Từ năm 2013 đến nay, HĐND tỉnh ra Nghị quyết 75 và Nghị quyết 60 về bê tông hóa giao thông nông thôn. Nhờ đó, vùng miền núi được xây dựng đường nội đồng và đường ra khu sản xuất; tạo sự hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế vùng.
Nghị quyết bám sát thực tế
Ông Phạm Ngọc Công, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, cho biết: Với mục tiêu xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn các xã đảm bảo thông suốt, đáp ứng đi lại của nhân dân vào mùa mưa lũ, cũng như coi kết cấu hạ tầng giao thông là bước đột phá để phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo và từng bước hiện đại hóa nông thôn miền núi. Nên trong giai đoạn 2017-2020, vùng miền núi của tỉnh được đầu tư hơn 439km với tổng vốn thực hiện hơn 394 tỉ đồng… |
Nghị quyết 75 của HĐND về đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2013-2015 đã giúp vùng miền núi hoàn thành hơn 200km đường nông thôn. Ông Phạm Ngọc Công, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, cho biết: Vùng miền núi, đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thường là đường đồi núi gập ghềnh nên chi phí làm đường cao. Thêm vào đó, khả năng huy động đóng góp từ người dân rất hạn chế do ở đây chủ yếu là hộ nghèo. Vì vậy, trong quá trình triển khai, riêng vùng miền núi, dân tộc thiểu số, tỉnh có chế độ hỗ trợ đặc thù. Cụ thể như các xã thuộc khu vực III được hỗ trợ thêm 80 triệu đồng/km, các xã khu vực II là 65 triệu đồng/km và các xã khu vực I là 50 triệu đồng/km. Nhờ đó, sau 3 năm thực hiện, vùng miền núi hoàn thành được hơn 200km đường nông thôn. Trong đó, huyện Đồng Xuân hoàn thành 81km/320 tuyến, huyện Sơn Hòa 39km/116 tuyến và huyện Sông Hinh hoàn thành 76km/143 tuyến.
Từ kết quả ban đầu này, vùng miền núi tiếp tục trở thành vùng trọng điểm được đầu tư kinh phí xây dựng đường nông thôn. Theo Sở GTVT, thời điểm sau năm 2015, so với các xã đồng bằng thì vùng miền núi vẫn đạt tỉ lệ bê tông giao thông nông thôn thấp với gần 300km trên tổng số 450km đường toàn tỉnh chưa hoàn thành như đăng ký. Những tuyến chưa hoàn thành chủ yếu đi qua khu vực ít dân cư, địa hình phức tạp, chi phí đầu tư cao. Nhưng không vì thế mà không triển khai, nên Sở GTVT đã đưa ra kế hoạch bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020 hơn 1.000km. Trong đó chủ trương tạm dừng đầu tư các tuyến ngõ xóm ở các xã vùng đồng bằng để ưu tiên cho các xã vùng miền núi, đặc biệt là các xã thuộc khu vực khó khăn.
Đây chính là căn cứ để HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết 60 về Chủ trương đầu tư chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn các xã thuộc khu vực miền núi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017-2020 và được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa VII. Từ nghị quyết này, UBND tỉnh phân bổ vốn và duyệt kế hoạch bê tông hóa giao thông nông thôn cho các địa phương. Theo UBND tỉnh, triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh, huyện Đồng Xuân được đầu tư hơn 56km, Sơn Hòa hơn 93km, Sông Hinh gần 146km, Tây Hòa hơn 44km, Tuy An gần 50km, Phú Hòa gần 3km, TX Sông Cầu hơn 6,5km. Năm qua, UBND tỉnh đã tạm ứng 30 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh cho các huyện, thị xã này để thực hiện. Cụ thể, huyện Phú Hòa được phân bổ 800 triệu đồng, Tây Hòa 3,7 tỉ đồng, Tuy An 4,1 tỉ đồng, Đồng Xuân 3,1 tỉ đồng, Sơn Hòa 4,3 tỉ đồng, Sông Hinh 13,4 tỉ đồng và TX Sông Cầu 600 triệu đồng…
Hiệu quả thấy rõ
Tại thôn Phú Thịnh, xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa), hầu hết các tuyến đường trong thôn đã được bê tông hóa. Đường tới đâu, người dân kéo điện tới đấy, tạo ra bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch đẹp. Theo bà Lê Thị Hồng Hoa, Trưởng thôn Phú Thịnh, khi Nghị quyết 75 của HĐND tỉnh ra đời, thôn Phú Thịnh đã được hỗ trợ xi măng, kinh phí để hoàn thành 4,5km đường, chiếm hơn 95% tổng chiều dài đường toàn thôn.
Không chỉ ở thôn Phú Thịnh mà đường trong xã Sơn Thành Đông cũng được bê tông nhờ các nghị quyết về làm đường nông thôn đi vào cuộc sống. Theo UBND xã Sơn Thành Đông, năm qua, xã đã bê tông được 18,6km đường trục thôn, xóm và cứng hóa gần 10km đường trục chính nội đồng với kinh phí hơn 11,4 tỉ đồng; nâng tổng số đường toàn xã được bê tông lên gần 40km, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của bà con.
Còn ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), cho biết: Giai đoạn 2013-2015, xã hoàn thành 16/16km đường trục xã, gần 9/11,7km đường trục thôn buôn, 1,43/1,64km đường ngõ xóm được bê tông cứng hóa. Từ Nghị quyết 60 giai đoạn 2017-2020, xã đăng ký hơn 22km của 30 tuyến với tổng vốn hơn 20,2 tỉ đồng. Hiện xã hoàn thành 1,1km đường đi suối Đá, với kinh phí 936 triệu đồng, phục vụ sản xuất cho 184ha của hơn 90 hộ dân…
Theo Ban Dân tộc tỉnh, hạ tầng giao thông nông thôn miền núi có ý nghĩa rất lớn trong hỗ trợ phát triển kinh tế ở vùng. Giao thông không chỉ hỗ trợ sản xuất mà còn thúc đẩy giao thương, mở rộng thị trường cho nông sản từ đây đi tiêu thụ ở các vùng khác. Vùng miền núi đặc biệt khó khăn với đặc thù về địa hình, điều kiện thời tiết và mức sống người dân thấp nên việc hoàn thành các tuyến giao thông gặp rất nhiều khó khăn; nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách thì vùng này khó có thể hoàn thành. Vì vậy, Nghị quyết 75 rồi Nghị quyết 60 của HĐND tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong hỗ trợ vùng này hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn.
MINH DUYÊN