Thứ Tư, 27/11/2024 23:40 CH
Xuân Phương:Xã đầu tiên quy hoạch sử dụng đất lồng ghép với môi trường
Thứ Năm, 03/01/2008 14:10 CH

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển về nâng cao năng lực quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường (SEMLA), xã Xuân Phương (Sông Cầu) được chọn thực hiện việc lập quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) có lồng ghép với yếu tố môi trường đầu tiên của tỉnh Phú Yên.

 

080103-X-Phuong.jpg

Người dân xã Xuân Phương tham gia góp ý lập quy hoạch sử dụng đất có gắn yếu tố bảo vệ môi trường tại địa phương - Ảnh: V.DŨNG

 

Để tiến hành lập QHSDĐ chi tiết có lồng ghép yếu tố môi trường ở xã Xuân Phương, nhóm thực hiện dự án đã sử dụng chủ yếu các phương pháp: phương pháp đánh giá đất, phương pháp có tham gia của cộng đồng và các chuyên gia, phương pháp dự báo. Ngoài ra còn sử dụng các phương pháp phân tích vĩ mô kết hợp với vi mô, sử dụng ảnh vệ tinh để phân tích sự thay đổi trong việc sử dụng đất, chồng ghép bản đồ và GIS, mạng lưới, phân tích hệ thống, ma trận, phân tích chi phí lợi ích, phân tích đa tiêu chí.

 

Kết quả điều tra cho thấy, việc sử dụng đất ở xã Xuân Phương còn bất cập, chưa cân đối và chưa khai thác hết quỹ đất để đưa vào sử dụng có hiệu quả, dân số sống bằng nghề nông  chiếm 80% nhưng chỉ có 25% diện tích đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, 5,3% diện tích rừng sản xuất, 2,7% diện tích nuôi trồng thủy sản, 2,7% làm muối; đất phi nông nghiệp chỉ chiếm 3,72%, đất chưa sử dụng còn tương đối lớn chiếm 44% tổng diện tích tự nhiên. Xã có 17 km bờ biển, địa hình tương đối đa dạng phức tạp, vừa có đồi núi vừa có đồng bằng. Toàn xã có gần 1300 hộ với hơn 7500 nhân khẩu, phần lớn làm nghề nuôi trồng thủy sản quảng canh và canh tác truyền thống là chủ yếu nên đã gây ảnh hưởng xấu không nhỏ đến môi trường. Tập quán canh tác của người dân ở đây vẫn còn lạc hậu, chỉ biết khai thác về mặt kinh tế mà chưa có các biện pháp để bồi bổ đất và bảo vệ môi trường. Việc  nuôi tôm, cá ven biển không có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường đã dẫn đến tình trạng tôm, cá nuôi bị nhiễm bệnh chết hàng loạt trong năm 2003 - 2006 khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản lao đao, phá sản. Diện tích nuôi trồng thủy sản đã bị giảm xuống, năm 2000 là 250 ha đến năm 2006 chỉ còn 127ha. Đất trồng cây hàng năm thường bị bạc màu, đất bị rửa trôi, xói mòn chiếm 30% diện tích. Tình trạng đất sử dụng không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, địa hình, sử dụng đất phân tán, manh mún còn khá phổ biến ở đây. Tình hình biến động đất đai của xã trong mấy năm qua không có thay đổi lớn, nhưng việc quản lý, cập nhật biến động chưa được quan tâm, người sử dụng đất hầu như chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Trên cơ sở phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai, căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã, huyện, dựa trên cơ sở dự báo biến động sử dụng đất, nhu cầu sử dụng đất, khả năng đáp ứng về số lượng và chất lượng đất đai, nhóm thực hiện dự án dự kiến đề xuất 3 phương án sử dụng đất, mỗi phương án có mức độ sử dụng đất khác nhau và 3 phương án này đều có xem xét, dự báo ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường.

 

Sau một thời gian thực hiện dự án, nhóm chuyên đề rút ra một số kinh nghiệm ban đầu về việc lập QHSDĐ có lồng ghép với yếu tố môi trường như:

 

Đề cương cần phải lập cụ thể, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, phương pháp, nội dung, các bước thực hiện; phải xác định được đối tuợng và nội dung cơ bản của quy hoạch sử dụng đất; những vấn đề môi trường tại nơi quy hoạch cần lồng ghép; phải có sự tham gia phối hợp của các cán bộ đa ngành: đất đai, nông nghiệp, kinh tế, xây dựng, môi trường,... ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án để trong quá trình điều tra, thu thập phát hiện những vấn đề về sử dụng đất có ảnh hưởng đến môi trường, những vấn đề về môi trường cần chú ý, ưu tiên để lồng ghép với quy hoạch sử dụng đất. Lấy ý kiến đánh giá của người dân, nhà doanh nghiệp về việc sử dụng đất hiện trạng có ảnh hưởng đến môi trường ngay từ bước đi điều tra.

 

Việc đánh giá ảnh hưởng đến môi trường phải được tiến hành song song đồng thời với việc lập QHSDĐ để ngay từ khi xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất đã loại bỏ được loại hình sử dụng đất không mang lại hiệu quả về môi trường.

 

QHSDĐ nhằm phân bổ quỹ đất đai cho các mục đích sử dụng một cách hợp lý và có hiệu quả, tránh được sự chồng chéo trong quá trình sử dụng, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, thời gian qua, các dự án QHSDĐ trên địa bàn tỉnh Phú Yên  không chú ý đến việc lập QHSDĐ lồng ghép các yếu tố môi trường, dẫn đến hoạt động bảo vệ môi trường chỉ mang tính chất khắc phục hậu quả. QHSDĐ có lồng ghép với yếu tố môi trường được thực hiện ở xã Xuân Phương là một dự án mang tính thiết thực rất cao, ngoài yếu tố phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nó còn nhằm ngăn chặn việc sử dụng đất đai gây ảnh hưởng đến môi trường, đưa ra những quyết định phù hợp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến sử dụng đất đai. Sau khi thực hiện thành công dự án, tỉnh Phú Yên sẽ có tổng kết để nhân rộng trong toàn tỉnh.

 

TRẦN THỊ NA

Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek