Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết nắng nóng nên muối được mùa. Thế nhưng, giá muối xuống rất thấp, thương lái lại ít mua, khiến đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn. Hiện ở TX Sông Cầu, nhiều diêm dân bỏ hoang ruộng muối hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản.
Được mùa, mất giá
Ông Phạm Dân ở vùng muối Lệ Uyên, xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) cho hay: Gia đình tôi có thửa ruộng (sở ruộng) 9 đám, mỗi lứa muối thu 30 bao (1,5 tấn) bán với giá 30.000 đồng/bao (600 đồng/kg), thu 900.000 đồng. Nhưng tôi thuê công gánh 250.000 đồng, công dằn muối (khi muối kết tủa lớp mặt dùng bàn cào đè xuống để nước mặn phía dưới trồi lên tiếp tục kết tinh muối) và các chi phí khác nữa ngót nghét hết 800.000 đồng; chưa tính công lấy nước, tát nước.
Cũng theo ông Dân, đầu vụ, trước khi dẫn nước mặn vào ruộng, diêm dân phải be bờ, cuốc xới đất lên rồi đầm da ruộng muối. Chỉ tính riêng khâu đầm da ruộng muối tốn cả triệu đồng vì khi đầm phải đầm đi đầm lại đến 10 lần. Đặc điểm của ruộng muối, lần đầu bước vô ruộng lún đến mắt cá, đầm đến lần thứ 10 thì bước vào ruộng không in dấu chân, phẳng như tờ giấy. Làm kỹ vậy để khi muối sắc nước, hạt muối chắc và trắng tinh, không bị lấm bùn. Cũng chính vì giá muối thấp, giá nhân công tăng nên từ đầu vụ muối đến nay, gia đình ông thu 4 lứa muối được trên 6 tấn nhưng chưa đủ bù lại tiền cuốc đất, đầm mặt. Đó là ruộng nhà, còn ruộng thuê càng lỗ nặng.
“Vụ muối này giá rớt mạnh, đầu tháng 4 vừa qua giá muối 40.000 đồng/bao (800 đồng/kg) đến giữa tháng 4, muối hạ xuống còn 600 đồng/kg. Không chỉ giá muối rớt thảm mà đến cuối tháng 4, muối kêu bán không ai mua. “Ơn nghĩa lắm” người ta mới mua nhưng bao muối 50kg thương lái họ “ép cân” còn 40kg. Hiện muối ế rất nhiều, đổ đống trắng bờ nhưng không ai mua, diêm dân ngậm ngùi mua bạt phủ lên để tránh mưa”, ông Dân nói.
Những ngày này, tại cánh đồng muối thôn Tuyết Diêm (TX Sông Cầu), có người đầu tư gần chục triệu đồng làm muối trải bạt, thế nhưng, muối làm ra không có ai mua, nếu có mua cũng bị ép giá rẻ mạt. Bà Trần Thị Diệu, diêm dân ở thôn Tuyết Diêm nói: Năm ngoái, muối sạch có giá gần 1,5 triệu đồng/tấn, nay tư thương hỏi mua chỉ 600.000 đồng/tấn, nếu bán giá này tính ra ngày công lao động không quá 30.000 đồng. Năm nay muối được mùa, thông thường cứ 5 ngày là thu được một lứa muối nhưng năm nay nắng gắt nên trung bình cứ 4 ngày thu một lứa. Muối được mùa mà không có ai mua.
Diện tích ruộng muối thu hẹp
Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, trước đây toàn thị xã có 183ha muối, với tổng sản lượng muối hàng năm khoảng 11.100 tấn. Tuy nhiên năm nay, cánh đồng muối thu hẹp lại còn khoảng 130ha. Điển hình như trước đây, cánh đồng muối thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình rộng 143ha, mỗi ngày sản xuất được trên 100 tấn muối thành phẩm, thế nhưng năm nay, diêm dân chỉ sản xuất trên 100ha.
Theo nhiều diêm dân, với giá muối thấp như hiện nay thì ruộng làm muối cứ 1 ô muối đám ăn (sào muối) 1 tháng thu hoạch 7 lần nhưng muối chất đống bán không ai mua nên khu vực ruộng xa đường bỏ hoang, nước lênh láng, rong giẻ, rong nhớt bám đầy. Theo thống kê của Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, tại vùng muối Tuyết Diêm, Lệ Uyên và Trung Trinh, diêm dân bỏ hoang 8ha ruộng muối. Ngoài diện tích bỏ hoang, số còn lại người dân chuyển sang cải tạo làm hồ nuôi tôm.
Bà Trần Thị Phượng, một thương lái mua muối cho rằng, làm muối gặp thời tiết thuận lợi thì trung bình một năm diêm dân thu trên 30 lứa muối. Riêng năm ngoái trời “siêng mưa”, một năm chỉ làm được 10-15 lứa, muối khan hiếm nên sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Năm nay đầu vụ thời tiết thuận lợi, muối được mùa, nhiều người kêu bán. Hàng năm, tôi đều mua muối ở đây để bán lại cho thương lái ở tỉnh Bình Định, nhưng năm nay vùng muối Bình Định cũng ế nên muối Sông Cầu cũng ế theo.
Ông Nguyễn Văn Hưng, cán bộ chuyên trách HTX Muối Tuyết Diêm cho hay: Năm rồi mưa trái mùa kéo dài nên sản lượng muối ráo giảm nhiều. Còn suốt vụ muối, trời tiếp tục có mưa, diêm dân gặp khó trong việc làm muối và không có muối bán, giá lại cao lên đến 1,2 triệu đồng/tấn; giá bán muối sạch khoảng 1,5 triệu đồng/tấn. Riêng năm nay thu nhập của diêm dân giảm vì muối làm ra bị tư thương ép giá, thậm chí không mua nên rất khó khăn trong khâu tiêu thụ.
LÊ TRÂM