Hơn 10 ngày qua, các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh ở phường 9, xã Bình Kiến, Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) tập trung chăm sóc, “bồi bổ” cho vườn để chuẩn bị mùa hoa tới.
Dưới trời nắng hanh, bà Trần Thị Mãi ở xã Bình Kiến vẫn cặm cụi làm việc luôn trưa ngoài vườn để kịp lặt bỏ hết những nụ và bông mai nở muộn. Bà Mãi cho biết: Năm nay, gia đình tôi không bán được mai lá. Cả vườn hơn 1.000 gốc mai lớn nhỏ đều vào vụ mai bông, không ngờ mai nở muộn nên chỉ bán được 30 gốc. Số tiền này chưa đủ phân thuốc cho vườn trong cả năm qua nên giờ gặp khó khăn khi đầu tư chăm sóc. Năm nay, tôi không thuê công lặt bông mà huy động người trong nhà làm. Cách làm này giúp tiết kiệm chi phí nhưng lại kéo dài thời gian cây nuôi bông nên sẽ bị mất sức nhiều hơn.
Cách vườn nhà bà Mãi không xa, vườn nhà ông Năm Hậu cũng có nhiều người đang tập trung sang chậu, thay đất cho mai. Theo ông Hậu, nhờ vườn nhà ông nằm ở vị trí khuất gió nên ít bị ảnh hưởng trong đợt bão số 12; hơn 700 gốc mai phát triển tốt, dàn lá đẹp nên vụ mai lá vừa rồi ông bán được 3 xe, thu về gần 200 triệu đồng. Nhờ vậy, năm nay, gia đình ông có vốn để tái đầu tư cho vườn, chuẩn bị cho mùa tới. Ông phải thuê thêm 4 lao động cùng với vợ chồng ông lặt bông, giờ thì đang sang chậu và thay đất. “Cứ sau mỗi năm, cây mai lớn thêm một chút, bộ rễ càng phát triển và thường xoay kín lòng chậu; đồng thời sau cả năm, lượng đất trong chậu cũng bị “cạn” dinh dưỡng, không đảm bảo nuôi cây. Vì vậy, sau mỗi năm, nhà vườn phải thay mai qua chậu lớn và thay đất trồng. Năm nay, tôi còn vệ sinh thân mai, cạo bớt những phần vỏ khô chết, những lớp rong rêu bám trên thân”, ông Hậu cho biết thêm.
Cũng theo những hộ trồng mai có thâm niên ở xã Bình Kiến, muốn có một vườn mai đẹp và sung sức cho mùa tới, ngoài các khâu trên, nhà vườn còn đặc biệt quan tâm đến việc cắt cành, tỉa nhánh và uốn tạo dáng cho mai. Ông Nguyễn Hợi, một nhà vườn có hơn 50 năm trồng mai, cho biết: Đối với những cây mai thường thì việc tạo dáng khá đơn giản, mỗi năm cây chỉ cần được uốn tạo 2 lần, với tiêu chí thân mai uốn tròn, cành lá dày đều là được. Còn đối với những cây mai thế, công việc này được chúng tôi chăm chút hàng tháng; cây vươn cành, đọt đến đâu thì sẽ được uốn tạo dáng đến đó. Nhánh, cành được tính toán để phân bố cân đối, các chi phải được chăm sóc, cắt tỉa để đạt được độ đầy đặn và tròn đều. Đổi lại, giá một cây mai thế thường cao gấp 10-20 lần so với mai thường.
Trong khi đó, tại các nhà vườn trồng quất, những ngày qua, các chủ vườn cũng tất bật lặt bỏ trái để giúp cây giữ sức. Ông Ngô Văn Minh ở phường 9, cho biết: Năm rồi, tôi bán hết 500 chậu quất 2 năm tuổi, còn gần 100 chậu quất nhỏ chưa bán được bây giờ phải lặt bỏ trái. Ngoài số quất tồn này, năm nay tôi trồng thêm 600 chậu quất chanh, nhiều hơn năm ngoái 200 chậu. Để kịp vào chậu cho lứa này, từ trước Tết tôi đã tranh thủ đúc sẵn chậu và chiết ghép cây giống.
Tết rồi quất được giá, đắt hàng nên năm nay, hầu hết nhà vườn trồng quất đều tăng số lượng trồng. Ngoài những hộ trồng quất chuyên nghiệp, tự chiết ghép cây giống thì nhiều hộ khác phải mua quất giống để trồng. Theo bà Trần Thị Thanh Trà ở phường 9, vụ rồi trúng quất nên vụ này gia đình bà tăng số lượng trồng. Do không tự chiết giống được nên bà Trà phải mua giống từ các hộ trồng quất khác. So với năm ngoái, năm nay giá quất giống tăng nhẹ, quất thường có giá 45.000 đồng/cây, quất chanh 55.000đồng/cây. Để trồng 600 chậu quất, bà Trà đã chi hơn 40 triệu đồng tiền giống, chậu và đất trồng. Từ giờ đến cuối năm, bà sẽ còn phải chi phí hàng chục triệu đồng cho tiền phân, thuốc, công cán chăm sóc thì mới vào vụ Tết được.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Kiến Nguyễn Thị Lan cho biết: Tháng Giêng là tháng trồng cây bởi thời gian này, các điều kiện thời tiết như độ ẩm, nhiệt độ... rất thuận lợi để cây cối sinh sôi, phát triển. Vì vậy, hiện hầu hết nhà vườn đều tập trung xuống giống, cắt tỉa cho hoa, cây cảnh để cây có thể tận dụng hết những lợi thế của thời tiết.
SƠN CA