Theo báo Đức finanzen.net, trong thời gian từ tháng 8/2017 đến đầu năm 2018, thị trường chứng khoán Hà Nội đã tăng mạnh, kết quả này đạt được do Việt Nam tiếp tục mở rộng cửa cho các nhà đầu tư, mức tăng trưởng GDP và doanh số bán lẻ đều ổn định, ngành du lịch đang phát triển và lạm phát đang ở mức thấp.
Tạp chí Forbes cũng đánh giá cao chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và tự do hóa thương mại của Chính phủ Việt Nam.
Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc dẫn báo cáo gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy trong năm 2017, lao động nhập cư trên khắp thế giới gửi về Việt Nam số kiều hối 13,8 tỉ USD. Nhờ đó, Việt Nam vào tốp 10 nước nhận kiều hối lớn nhất năm ngoái.
Nhật báo tiếng Anh Jakarta Globe của Indonesia cũng có bài viết đánh giá 6 thỏa thuận được ký kết trong thời gian chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Singapore sẽ góp phần lớn vào sự phát triển của Việt Nam.
Theo tờ báo, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Việt Nam với hơn 1.800 dự án. Dự án thành lập mạng lưới thành phố thông minh ở ASEAN là một trong những mục tiêu chính của Singapore mà trong năm nay Singapore là nước giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN. Trong dự án này có cả 3 thành phố Việt Nam là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Trang tin Feedstuffs ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của ngành nông nghiệp Việt Nam và viết về kế hoạch của chính phủ gia tăng xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là tôm. Nếu ngành tôm đến năm 2025 đạt được mục tiêu sản lượng 1,14 triệu tấn, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nhà sản xuất tôm lớn nhất trên thế giới.
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, từ một quốc gia chỉ xuất khẩu dầu thô, cà phê và giày dép đã trở thành một trung tâm sản xuất thu hút những công ty lớn như Samsung Electronics Co của Hàn Quốc. Một trong những yếu tố quyết định sức hút này nằm ở chỗ tầng lớp trung lưu đang hình thành nhanh chóng trong xã hội Việt Nam, tạo sức mua ngày càng tăng.
Báo Financial Times (Anh) dẫn chứng những con số tăng trưởng ấn tượng trên nhiều lĩnh vực cho thấy sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á khi thu hút được 6 tỉ USD vào thị trường IPO.
Trong quý đầu năm nay, GDP Việt Nam tăng trưởng 7,38%, cao nhất trong 10 năm gần đây, nhờ những bước tiến trong ngành công nghiệp và xây dựng. Việt Nam cũng đã vượt qua Indonesia và trở thành nước xuất khẩu lớn dù nền kinh tế Việt Nam chỉ bằng 1/5 nền kinh tế Indonesia.
Chuyên trang phân tích của Viện Brookings Institution (Mỹ) đã nêu bật những thành tựu mà Việt Nam đạt được ngay cả khi nền thương mại toàn cầu đang bị đình trệ. Trong bài báo có tựa đề “Sự kỳ diệu của ngành sản xuất Việt Nam: Bài học cho các quốc gia đang phát triển”, thương mại của Việt Nam đã tăng lên mức 190% GDP vào năm 2017, cao hơn nhiều so với mức 70% trong năm 2007.
Trong những năm 2014 - 2016, khu vực sản xuất của Việt Nam đã tạo ra 1,5 triệu việc làm mới. Bài báo nhận định kinh nghiệm của Việt Nam có thể hữu ích không chỉ đối với các nước đang phát triển, mà còn đối với các nước phát triển.
Những yếu tố quan trọng để Việt Nam đạt được những thành tựu này, bên cạnh những điều kiện khách quan như nguồn nhân lực trẻ giá rẻ, sự ổn định chính trị, vị trí địa lý gần với các tuyến đường vận chuyển chính... thì phải kể đến chính sách hợp lý của Chính phủ Việt Nam về hội nhập kinh tế toàn cầu, tự do hóa nội bộ và đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Theo SGGPO