Sau gần 8 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), xã An Hòa (huyện Tuy An) đã hoàn thành được 15/19 tiêu chí. Địa phương này đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí còn lại, nâng chuẩn các tiêu chí đã đạt được để đạt xã chuẩn NTM vào năm 2020.
An Hòa là xã nghèo, bãi ngang ven biển thuộc huyện Tuy An, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Từ năm 2011, khi Nhà nước triển khai chương trình xây dựng NTM, xã An Hòa đã tận dụng tối đa nguồn lực từ chương trình này để xây dựng, đưa xã nhà phát triển. Đến nay, xã An Hòa đã hoàn thành 15/19 tiêu chí, tạo nên diện mạo mới cho xã nghèo ven biển.
Theo UBND xã An Hòa, ngay khi bắt đầu xây dựng NTM, địa phương đã xác định, điều kiện tiên quyết và đóng vai trò cốt lõi để làm nên thành công của chương trình này đó là nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân. Vì vậy, xã đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Đến nay, nhiều mô hình đã đem lại kết quả khả quan, được áp dụng vào sản xuất như: mô hình cánh đồng rau sạch cho thu nhập cao, trồng dừa xiêm siêu trái trên đất nhiễm mặn ven đầm Ô Loan, nuôi ương tôm hùm giống, chế biến nước mắm cá cơm xuất khẩu, nuôi tôm thẻ chân trắng ven đầm Ô Loan...
Bà Hồ Thị Năm ở thôn Phú Điềm cho biết: Trước đây, hơn 4 sào đất của gia đình, tôi chỉ trồng được một vụ lúa, còn lại bỏ không vì thiếu nước tưới. Từ năm 2012, sau khi tham quan mô hình sản xuất rau sạch do xã triển khai, gia đình tôi đã học tập làm theo. Trên 4 sào đất này, mỗi năm, tôi trồng một vụ lúa, sau khi thu hoạch xong tôi chuyển sang trồng các loại rau ăn lá. Nhờ rau ăn lá có thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 45 ngày là thu hoạch nên mỗi năm tôi sản xuất được 4 vụ rau và một vụ lúa, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Chín ở thôn Phú Thường, có nhà cặp bờ biển nên lâu nay gia đình ông bám biển mưu sinh, thu nhập chính của gia đình từ nghề lặn bắt tôm hùm giống. Tuy nhiên, lúc trước do chưa có kinh nghiệm, số tôm hùm giống sau khi bắt được, ông bán luôn cho thương lái nên giá không cao. Từ khi ông được tập huấn kỹ thuật ương nuôi tôm hùm giống thì sau khi bắt tôm ông cho vào lồng nuôi ương khoảng 1,5 tháng. Lúc tôm lớn bằng điếu thuốc thì xuất, giá bán tăng lên gấp đôi, gấp ba so với trước, nên thu nhập cũng tăng đáng kể.
Được hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất đúng hướng nên đời sống kinh tế người dân xã An Hòa ngày một tăng. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 23 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 415hộ... Nhờ vậy, bà con có điều kiện tham gia xây dựng NTM. Đến nay, toàn xã đã nhựa hóa, bê tông hóa được hơn 28km đường giao thông, cứng hóa được gần 9km đường trục chính nội đồng, giúp việc đi lại sinh hoạt, sản xuất của người dân ngày một thuận tiện.
Trưởng thôn Phú Thường Nguyễn Thành Phong cho biết: Từ nguồn xi măng hỗ trợ của Nhà nước, người dân thôn Phú Thường đã hiến đất, đóng góp tiền để bê tông khoảng 1,5km, nâng tổng số kilomet đường đã được bê tông lên gần 5,5. Toàn thôn chỉ còn khoảng 500m đường đất cấp phối đi vào các ngõ cụt. Ngoài làm đường bê tông, thôn còn thực hiện chương trình thắp sáng đường quê được 6km, nhờ vậy bộ mặt thôn xóm ngày một khang trang.
Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa Phạm Tuấn Phương cho hay: Trong năm 2018, xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 5, nâng tổng số tiêu chí đã hoàn thành lên 16 tiêu chí. Hiện nay, từ nguồn kinh phí của ngành Giáo dục, địa phương đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, Trường tiểu học An Hòa số 1, số 2 và Trường mầm non An Hòa để các trường này đáp ứng các chỉ tiêu về trường chuẩn quốc gia. Các tiêu chí còn lại như hộ nghèo, nhà ở và môi trường, xã sẽ nỗ lực hoàn thành trong các năm tới, đảm bảo đưa xã An Hòa về đích NTM trong năm 2020.
SƠN CA