Thời gian qua, mặc dù các tổ chức tín dụng ở Phú Yên chú trọng cho vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhưng hiện trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC). Vấn đề này có những nguyên nhân khách quan mà cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều gặp vướng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên đã tổ chức buổi đối thoại giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đầu tư NNUDCNC, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh để tìm giải pháp tháo gỡ.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ưu đãi
Công ty TNHH SmartAgri Phú Yên được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Trồng và cung cấp nông sản sạch tại Khu NNUDCNC Phú Yên với tổng mức đầu tư 25 tỉ đồng. Triển khai dự án từ đầu năm 2018 đến nay, công ty này sử dụng 100% vốn chủ sở hữu chứ chưa vay được vốn ngân hàng.
Theo bà Lưu Thị Thảo, Giám đốc Công ty TNHH SmartAgri Phú Yên, doanh nghiệp triển khai dự án tại Khu NNUDCNC nếu muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải đóng tiền thuê đất một lần cho 50 năm, chi phí rất lớn; còn nếu thuê đất trả tiền hàng năm thì ngân hàng không nhận đất này làm tài sản đảm bảo.
Trong khi đó, để được Nhà nước cho thuê đất, doanh nghiệp phải bỏ ra một số vốn khá lớn thỏa thuận bồi thường cho người dân mới có mặt bằng sạch triển khai dự án. Chưa kể, giá trị đầu tư trên đất trong lĩnh vực NNUDCNC rất cao; chi phí để làm nhà màng, nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt... trên diện tích 1.000m2 có thể lên đến 1,5 tỉ đồng. Nhưng khi doanh nghiệp đem hồ sơ giấy tờ chứng minh giá trị khối tài sản này đến ngân hàng để thế chấp vay vốn thì không được.
“Doanh nghiệp phải bỏ vốn giải phóng mặt bằng, mua sắm trang thiết bị tài sản trên đất và tổ chức sản xuất nhưng cuối cùng, khi chúng tôi muốn dùng tổng số tiền đã đầu tư quy thành tài sản đem thế chấp vay vốn để tiếp tục mở rộng sản xuất thì ngân hàng không chấp nhận. Đó là những bất cập mà chúng tôi đang gặp phải”, bà Thảo cho biết.
Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, Công ty TNHH An Việt Nông cũng đang gặp khó khăn khi tiếp cận với các chính sách ưu đãi dành cho đối tượng này. Ông Lương Viết Tiến, Giám đốc Công ty TNHH An Việt Nông, chia sẻ: “Doanh nghiệp đang triển khai dự án ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất ra các sản phẩm nông sản hữu cơ nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn là cá nhân, đơn vị nào có thẩm quyền chứng nhận để doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi liên quan đến NNUDCNC, nông nghiệp sạch. Về vấn đề định giá tài sản hình thành trên đất, quy trình định giá ra sao, thủ tục như thế nào, ai/đơn vị nào sẽ định giá để doanh nghiệp có cơ sở đem đi thế chấp vay vốn ngân hàng?”.
Cũng theo ông Tiến, hiện Công ty TNHH An Việt Nông đang hướng đến việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản sạch bền vững từ khâu đầu vào đến đầu ra. Cụ thể, người nông dân sẽ trực tiếp sản xuất trên đất của mình; đến kỳ thu hoạch, hợp tác xã sẽ quản lý việc thu mua; sau đó, doanh nghiệp sẽ là đơn vị tiêu thụ. “Khi dòng tiền đến tay doanh nghiệp, chúng tôi sẽ phân phối lại lợi nhuận cho các bên tham gia. Khi gặp rủi ro, các bên liên quan cũng cùng nhau chia sẻ. Tôi mong muốn các ngân hàng cũng có thể chia sẻ rủi ro với chúng tôi bằng cách tăng cường cho vay tín chấp rồi quản lý dòng tiền trong chuỗi liên kết để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Tiến nói.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, về mặt cơ chế chính sách, hiện các tổ chức tín dụng đang đầu tư cho nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 813/2017/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi việc cho vay nông nghiệp nông thôn ở Phú Yên được triển khai rất hiệu quả, dư nợ tín dụng lĩnh vực này lên đến gần 10.000 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn, thì dư nợ cho vay lĩnh vực NNUDCNC lại chưa phát sinh.
“Điều này có một phần trách nhiệm của ngành Ngân hàng bởi Phú Yên là địa bàn trọng điểm phát triển nông nghiệp nông thôn. Thế nhưng, ngân hàng cũng có cái khó của mình”, ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên thừa nhận.
Ngân hàng chưa có cơ sở định giá tài sản
Theo ông Huỳnh Hữu Phương, Phó Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên, hiện nay, những tài sản như nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt... phục vụ sản xuất NNUDCNC có mức đầu tư cao nhưng ngân hàng lại chưa có quy định, cơ chế thẩm định giá, chưa có hướng dẫn cụ thể để nhận những tài sản này làm tài sản đảm bảo. Đó là cái vướng lớn nhất hiện nay.
Đưa ra giải pháp cho từng vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đã nêu, nhưng ông Phan Viết Khánh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) chi nhánh Phú Yên, cho hay một mình ngân hàng hoặc doanh nghiệp không thể giải quyết được.
“Về tài sản đảm bảo là đất triển khai dự án, nếu doanh nghiệp muốn trả tiền thuê đất một lần cho 50 năm để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không đủ khả năng tài chính thì ngân hàng sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp làm việc với chính quyền địa phương. Khi doanh nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển qua ngân hàng để hoàn thành thủ tục thế chấp thì ngân hàng sẽ giải ngân cho doanh nghiệp thanh toán tiền thuê đất. Tuy nhiên, chính quyền có đồng ý vấn đề này hay không? Về vấn đề tài sản hình thành trên đất như nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt..., ngân hàng vẫn có thể nhận thế chấp nhưng công ty bảo hiểm có dám đứng ra bảo hiểm những tài sản này cho doanh nghiệp hay không? Bởi rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp rất cao, nếu doanh nghiệp bảo hiểm dám đứng ra bảo hiểm thì ngân hàng mới mạnh dạn cho vay. Chưa kể, hiện nay, việc liên kết giữa doanh nghiệp và các thành phần liên quan trong chuỗi sản xuất còn lỏng lẻo, lúc được mùa thì đơn vị thu mua sẽ hạ giá, lúc được giá thì nông dân bán nông sản ở nơi khác chứ không bán cho doanh nghiệp bao tiêu. Trong những trường hợp này, cơ quan quản lý cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm giữa các bên thì ngân hàng mới dám cho vay”, ông Khánh phân tích.
Trong khi đó, theo ông Cao Phi Kiều, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Phú Yên, thực tế là nhiều doanh nghiệp chưa tiếp xúc với ngân hàng, chưa đi vào từng vấn đề cụ thể nhưng cứ nghĩ là khó khăn, không thể giải quyết. Khách hàng thiếu tài sản đảm bảo và nghĩ rằng đó là yếu tố hàng đầu nếu muốn vay ngân hàng nhưng ngân hàng chỉ xem đó là một tiêu chí thứ yếu khi xét cấp tín dụng. Vấn đề ngân hàng quan tâm trước tiên là mục đích vay vốn, hiệu quả của phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ. Tài sản đảm bảo chỉ là tiêu chí bổ sung để phòng ngừa rủi ro chứ không ngân hàng nào cho vay với mục đích lấy tài sản đảm bảo.
Khi các điều kiện khác đều đảm bảo nhưng doanh nghiệp vẫn thiếu tài sản thế chấp thì làm sao để được vay vốn? Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hàn cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nào có mục đích vay vốn rõ ràng, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả nhưng thiếu tài sản đảm bảo thì có thể liên hệ với quỹ (hiện trụ sở đặt tại Sở Tài chính) để được bảo lãnh vay vốn.
ÔNG NGÔ ĐÌNH THIỆN, TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ KHU NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO PHÚ YÊN: UBND tỉnh là đơn vị chứng nhận doanh nghiệp NNUDCNC
Trước đây, vấn đề chứng nhận doanh nghiệp NNUDCNC thuộc thẩm quyền của Bộ NN-PTNT. Còn hiện nay, bộ đã ủy quyền cho UBND tỉnh chứng nhận vấn đề này. Hội đồng chứng nhận do Sở NN-PTNT chủ trì, Ban quản lý Khu NNUDCNC là cơ quan tham gia phối hợp cùng thẩm định.
Đây là bước cải cách thủ tục hành chính rất lớn, giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NNUDCNC thuận tiện trong việc được thẩm định, chứng nhận ngay tại địa phương. Như vậy, bên cạnh các doanh nghiệp đầu tư trong khu NNUDCNC, các doanh nghiệp đầu tư ngoài khu này nhưng đáp ứng các tiêu chí của doanh nghiệp NNUDCNC và được chứng nhận thì cũng được thụ hưởng những ưu đãi của chính sách. Phú Yên là một trong số ít địa phương có khu NNUDCNC trên toàn quốc. Bên cạnh đó, hiện UBND tỉnh đang giao Ban quản lý Khu NNUDCNC Phú Yên chủ trì thực hiện quy hoạch vùng NNUDCNC, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp đầu tư vào vùng NNUDCNC cũng được hưởng ưu đãi về chính sách tín dụng cũng như các chính sách khác liên quan đến việc khuyến khích phát triển NNUDCNC.
ÔNG NGUYỄN VĂN HÀN, GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH PHÚ YÊN: Phấn đấu phát sinh dư nợ NNUDCNC trong năm nay
Lâu nay, ngân hàng chưa có cơ chế nhận tài sản hình thành trong tương lai từ các doanh nghiệp NNUDCNC để làm tài sản đảm bảo. Cũng như chưa có cơ quan đơn vị nào đủ thẩm quyền đứng ra định giá tài sản loại này để ngân hàng có căn cứ cho vay.
Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó quy định tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu, vùng NNUDCNC với mức tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án. Tổ chức tín dụng được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và các tài sản khác làm tài sản bảo đảm...
Mặc dù đến ngày 25/10/2018, Nghị định 116 mới có hiệu lực và sau đó các cơ quan liên quan mới hướng dẫn thi hành nhưng những điểm mới của nghị định đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, mở ra cơ hội cho ngân hàng và các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực NNUDCNC. Khi cơ chế chính sách đã mở, từ nay đến cuối năm, ngành Ngân hàng Phú Yên phấn đấu phát sinh dư nợ lĩnh vực này.
VIỆT AN (ghi) |
LÊ HẢO