Lâu nay, nông dân trong tỉnh vẫn có thói quen sạ dày, lạm dụng phân bón hóa học khiến giá thành sản xuất tăng cao, trong khi chất lượng lúa không đảm bảo. Vì vậy, vụ lúa đông xuân 2017-2018, Sở NN-PTNT đề nghị các địa phương triển khai mô hình giảm lượng giống lúa gieo sạ. Hiện nay trên những cánh đồng áp dụng mô hình này, lúa xanh tốt, ít sâu bệnh.
Chỉ cần 80kg lúa giống/ha
TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT nhận định: Tiến bộ kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” đã chỉ rõ giảm lượng giống gieo sạ không những đảm bảo tăng năng suất lúa mà còn tiết kiệm các chi phí đầu tư. Đây là khâu đặc biệt quan trọng nhằm giảm chi phí đầu vào trong sản xuất lúa gạo, đồng thời làm cơ sở cho việc giảm các chi phí khác như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập của người trồng lúa và hạn chế ô nhiễm đất, nước, môi trường. |
Vụ đông xuân 2017-2018, huyện Phú Hòa triển khai nhiều mô hình khuyến nông, trong đó mô hình giảm mật độ gieo sạ kết hợp với ứng dụng cơ giới hóa tại các xã Hòa An, Hòa Trị, Hòa Thắng với diện tích trên 100ha. Ông Nguyễn Văn Tuấn, nông dân tham gia mô hình giảm mật độ gieo sạ ở xã Hòa An, cho biết: Vụ này, lần đầu tiên tôi sạ 4kg lúa giống/sào. Ban đầu sợ lúa không kín ruộng, nhưng đến hơn 1 tháng tuổi, cây lúa xanh tốt, kín ruộng, tôi mới tin. Trước đây, tôi thường gieo sạ với mật độ đến 10kg/sào (200kg/ha), khiến chi phí cao.
Vụ đông xuân này, TP Tuy Hòa vận động nông dân gieo sạ thưa với giống lúa cấp xác nhận, thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày, khả năng kháng bệnh cao, như giống PY1, PY2, DDV108, ML48... Bà Trần Thị Hiền, nông dân ở phường Phú Đông, cho hay: Thông thường, chúng tôi sạ 10kg/sào, nhưng nay chỉ 4kg/sào, nên không an tâm. Hơn nữa, khi sạ xong lại gặp mưa kéo dài, ruộng ngập nước, cây lúa yếu ớt, những người tham gia mô hình rất lo lắng. Tuy nhiên, càng về sau lúa càng phát triển, cây to, đẻ nhánh nhiều, ít sâu bệnh phá hoại. Theo ông Nguyễn Lương Sinh, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, vụ đông xuân 2017-2018, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai lịch thời vụ, cơ cấu giống hợp lý và tiếp tục nhân rộng mô hình giảm lượng giống gieo sạ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo ThS Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, nhờ áp dụng các mô hình sạ hàng, sạ thưa nên năng suất lúa đạt trên 80tạ/ha. Sau khi trừ chi phí, các ruộng mô hình cho lãi bình quân trên 26 triệu đồng/ha, còn ở ruộng đối chứng chỉ thu được 22 triệu đồng/ha. Để tăng lợi nhuận, nông dân phải giảm chi phí đầu vào bằng cách giảm lượng giống gieo sạ. Vụ này, các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa đều triển khai mô hình giảm lượng giống gieo sạ.
Hiệu quả bước đầu
Thời gian qua, nông dân các địa phương trong tỉnh vẫn sử dụng lượng giống sạ phổ biến từ 120-150kg/ha, cá biệt có vùng sử dụng tới 200kg/ha. Việc sử dụng lượng giống quá cao dẫn đến phải dùng nhiều phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh, làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận cho người sản xuất, đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường. Theo khuyến cáo của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, lượng giống phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất lúa từ 80-100kg/ha. TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệpDuyên hải Nam Trung Bộ, cho biết: Viện vừa phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa tổ chức mô hình ứng dụng các giải pháp kỹ thuật về giảm lượng giống gieo sạ tại xã Hòa Mỹ Tây trên diện tích 20ha, giống lúa Q5, gieo sạ 4kg/sào. Qua 3 tháng theo dõi, ruộng mô hình kháng sâu bệnh tốt, đặc biệt là bệnh thối thân, thối bẹ và sâu cuốn lá. Cuối vụ đạt năng suất 65,5 tạ/ha, trong khi đó ruộng đại trà sạ theo cách truyền thống chỉ đạt 63,2 tạ/ha. Ruộng mô hình lãi ròng 17,3 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng sản xuất đại trà trên 3 triệu đồng/ha.
Tương tự, trên các cánh đồng xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Xuân Phước, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện triển khai mô hình sản xuất giống lúa sạ 5kg/sào trên diện tích 139ha, với 1.310 hộ nông dân tham gia. Ông Bùi Văn Minh, nông dân ở xã Xuân Sơn Bắc, cho hay: Nếu sạ dày, cây lúa kém phát triển, còn sạ thưa thì cây lúa phát triển tốt. 1 sào chỉ cần vãi nửa thúng phân là lá xanh mơn mởn. Cuối vụ, năng suất thực thu của lúa mô hình đạt 71,2 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng 8,2 tạ/ha.
LÊ TRÂM