Thứ Năm, 28/11/2024 01:43 SA
Khai thác vốn đầu tư tại địa phương:
Đảm bảo cho phát triển bền vững
Thứ Tư, 02/01/2008 14:00 CH

Vốn đầu tư đang là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế xã hội nên các tỉnh, thành trong cả nước đều có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, tạo nên sự cạnh tranh khá gay gắt. Vừa tăng cường thu hút vốn đầu tư bên ngoài, vừa chú trọng khai thác vốn tại chỗ nhằm phát huy nội lực là hướng đi hiệu quả cần được phát huy.

 

080102-dong-goi-thuoc.jpg

Công ty Cổ phần PYMEPHARCO sau khi cổ phần hóa đã huy động vốn cán bộ công nhân tăng vốn điều lệ. Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm tại Công ty Cổ phần PYMEPHARCO - Ảnh: N.T

 

Trong năm 2007, vốn đầu tư tại chỗ của doanh nghiệp, dân cư ở Phú Yên đạt 1.247 tỉ đồng, tăng 20,9% so với năm 2006, chiếm 33,7% tổng mức huy động vốn đầu tư xã hội toàn tỉnh. Đây là nguồn vốn “đối trọng” đáng kể khi tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

 

Trong cơ cấu huy động vốn tại chỗ của tỉnh Phú Yên những năm qua, nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế chiếm tỉ trọng lớn, nhất là các doanh nghiệp (DN) địa phương. Do vậy, tỉnh Phú Yên luôn chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển DN, xem đây là giải pháp cơ bản để huy động nguồn vốn đầu tư  xã hội vào sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.

 

Đến nay, tỉnh Phú Yên đã có hơn 1.000 DN được cấp giấy đăng ký kinh doanh, tốc độ tăng bình quân 42%/năm. Các doanh nghiệp đã huy động hơn 3.000 tỉ đồng đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, tăng bình quân 39%/năm. Riêng năm vừa qua, toàn tỉnh thành lập 196 DN, tăng 13 DN so với năm 2006. Các DN mới thành lập đã huy động 571,9 tỉ đồng đưa vào sản xuất kinh doanh, đạt bình quân 2,9 tỉ/DN, cao gấp nhiều lần so với các DN thành lập những năm trước đây.  Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành trong khu vực số DN ở tỉnh Phú Yên chưa nhiều, bình quân 800 dân/DN, trong khi đó, bình quân của cả nước là 630 dân/DN. Nhiều hộ kinh doanh cá thể có vốn đầu tư không phải nhỏ, có người nắm trong tay hàng chục tỉ đồng nhưng không thành lập doanh nghiệp vì không muốn vượt qua rào cản về điều kiện thành lập DN, về thuế... Tỉnh Phú Yên cũng chưa thành lập Trung tâm Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hạn chế nhất định đến việc phát triển DN khu vực ngoài Nhà nước. Trong khi đó, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đã huy động vốn nhàn rỗi trong dân có số dư trên 2.200 tỉ đồng. Kết quả này cho thấy nguồn vốn trong dân còn rất lớn, nếu trực tiếp đưa vào sản xuất kinh doanh thì sẽ mang lại hiệu quả hơn. Còn các ngân hàng nắm giữ nguồn vốn lớn nhưng việc cho vay chưa mạnh dạn; nhiều tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh cá thể chưa tiếp cận được ngân hàng nên nguồn vốn vay của dân chưa được huy động vào đầu tư phát triển. Thời gian qua các DN tự “bươn chải” để tồn tại, phát triển là chính nên cần sự trợ giúp của Nhà nước hơn nữa trong việc tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư. Nếu có giải pháp khắc phục những tồn tại trên, DN ở Phú Yên sẽ phát triển mạnh hơn nữa đồng thời cũng sẽ huy động thêm nguồn vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh và sẽ còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn.

 

Việc khai thác vốn đầu tư tại địa phương chính là phát huy nội lực bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Do đó, cũng cần có cơ chế chính sách khai thông nguồn vốn tại chỗ như chủ trương khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư bên ngoài.

Theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, đến nay, tỉnh Phú Yên đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại DN nhà nước (chỉ còn Công ty Xổ số kiến thiết, đang chờ hướng dẫn chung của Bộ Tài chính). Các DN nhà nước sau khi cổ phần hoá hoặc bán lại cho người lao động cũng thu hút thêm vốn xã hội để đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh. Tại Phú Yên, các DN Nhà nước sau khi được sắp xếp, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, nhiều DN cũng đã mạnh dạn huy động vốn của cán bộ, công nhân của DN nhằm đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Năm qua, DN nhà nước của tỉnh huy động hơn 70 tỉ đồng cho đầu tư phát triển. Các DN hoạt động có hiệu quả thì việc tạo nguồn thu tại chỗ  cho ngân sách càng ổn định cũng là hình thức thu hút vốn đầu tư xã hội tích cực. Năm qua, thu ngân sách của tỉnh đạt trên 750 tỉ đồng tăng hơn 30% so năm trước. Nguồn thu ngân sách đạt mức cao nhất từ trước đến nay, các DN đóng góp hơn 50%. Điều này còn phản ánh hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trên địa bàn Phú Yên. Ngân sách địa phương tăng, càng có điều kiện tái đầu tư cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc của địa phương.

 

“Đổi đất lấy công trình” là giải pháp thu hút vốn trong dân đã có bước đi mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây. Trong năm qua, Phú Yên đã huy động 85,6 tỉ đồng từ quỹ đất. Đây còn là cách thức phát huy có hiệu quả tài nguyên đất đai để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hình thành đô thị mới, khu dân cư mới đang được nhiều nơi thực hiện có hiệu quả cần được nhân rộng. Ngoài ra, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao cũng là điều kiện để thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội cần được chú trọng.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek