Thứ Ba, 26/11/2024 23:49 CH
Sau ba năm thực hiện chương trình 134 ở Phú Yên:
Cải thiện nhiều mặt đời sống đồng bào
Chủ Nhật, 23/12/2007 13:30 CH

Qua ba năm thực hiện chương trình 134 của Chính phủ, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nhiều vùng của Phú Yên được cải thiện đáng kể nhờ cơ bản giải quyết được vấn đề nhà ở và nước sinh hoạt. Song việc giải quyết đất ở, đất sản xuất vẫn còn nhiều vướng mắc làm hạn chế hiệu quả của chương trình.

 

 

071221-nha-134.jpg

Nhà được đầu tư của chương trình 134 ở buôn Da Dù, Xuân Lãnh (Đồng Xuân) - Ảnh: N.T

Nếu chương trình 135, Nhà nước chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn, thì chương trình 134, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc vềø nhà ở, nước sinh hoạt, đất ở và đất sản xuất. Hiệu quả nổi bật nhất của chương trình quốc gia này mang lại là toàn tỉnh đã có 2.261 hộ nghèo dân tộc thiểu số được xây dựng lại nhà ở, đạt 99,9% mục tiêu đề ra. Phấn khởi vì được Nhà nước giúp đỡ xóa nhà tạm, nên hầu hết các hộ đều đầu tư thêm công sức để có nơi ở mới khang trang, bền vững hơn. Tính ra, nguồn vốn huy động đưa vào xây dựng nhà ở lên trên 17.700 triệu đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 11.305 triệu đồng (5 triệu đồng/nhà), ngân sách tỉnh hỗ trợ 2.261 triệu đồng (1 triệu đồng/nhà), phần còn lại do người dân đóng góp. Theo Ban Dân tộc, về cơ bản các hộ được hỗ trợ đều thực hiện xây nhà tương đối tốt, đảm bảo bền vững, tiêu biểu như ở các xã Xuân Lãnh, Xuân Quang 1, Đa Lộc (Đồng Xuân), Ea Bar, Ea Bá, Ea Bia, thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh).

 

Nhiều hộ xây nhà khá khang trang có giá trị từ 20 - 40 triệu đồng.  Già làng Ma Hiếu ở thôn Kỳ Đu (Xuân Quang 2) giãi bày: “Toàn thôn có 57 hộ thì có đến 41 hộ được hỗ trợ xây dựng lại nhà ở. Nhờ đó, Kỳ Đu được “ngói hoá”. Nếu không có chương trình 134 thì không biết đến bao giờ bà con mới xoá hết được những ngôi nhà tạm bợ nữa”. Tuy vậy, trong thời gian đầu một số xã chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân còn ỷ lại vào Nhà nước và chưa phát huy được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng nên một số nhà xây dựng chưa đạt chất lượng và kém về thẩm mỹ như ở xã Cà Lúi (Sơn Hòa). 

 

Giải quyết nước sinh hoạt cũng là vấn đề được các huyện quan tâm đầu tư. Trong 3 năm qua, chương trình đã xây dựng và đưa vào sử dụng 12 công trình cấp nước sinh hoạt cung cấp nước sạch cho gần 1.100 hộ ở 22 thôn, buôn; đào 45 giếng nước công cộng và hỗ trợ đào 148 giếng nước gia đình. Nhờ vậy đã có thêm 1.650 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được giải quyết vấn đề nước sinh hoạt. Cũng từ chương trình này mà những xã lâu nay luôn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô như Ea Chàrang, Krông Pa (Sơn Hoà) được giải quyết nhu cầu một cách cơ bản. Huyện Sông Hinh xây dựng được 4 công trình đưa nước sạch từ Nhà máy nước Hai Riêng đến từng nhà dân ở các buôn thuộc thị trấn Hai Riêng và xã Ea Bia. Điều quan trọng hơn, nguồn nước này được xử lý theo tiêu chuẩn nước sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường nên hạn chế được dịch bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Già làng Ma Đoan ở buôn Dành A (Ea Bia) lần đầu chứng kiến đưa đường ống dẫn nước vào tận chân nhà sàn, bảo: “Chuyện này lạ lắm chẳng khác gì “cái điện” thay cho đèn dầu ngày trước. Tụi con gái bây giờ không còn cực nhọc lo chuyện gánh nước mỗi ngày nữa rồi.” Tuy nhiên việc triển khai xây dựng hệ cấp nước sinh hoạt tập trung ở nhiều địa phương triển khai chậm, còn 10 công trình chưa được thi công nên việc giải quyết nước sinh hoạt mới đạt khoảng 50% kế hoạch.

 

Khó khăn nhất là lĩnh vực giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trên địa bàn 3 huyện miền núi có 101 hộ được giải quyết đất ở với diện tích 7,18 ha và 307 hộ được giải quyết đất sản xuất với 95,35 ha đất canh tác. Đồng Xuân là huyện tích cực triển khai nội dung này đã thực hiện lồng ghép với các chương trình, mục tiêu khác giải quyết được 42 ha đất sản xuất cho 177 hộ và 6,2 ha đất ở cho 70 hộ song cũng mới đạt 24,5% kế hoạch. Huyện Sông Hinh có nhu cầu đất sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số rất lớn với 564,7 ha để cấp cho 2.393 hộ nhưng huyện vẫn chưa thực hiện được. Giải thích tồn tại này, Trưởng ban Dân tộc Trần Văn Sơn cho rằng: “Thứ nhất là công tác điều tra, quy hoạch bố trí quỹ đất của các địa phương còn chậm, không đạt như yêu cầu tiến độ đề ra. Thứ hai, theo báo cáo của các huyện là quỹ đất sản xuất thực tế không còn, nếu muốn có đất cấp cho dân thì phải thu hồi, chuyển nhượng của hộ nhiều đất với kinh phí 15- 20 triệu đồng/ha, trong khi đó kinh phí hỗ trợ theo chương trình chỉ 5 triệu đồng/ha nên các địa phương không thực hiện được.” Có thể thấy, do vướng mắc, tồn tại trong lĩnh vực giải quyết đất ở và đất sản xuất nên hiệu quả của chương trình 134 mang lại chưa cao.

 

Để thực hiện thành công chương trình 134, Chính phủ cho phép kéo dài  đến năm 2008 và UBND tỉnh cũng có đề án bổ sung tăng vốn đầu tư cho địa phương nhằm giải quyết tốt hơn nữa 4 nội dung của chương trình. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên cũng kiến nghị nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở lên 8- 10 triệu đồng/nhà, giải quyết đất sản xuất lên 15- 20 triệu đồng/ha. Hy vọng, chương trình 134 được thực hiện đầy đủ sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, góp phần giảm nhanh hộï nghèo và nâng cao rõ rệt chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek