Sự hình thành vùng đất Tuy An góp phần vào quá trình hình thành và phát triển tỉnh Phú Yên hơn 400 năm lịch sử. Ngay từ ngày đầu đặt chân lên vùng đất mới, những cư dân người Việt (Kinh) đầu tiên có mặt ở Tuy An đã nỗ lực cải tạo vùng đất hoang hóa thành xóm ấp, làng mạc, biến vùng bãi bồi thành nơi đất đai màu mỡ để trồng lúa, lương thực, hoa màu phục vụ cuộc sống. Người dân đã tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, hình thành những làng nghề mưu sinh trong cuộc sống…
Những làng nghề xưa - nay
Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân (xã An Cư) đã có từ hàng trăm năm trước và được duy trì đến nay. Làng nghề hiện có 249 hộ gia đình, với trên 600 lao động trực tiếp tham gia dệt chiếu cói, chủ yếu là lao động nữ. Các em nhỏ và người lớn tuổi đều có thể tham gia các khâu trong quy trình sản xuất chiếu cói. Với 25ha vùng nguyên liệu cói tại địa phương, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua máy dệt chiếu để nâng cao chất lượng, mẫu mã đẹp, tốn ít nhân công, giá thành của sản phẩm lại tăng gấp đôi so với sản phẩm làm thủ công. Những năm gần đây, sản phẩm của làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân tiêu thụ mạnh trên địa bàn tỉnh và mở rộng tiêu thụ tại thị trường các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định... Tổng giá trị sản phẩm tiêu thụ của làng nghề dệt chiếu cói bình quân đạt trên 5,3 tỉ đồng/năm.
Nghề đan thúng chai Phú Mỹ (xã An Dân) được hình thành hàng thế kỷ qua từ nghiệp đi biển của người dân nơi đây. Nghề đan thúng chai không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn gắn bó, hình thành nên một nếp sống của người dân Phú Mỹ. Thúng chai được sử dụng để đánh bắt hải sản gần bờ như câu mực, lặn sò, kéo lưới hoặc dùng để đua tranh trong các cuộc thi, lễ hội cầu ngư hàng năm.
Không chỉ phục vụ ngư dân trong tỉnh, làng nghề thúng chai Phú Mỹ còn cung cấp sản phẩm cho các thị trường khác trong nước ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Tiền Giang. Nhờ giá rẻ, chất lượng vượt trội so với các cơ sở sản xuất ở nơi khác nên sức tiêu thụ của sản phẩm thúng chai Phú Mỹ rất tốt, nhiều khi không kịp cung ứng cho thị trường.
Nhiều năm qua, thúng chai Phú Mỹ còn xuất khẩu đi các nước trên thế giới như: Thái Lan, Thụy Sĩ… Ở Phú Mỹ hiện vẫn có hơn 100 lao động gắn bó với nghề truyền thống đan thúng chai. Xã An Dân đã vận động bà con thành lập nhóm, tổ hợp sản xuất để đẩy nhanh việc tạo thương hiệu sản phẩm và có chính sách hỗ trợ bà con làm nghề mở rộng, phát triển sản xuất. Sắp tới, chính quyền địa phương còn phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh đầu tư một số trang thiết bị cho làng nghề để giảm bớt các công đoạn thủ công, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho sản phẩm thúng chai Phú Mỹ.
Đến Tuy An không thể không đến thăm làng nghề bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ) được hình thành khá lâu đời. Nơi đây có khoảng 30% hộ gia đình sống bằng nghề làm bánh tráng từ bột gạo. Hiện xã An Mỹ có khoảng 100 hộ gia đình chuyên nghề sản xuất bánh tráng, trong đó có 50 hộ đã được trang bị kiến thức sản xuất bánh tráng chất lượng cao.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân Phú Yên phối hợp triển khai đề án Hỗ trợ dụng cụ sản xuất tráng bánh cho người dân xã An Mỹ nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu. Bánh tráng Hòa Đa từ lâu đã nổi tiếng bởi hương vị đặc trưng, không chỉ được tiêu thụ tại địa phương mà còn mở rộng đến nhiều thị trường trong cả nước, được ưa chuộng ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Còn những khó khăn
Tuy An có nhiều làng nghề được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng ít người biết tới và hầu như không có khách tham quan. Trong khi đó, những sản phẩm làng nghề truyền thống dùng làm quà lưu niệm phục vụ du lịch đang rất khan hiếm, chưa có sản phẩm truyền thống đặc trưng. Việc phát triển làng nghề cũng như tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang đặc trưng văn hóa vùng miền được các cấp, ngành ở địa phương quan tâm, nhưng hiệu quả chưa cao.
Ở Tuy An, đa số hộ gia đình sản xuất tại các làng nghề chỉ quan tâm đến thị trường tiêu dùng thuần túy; chưa tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, xây dựng không gian trình diễn và trưng bày phù hợp để thu hút khách du lịch. Hiện hầu hết làng nghề đều đang gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông. Các làng nghề chưa được đầu tư chiều sâu, người làng nghề chưa nhận thức đầy đủ được giá trị của du lịch đem lại.
Vì thế, họ chưa có sự đầu tư cho việc phát triển du lịch, sản phẩm làng nghề đơn điệu và kém hấp dẫn. Mặt khác, việc kết nối giữa các làng nghề với các đơn vị kinh doanh du lịch hầu như chưa thực hiện được. Hiện tại chưa có tour du lịch làng nghề, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề cũng chưa nhiều...
Thời gian tới, Phú Yên cần tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập ý kiến, nhu cầu du khách đối với hoạt động du lịch các làng nghề ở Tuy An và nhu cầu của các làng nghề trong liên kết phục vụ hoạt động du lịch, nhu cầu của du khách cũng như khả năng đáp ứng của làng nghề đến đâu để có hướng giải quyết phù hợp. Đồng thời lựa chọn một số làng nghề có tiềm năng, lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường, có khả năng kết nối và nghề đặc trưng của Tuy An nhằm phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch.
Bên cạnh đó khuyến khích các hộ gia đình liên kết trong đầu tư xây dựng làng nghề theo hướng tổ chức sản xuất theo chuỗi hàng hóa gắn với phát triển du lịch. Các cấp, ngành cần tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tiếp nhận công nghệ mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khách du lịch.
Mặt khác chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủ công, truyền thống; nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, phát triển sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng và tạo ra các sản phẩm đặc trưng, mang bản sắc văn hóa địa phương; gắn kết hoạt động làng nghề với bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái để bảo đảm phát triển bền vững.
Đặc biệt cần nâng cao nhận thức người dân địa phương về ý nghĩa của các nghề truyền thống, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của quê hương và phát triển du lịch trong thời kỳ hội nhập; từ đó tập trung xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, hỗ trợ đào tạo nghề, khuyến khích các nghệ nhân, thợ lành nghề tiếp tục truyền, dạy nghề, vận động hình thành các tổ hợp tác, doanh nghiệp trong các làng nghề để làm hạt nhân phát triển làng nghề.
ThS NGUYỄN HOÀI SƠN
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh