Thứ Năm, 28/11/2024 01:50 SA
Đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm:
Để tiếp tục là vùng an toàn
Thứ Năm, 03/01/2008 07:00 SA

Giai đoạn chuyển mùa hiện nay là điều kiện thuận lợi để vi-rút cúm gia cầm và các loại dịch bệnh trên gia súc phát triển. Phú Yên là tỉnh 4 năm liền không mắc cúm gia cầm, dịch bệnh trên gia súc được kiềm chế, tuy nhiên nếu chủ quan lơ là trong công tác phòng chống thì nguy cơ mất an toàn vẫn hiển hiện.

 

080103-gc.jpg

Cuối năm, lượng gia cầm mua bán tăng cao, nhiều nguy cơ bùng phát dịch - Ảnh: LY KHA

 

KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN!

 

Tại Phú Yên, từ năm 2003 - khi dịch cúm gia cầm lần đầu xuất hiện ở Việt Nam – đến nay, tỉnh vẫn là vùng an toàn về dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, vì chưa bao giờ xuất hiện dịch cúm gia cầm nên trong nhân dân, từ người chăn nuôi, người buôn bán đến người tiêu dùng đều có tâm lý chủ quan. Công tác kiểm tra, kiểm soát của ngành chức năng cũng chỉ dừng lại theo từng đợt cao điểm khi có dịch cúm  phát sinh, khi có khuyến cáo từ ngành chức năng và các văn bản từ Trung ương.

 

Hơn 4 tháng qua không phát sinh dịch cúm, kèm theo đó giá thịt gia cầm liên tục tăng cao đã khiến nhiều hộ chăn nuôi phát triển đàn gia cầm trở lại. Bà Phan Thị Thanh Hà, Trưởng trạm thú y huyện Đông Hòa, cho biết: “Mặc dù đã có khuyến cáo và hướng dẫn thường xuyên, nhưng việc thực hiện các quy trình về vệ sinh an toàn phòng dịch, quản lý ấp nở và chăn nuôi đàn gia cầm tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện chưa làm tốt. Hầu hết người làm nghề ấp nở vẫn còn ấp nở trứng gia cầm ngay trong nhà, cùng với khu sinh hoạt của gia đình. Việc kiểm soát lượng trứng đưa vào lò và gia cầm sau ấp nở đôi lúc chưa được cán bộ thú y xã kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên vì người làm nghề không khai báo”.

 

Trong giết mổ và buôn bán gia cầm còn nhiều việc phải chấn chỉnh. Chợ TP Tuy Hòa là nơi buôn bán gia cầm tập trung khá lớn với 12 hộ bán gia cầm sống và 5 hộ làm nghề giết mổ gia cầm. Gà, vịt sau khi mua được người dân đưa vào điểm giết mổ tập trung của chợ. Tuy nhiên hầu hết các hộ giết mổ đều không thực hiện đúng các quy trình vệ sinh thú y. Gà, vịt bày la liệt trên nền đất thay vì trên sàn gạch men theo quy định. Người làm gà, vịt không hề sử dụng găng tay, khẩu trang... Ông Nguyễn Văn Cẩn, người chuyên làm nghề giết mổ gia cầm sống trong chợ Tuy Hoà, nói tỉnh bơ: “Việc kiểm dịch thì do thú y lo từ con gia cầm còn sống, còn con nào cho bán là nó đang mạnh, mà đã mạnh thì cần gì găng tay với khẩu trang…”

 

Trong giết mổ gia súc cũng còn nhiều bất cập. Từ sau khi UBND TP Tuy Hoà đưa lò giết mổ gia súc tập trung tại phường 8 đi vào hoạt động, thời điểm cao nhất cũng chỉ có 40 gia súc được đưa vào lò mổ, còn bình thường mỗi ngày chỉ có từ 20 đến 30 con trâu, bò, heo được đưa vào lò mổ, chiếm chưa đầy 50% số gia súc được giết mổ đưa ra thị trường thành phố mỗi ngày. Ông Đinh Trọng Dũng, cán bộ thú y TP Tuy Hòa, cho biết: “Hầu hết các chủ giết mổ ở phường 9 và phường Phú Lâm không chấp hành việc đưa gia súc vào lò mổ nhằm tránh phí kiểm dịch, vì thế họ giết mổ tại gia. Đội kiểm tra liên ngành của thành phố cũng không ít lần kiểm tra xử lý, nhưng sau đó đâu lại vào đấy”. Điều này có nghĩa hơn một nửa lượng thịt gia súc đưa ra thị trường thành phố chưa được kiểm soát. Một mối lo khác là tình trạng buôn bán thịt heo trên đường Ngô Quyền mỗi đêm và buôn bán thịt nhỏ lẻ chưa qua kiểm dịch tại các tuyến đường Tản Đà, Lê Lợi… và các chợ nhỏ vẫn chưa được dẹp bỏ.

 

t080103-iem1.jpg
Cán bộ thú y hướng dẫn tiêm phòng dịch bệnh gia cầm - Ảnh: LY KHA

 

NGÀNH THÚ Y: TRIỂN KHAI TIÊM PHÒNG

 

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên Nguyễn Minh Hòa cho biết: Trước nguy cơ tái phát dịch bệnh, biện pháp tốt nhất để bảo vệ đàn gia súc gia cầm là tiêm phòng. Từ giữa tháng 10 đến nay, Phú Yên đã triển khai tiêm phòng cúm gia cầm cho 100% đàn thuỷ cầm và hơn 90% đàn gà trong diện tiêm bắt buộc và đang tiến hành tiêm vacxin mũi 2 cho đàn gia cầm. Đồng thời vận động người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn gia cầm và sức khoẻ của chính người chăn nuôi. Để đánh giá mức độ đáp ứng miễn dịch của gia cầm được tiêm phòng và giám sát sự lưu hành vi-rút, từ 7/12/2007 đến nay, Chi cục Thú y cũng đã tiến hành lấy 827 mẫu huyết thanh của 27 đàn gia cầm ở 5 huyện, thành phố gửi Viện Thú y miền Trung xét nghiệm để xác định kháng thể  và mức độ bảo hộ.

 

Dịch cúm gia cầm vừa xuất hiện trở lại ở tỉnh Trà Vinh và đây có thể là dấu hiệu của một đợt dịch mới ở nước ta. Thêm nữa, cuối năm 2007, Việt Nam có thêm một ca tử vong vì mắc cúm H5N1. Đó là một cháu bé 4 tuổi ở Mộc Châu (tỉnh Sơn La), trước đó đã ăn gà chết. Đây là ca thứ 101 bị mắc vi-rút cúm gia cầm được xác định.

Đối với đàn gia súc, từ 26/12, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai tiêm phòng vacxin lở mồm long móng (LMLM) đồng loạt. Phục vụ cho công tác tiêm phòng đợt II, Chi cục Thú y Phú Yên vừa tiếp nhận 155.000 liều vaccin LMLM, trong đó 120.000 liều vacxin LMLM đa type và 35.000 liều vacxin LMLM type O từ nguồn hỗ trợ của Trung ương; Triển khai công tác tập huấn cho các huyện, thành phố nhằm đảm bảo tiêm phòng đúng đối tượng, đúng thuốc, đúng liều. Việc tiêm phòng sẽ phấn đấu kết thúc trước tháng 1/2008, để tránh dịch bệnh bùng phát trong thời điểm trước trong và sau Tết Nguyên đán.

 

Thời điểm giáp tết, nhu cầu mua bán tiêu thụ thịt gia súc gia cầm tăng cao, càng đặt ra yêu cầu cần tăng cường công tác quản lý. Thế nhưng nếu chỉ đơn phương ngành thú y thì chưa đủ. Vi-rút cúm gia cầm, LMLM, tai xanh ở gia súc vẫn hiện hữu trong môi trường và bùng phát trở lại khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Để ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh cần nâng cao ý thức của người dân, từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc chăn nuôi và giết mổ gia súc gia cầm.

 

ĐÔNG HÒA: TIÊM VACCIN PHÒNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG CHO 90% TỔNG ĐÀN GIA SÚC

 

Từ hôm nay (3/1) đến 28/1, huyện Đông Hòa tiến hành tiêm vaccin phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM) cho gia súc. Kế hoạch này được UBND huyện Đông Hòa triển khai hôm qua (2/1). Theo đó, trong đợt này huyện Đông Hoà phấn đấu tiêm vaccin LMLM cho 90% tổng đàn gia súc. Trước mắt, trạm thú y Đông Hòa phân bổ 10.000 liều vaccin LMLM 3 type để tiêm cho trâu, bò, dê, cừu và 1.000 vaccin LMLM type O tiêm heo cái giống, heo đực giống, heo giống nuôi thịt. Trong quá trình tiêm, các địa phương sẽ tiếp tục thống kê đàn gia súc của  địa phương để đăng ký vaccin với Trạm thú y tiếp tục triển khai tiêm đạt chỉ tiêu.  

 

THANH HỘI

 

YÊN HÀ

 

  

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek