liệu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy, thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam trong 5 năm gần đây đều có mức tăng trưởng trên 20%/năm. Quy mô thị trường bán lẻ thông qua thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng từ 2,2 tỉ USD vào năm 2013 lên 6,2 tỉ USD vào năm 2017.
Tỉ trọng doanh thu thương mại điện tử hiện chiếm khoảng 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng cả nước. Dự kiến đến năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt 10 tỉ USD.
Tại Phú Yên đã có nhiều doanh nghiệp lập website để giới thiệu sản phẩm và giao dịch với khách hàng. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Huy Ngọc ở TP Tuy Hòa cho biết: Công ty của tôi hoạt động đã 4 năm nay và cũng từ đó sử dụng website để giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng.
Theo tôi, việc lập website để phục vụ kinh doanh là rất cần thiết trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay. Hiện tất cả các sản phẩm của công ty được quảng bá trên website và 60% sản phẩm được bán từ kênh này.
Thống kê của Sở Công thương cho thấy hiện có khoảng 70% doanh nghiệp ở Phú Yên biết đến thương mại điện tử, trong đó 50% doanh nghiệp tiến hành giao dịch điện tử qua hợp đồng doanh nghiệp với người tiêu dùng hay doanh nghiệp với doanh nghiệp. Nếu như vào năm 2015, chỉ số thương mại điện tử của Phú Yên xếp thứ 45 thì đến năm 2017 xếp thứ 41/63 tỉnh, thành trong cả nước.
“Để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh, thời gian qua đơn vị chủ động phối hợp với Trung tâm Phát triển thương mại điện tử hỗ trợ hơn 40 doanh nghiệp xây dựng website với tên miền riêng, gần 20 doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử quốc gia; hỗ trợ 2 doanh nghiệp nâng cấp ứng dụng thanh toán trực tuyến trên website.
Qua đó giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, thông tin doanh nghiệp đến các đối tác trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Ngày Mua sắm trực tuyến (OnlineFriday.com) hàng năm. Đơn vị cũng đã thiết lập sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh và hướng dẫn các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm để trao đổi, mua bán với các đối tác, khách hàng”, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, Việt Nam hiện có trên 50 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số và đang là quốc gia có tiềm lực mạnh về phát triển thương mại điện tử. Hoạt động thương mại điện tử không chỉ diễn ra trên các website thương mại điện tử mà còn thông qua các ứng dụng trên nền tảng di động. Việc mua bán hàng trực tuyến dần trở thành hoạt động phổ biến của người dân.
Bài toán phải tìm lời giải
Bên cạnh những ưu việt mang lại cho nền kinh tế, thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý. Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 52/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử do Bộ Công thương vừa tổ chức vào ngày 14/9, ông Cao Quốc Hưng cho biết, Nghị định 52 là văn bản trực tiếp điều chỉnh các hành vi kinh doanh trên môi trường điện tử.
Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, nhiều mô hình thương mại điện tử mới ra đời, hoạt động xuyên biên giới và chưa được điều chỉnh bởi các khuôn khổ pháp luật hiện hành. Do đó, việc quản lý hoạt động kinh doanh, chất lượng hàng hóa và thu thuế thương mại điện tử đang là bài toán mà các cơ quan quản lý nhà nước phải tìm lời giải trong thời gian tới.
Bà Lê Thị Hà, Trưởng Phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phân tích: Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam là phù hợp với xu hướng thương mại thế giới.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian ngắn đã đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đến thời điểm hiện tại, Nghị định 52/2013 là cơ sở pháp lý lớn nhất điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử, nhưng chỉ mới điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử qua các website có tên miền Việt Nam.
Trong khi đó, thương mại điện tử có đặc thù là dựa trên nền tảng công nghệ số, nền tảng internet, đây là các hạ tầng có tốc độ phát triển và thay đổi vô cùng nhanh. Nhiều mô hình thương mại điện tử mới liên tục xuất hiện phức tạp về phương thức hoạt động và chủ thể tham gia, phạm vi giao dịch cũng không còn ở một quốc gia mà đã xuyên biên giới, vượt khỏi các khuôn mẫu kinh doanh truyền thống và đòi hỏi sự thay đổi về tư duy quản lý cũng như các cơ chế quản lý hiện hành.
Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Huy Ngọc, với đặc thù giao dịch qua mạng internet, người mua và người bán không trực tiếp gặp nhau, có thể làm phát sinh tình trạng nhiều người lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp cho rằng, cần đưa các hoạt động bán hàng qua mạng xã hội, cung ứng dịch vụ xuyên biên giới vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định 52/2013 để tạo sự công bằng giữa các loại hình kinh doanh. Đồng thời cần có cơ chế, quy tắc ứng xử giải quyết tranh chấp phát sinh trong giao dịch thương mại điện tử nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp cho cả người mua và người bán, góp phần phát triển thị trường thương mại điện tử Việt Nam bền vững.
Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
Tổng cục Thuế vừa chỉ đạo tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Cục Thuế Phú Yên cũng đã tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động này. Theo đó, các đơn vị trực thuộc Cục Thuế Phú Yên phải rà soát, đôn đốc người nộp thuế có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế theo quy định phù hợp với phân cấp quản lý người nộp thuế tại địa phương.
Cơ quan thuế cũng thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhằm đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động này vào nề nếp.
Đồng thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở Công thương, KH-ĐT, TT-TT, VH-TT-DL… và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp với cơ quan thuế tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. |
VÂN NGUYÊN