Thứ Hai, 18/11/2024 17:35 CH
Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn:
Giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất
Thứ Bảy, 24/02/2018 08:54 SA

Người dân xã Ea Ly thực hành kỹ thuật cạo mủ cao su - Ảnh: TUYẾT HƯƠNG

Thực hiện Đề án 1956 về dạy nghề, thời gian qua, Sở NN-PTNT đã triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Từ chương trình này, nhiều nông dân đã nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, góp phần tăng thu nhập từ kinh tế nông nghiệp.

 

Đào tạo sát thực tế

 

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), với mục tiêu đào tạo sát thực tế, dạy những gì người dân cần, trước khi triển khai, chi cục đã phối hợp cùng phòng NN-PTNT các địa phương khảo sát nhu cầu học nghề của người dân nông thôn để có định hướng xây dựng chương trình dạy nghề phù hợp. Qua khảo sát, chi cục nhận thấy hầu hết bà con đều cần bổ trợ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến, hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất...

 

Từ đó, đơn vị đã mở các lớp đào tạo trồng lúa chất lượng cao, sản xuất lúa giống, trồng rau sạch, trồng nấm, chuối, trồng và khai thác mủ cao su, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, gà, vịt, heo... Các nội dung đào tạo đều bám sát thực tế sản xuất của người dân và phù hợp với đặc điểm sản xuất của từng vùng nên được bà con hưởng ứng.

 

Ma Biểu ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) cho hay: Lâu nay, gia đình tôi chỉ nuôi bò đàn theo hình thức thả rông, ăn cỏ cây trên rẫy nên chậm lớn, hay bệnh và không có hiệu quả kinh tế. Từ khi tham gia lớp đào tạo nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò do Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh tổ chức, tôi đã được hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhốt, chăm sóc dinh dưỡng cho bò theo hình thức bán chăn thả. Ngoài thả bò lên rẫy tìm thức ăn, gia đình tôi còn tận dụng những diện tích đất trống quanh vườn nhà để trồng cỏ voi lấy thêm thức ăn bổ sung cho bò. Ngoài ra, tôi còn được hướng dẫn cách nhận biết và điều trị một số bệnh thông thường khi bò mắc phải.

 

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Trong năm 2017, huyện đã mở 4 lớp đào tạo nghề nuôi và phòng trị bệnh cho heo, bò, trồng lúa nước năng suất và chất lượng cao, trồng và khai thác mủ cao su cho 129 người dân các xã Ea Bá, Ea Lâm, Sông Hinh và Ea Ly.

 

Còn theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, để giúp cho bà con tăng gia sản xuất, có thêm thu nhập, năm qua, huyện đã phối hợp cùng Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức lớp dạy nghề trồng nấm cho 31 hộ dân ở xã Xuân Quang 3. Khi tham gia lớp học, bà con được hướng dẫn kỹ thuật cấy meo làm phôi nấm, cách làm nhà trồng, chăm sóc, tưới và thu hoạch các loại nấm rơm, nấm sò và nấm linh chi...

 

Người dân thực hành làm phôi nấm khi tham gia lớp đào tạo - Ảnh: THỦY TIÊN

 

Bà Trần Thị Thoa ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, cho biết: Nhờ chương trình học phù hợp, người học được thấy thực tế các công đoạn cấy meo, làm phôi, chăm sóc nấm, mọi thắc mắc được giáo viên giải đáp, hướng dẫn ngay nên rất dễ hiểu. Nhờ vậy, sau khi tham gia khóa học, vợ chồng tôi đã đầu tư làm nhà trồng và sản xuất nấm sò. Nghề này giúp tôi tận dụng được thời gian rảnh rỗi sau mỗi mùa vụ lại có thêm thu nhập.

 

Tăng hiệu quả

 

Thông qua các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, nhiều hộ dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

 

Theo Mí Thoan ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), mặc dù gia đình bà đã trồng cao su được hơn 6 năm nay nhưng các kỹ thuật chăm sóc và khai thác mủ vẫn còn chưa nắm vững, hầu hết phải học hỏi từ những hộ trồng trước nên còn nhiều hạn chế. Vừa qua, bà tham gia lớp đào tạo trồng và khai thác mủ cây cao su do huyện tổ chức và đã nắm được những kiến thức cơ bản để thâm canh cây cao su. Ngoài ra, bà còn nắm vững kỹ thuật mở miệng cạo và cách cạo mủ.

 

Nhờ thâm canh bài bản, vụ thu hoạch mủ hồi năm ngoái, sản lượng mủ tăng đáng kể. Vườn cao su 6ha của nhà bà cho thu hoạch được gần 6,3 tấn mủ, lãi ròng 300 triệu đồng. Còn bà Trần Thị Thoa ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), cho biết: Sau khi tham gia lớp dạy nghề trồng nấm, vợ chồng tôi đã cải tạo lại hiên dưới làm nhà trồng 2.500 phôi nấm sò. Bình quân mỗi vụ trồng (từ lúc ủ phôi đến khi thu hoạch xong) kéo dài khoảng 3,5 tháng với sản lượng khoảng 650kg, cho thu nhập gần 20 triệu đồng/vụ. Có thêm thu nhập từ trồng nấm, kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể. 

 

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Trần Hưng Lợi cho biết: Để đảm bảo chất lượng đào tạo, chi cục đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên các huyện, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Trường Trung cấp nghề thanh niên dân tộc Phú Yên, Trung tâm Khuyến nông, Trường đại học Phú Yên, Công ty Hỗ trợ và phát triển nghề nghiệp Phú Yên mở 36 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 829 học viên. Kết thúc có 774 người hoàn thành các khóa đào tạo và hơn 80% người đã tạo được việc làm sau khi học nghề.

 

THỦY TIÊN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek