Tháng 11 âm lịch, các làng nghề trong tỉnh hối hả “chạy” Tết. Tuy nhiên, không phải làng nghề nào cũng gặp thuận lợi. Làng hoa, làng chiếu nhộn nhịp thì làng gốm đang gặp một vài khó khăn vì phải cạnh tranh với những loại hàng hóa công nghiệp hiện đại.
Nhà vườn phường 9 đang chăm cúc đại đóa đón Tết – Ảnh: LY KHA
RỘN RÀNG NHỮNG LÀNG HOA
TP Tuy Hòa có làng hoa Bình Ngọc và những làng hoa, cây kiểng ở các phường 8, 9, Bình Kiến, Hòa Kiến, Phú Lâm. Hai, ba tháng trước tết, các làng hoa nhộn nhịp hẳn lên. Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa Nguyễn Thị Lơn cho hay: Có hơn 20 ha/40 ha của làng rau Bình Ngọc được trồng hoa lay ơn. Tuy năm nay Phú Yên mưa lũ lớn, nhưng nguồn giống hoa không bị thiếu hụt vì người dân đã chủ động mua từ Lâm Đồng. Làng rau, hoa của phường Phú Lâm cũng dành một diện tích khá lớn để trồng hoa lay ơn phục vụ cho nhu cầu tết.
Trong hai năm gần đây, giống hoa cúc đại đóa và pha lê có nguồn gốc từ Lâm Đồng rất thịnh hành tại TP Tuy Hòa. Để phục vụ cho nhu cầu ngày càng lớn của người dân, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên) đã cung cấp cho nông dân trồng hoa tại các phường nội thành 850.000 cây giống, gấp 4 lần so với năm ngoái. Theo các nhà vườn, không chỉ ở Phú Yên mà cả những tỉnh trong khu vực miền Trung nhu cầu thưởng thức loài hoa này rất cao. Cúc đại đóa và pha lê Đà Lạt là hai loài hoa rất đẹp. Cúc Đà Lạt cần thời gian chiếu sáng dài để cây có thể vươn cao, nhà vườn thường phải thắp sáng đèn điện suốt đêm. Khi cần cây ra hoa, chỉ việc giảm thiểu đột ngột khoảng thời gian chiếu sáng trong ngày. Nhờ nắm vững kỹ thuật này, các nhà vườn ở TP Tuy Hòa năm ngoái đã thành công với hai loại hoa nói trên.
Năm trước, các làng hoa thắng lớn với quất, nhưng năm nay, lượng quất đang được khống chế để tập trung cho mai. Chủ tịch Hội Những người làm vườn TP Tuy Hòa Phạm Văn Hóa, nói: Năm trước, mai, quất bị sâu bệnh hại khá nhiều nên năm nay người dân đã chú ý phòng trừ ngay từ đầu. Hoa hồng năm nay cũng vắng, nhà vườn đang tập trung cho các loại cúc, mai và cây kiểng, vì không những được tiêu thụ trong tỉnh mà còn được đưa vào Nam ra Bắc và có giá trị khá cao.
NHỘN NHỊP LÀNG CHIẾU
Làng chiếu Phú Tân (thôn Phú Hòa, xã Hoà Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) hiện đang tăng tốc sản xuất chiếu cho thị trường Tết. “Hút” hàng nhất là những đôi chiếu 1,6m x 1,4m, đan xong là có tư thương đến tận nhà đếm sỉ. Ông Lê Cu, 60 tuổi, một người làm chiếu lâu năm ở Phú Tân, cho biết: “So với mọi năm, năm nay hàng chiếu được thị trường tiêu thụ rất mạnh. Không cần gánh đi bán dạo như trước, hiện cả làng không có chiếu để bỏ sỉ, nhiều tư thương muốn mua đã phải đặt tiền cọc trước hàng tháng trời. Nguyên nhân là năm nay mưa lụt lớn, nhiều nhà bị ngập nên phải đi mua chiếu mới về thay”. Ông còn cho biết thêm, cả 8 người trong nhà đang tốc lực làm ngày làm đêm, mà cũng không đáp ứng kịp “đơn đặt hàng” của tư thương.
Chiếu hút hàng còn là vì cận Tết, nhu cầu sử dụng chiếu mới của thị trường càng nhiều hơn. Thêm nữa, sau một thời gian chuộng chiếu nhựa, nhu cầu thị trường đã thay đổi khi quay lại với chiếu truyền thống, vốn có những điểm vượt trội như thoáng mát, mềm, dễ chịu hơn chiếu nhựa.
NỖI LO LÀNG GỐM
Khác với làng hoa, làng chiếu, làng gốm Hòa Vinh cũng vào giai đoạn “chạy Tết” nhưng không khí không vui và nhộn nhịp vì nhiều lẽ. Ông Nguyễn Hớn (75 tuổi), người được coi là bậc “tiền bối” của làng gốm ở thôn 5 xã Hoà Vinh (huyện Đông Hòa) đã có 60 năm trong nghề làm gốm, nói: “Làng gốm Hoà Vinh cũng đang “chạy” Tết, hầu như nhà nào cũng tập trung sản xuất ra thật nhiều sản phẩm để bán. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi gặp khó khăn về “nhân sự” như năm nay và người làng nghề phập phồng lo đầu mối tiêu thụ. Lý do là các loại sản phẩm cùng chủng loại nhưng được làm bằng chất liệu và dây chuyền công nghiệp ngày càng nhiều, mẫu mã lại đẹp hơn, tiện dụng nên giá cả đồ gốm ngày càng bấp bênh, người làng nghề thu nhập rất thấp, nhiều người tự bỏ nghề đi làm việc khác để kiếm sống”.
LY KHA - TRUNG HIẾU