Thứ Bảy, 16/11/2024 17:00 CH
Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”: Cần sự phối hợp từ nhiều phía
Thứ Bảy, 07/04/2018 14:00 CH

Chiếu cói, sản phẩm làng nghề ở xã An Cư, huyện Tuy An - Ảnh: ANH KHANG

Đề án Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Sở NN-PTNT, các ngành, địa phương nỗ lực hoàn thiện và triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, để chương trình thực thi và có hiệu quả, các đơn vị cần có những giải pháp mang tính bền vững, tính đến các vấn đề về tài chính, chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, nhân lực…

 

Hỗ trợ nông dân biết làm ăn

 

Lâu nay, gần như mỗi địa phương trong tỉnh đều có sản phẩm tiêu biểu như hạt điều, gạch không nung, bánh tráng, nước mắm, chổi, khóm…, được sản xuất, chế biến với quy mô nhỏ hoặc làng nghề nông thôn. Chính vì vậy, máy móc, thiết bị sản xuất còn lạc hậu, sản phẩm tạo ra chưa được nhiều người biết đến, đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn…

 

Nhằm khôi phục và phát triển làng nghề, thúc đẩy ngành nghề nông thôn của tỉnh có hướng đi bền vững, giai đoạn 2005-2016, Phú Yên đã triển khai đề án Mỗi làng một nghề. Theo đó, tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và công nhận 17 làng nghề trên phạm vi toàn tỉnh, thu hút 5.431 lao động nông thôn tham gia, doanh thu làng nghề mang lại gần 121 tỉ đồng.

 

Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án vẫn còn những hạn chế như thiếu chính sách hỗ trợ, khuyến khích làng nghề phát triển hoặc chính sách chưa cụ thể, không còn phù hợp, sự phân công trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chưa rõ ràng… nên làng nghề phát triển không tập trung vào sản phẩm, sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, chưa phát huy nguồn tài nguyên bản địa.

 

Để các sản phẩm thế mạnh của tỉnh có điều kiện phát triển và tăng giá trị, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và góp phần vào quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở NN-PTNT đã xây dựng đề án Chương trình OCOP tại tỉnh.

 

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Chương trình OCOP sẽ hỗ trợ nông dân biết làm ăn, HTX gắn với chương trình nông thôn mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình cũng ưu tiên phát triển 6 nhóm sản phẩm, dịch vụ gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Tất cả sản phẩm, dịch vụ được hỗ trợ phải là tiềm năng, lợi thế của địa phương; được địa phương đăng ký, xác nhận.

 

Chương trình được triển khai sẽ tác động đồng bộ đến phát triển nhân lực, gia tăng sản xuất sản phẩm, phát triển văn hóa, bản sắc, thế mạnh tại các địa phương; qua đó phát triển nông thôn theo hướng tổng thể ổn định, bền vững; góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện Sở NN-PTNT đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý để làm căn cứ triển khai và cùng các địa phương khảo sát thực trạng sản xuất của các hộ sản xuất kinh doanh, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Tìm cách làm hiệu quả

 

Đến thời điểm này, các địa phương đã đánh giá và giới thiệu cho Sở NN-PTNT những sản phẩm thế mạnh. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều mong muốn Chương trình OCOP sớm được triển khai tại Phú Yên. Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, địa phương này có nhiều sản phẩm đặc trưng. Lâu nay, huyện đã tạo điều kiện, hỗ trợ người dân phát triển một số mô hình sản xuất. Tuy nhiên, để giúp sản phẩm địa phương phát triển ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho người dân thì mô hình OCOP cần sớm được thực hiện. Huyện sẽ tăng cường tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, cơ sở sản xuất; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn người dân tham gia.

 

Liên quan đến tính thực thi của chương trình này, các ngành chức năng cho rằng, để mô hình triển khai hiệu quả, đơn vị chủ trì là Sở NN-PTNT cần khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng và thực hiện có lộ trình. Theo đại diện Sở Tài chính, chương trình được triển khai theo nguồn vốn ngân sách nhà nước, tín dụng, cộng đồng nhưng vấn đề cần thiết hiện nay là chương trình sẽ thực hiện từ đâu, bắt đầu từ địa phương nào, sản phẩm gì, từ đó xác định chính sách hỗ trợ, tín dụng phù hợp; đồng thời có những căn cứ, cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả mô hình tại các địa phương.

 

Còn theo Sở KH-CN, OCOP là chương trình mang tính cộng đồng, người dân và các sở, ban, ngành cùng thực hiện thì mới hiệu quả cao. Sở sẽ chủ trì phối hợp với các ngành đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm; cùng với Sở NN-PTNT đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm cấp tỉnh, quốc gia liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP. Ngoài ra, Sở KH-CN cũng sẽ hỗ trợ các địa phương đăng ký sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu cho sản phẩm OCOP…

 

Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, trong năm nay, các ngành chức năng, địa phương tiến hành lựa chọn và truyền thông để cộng đồng biết về sản phẩm OCOP, hướng dẫn các xã xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp. Các ngành cũng sẽ xây dựng chính sách, website, logo cho chương trình OCOP của Phú Yên, thành lập hệ thống tư vấn, hỗ trợ các địa phương thực hiện. Cùng với đó, sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đào tạo nghề để nông dân có thể làm ra những sản phẩm chất lượng; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các làng nghề và sản phẩm làng nghề.

 

Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại cũng sẽ được đẩy mạnh. “Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề tham gia các hội chợ và tìm chỗ đứng trên thị trường; đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề nông thôn…”, ông Nguyên nói.

 

Hiện Phú Yên có 103 sản phẩm có thế mạnh; trong đó có 34 sản phẩm đã đăng ký công bố chất lượng, 9 sản phẩm có đăng ký sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm chủ yếu đã có thương hiệu trên thị trường, được sản xuất với quy mô lớn như nước mắm, cà phê, trứng gà, cá ngừ đại dương, rượu, muối… Để Chương trình OCOP thực thi ở các xã và sản phẩm chủ lực của tỉnh có đủ điều kiện tham gia mô hình này, Sở NN-PTNT sẽ cùng với các đơn vị liên quan, địa phương triển khai các giải pháp, trình UBND tỉnh phê duyệt, sau đó sẽ triển khai đồng bộ tại tỉnh.

 

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT

 

ANH KHANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek