Mặc dù chưa trải qua trường lớp nào nhưng với óc tư duy, tưởng tượng, ông Trần Văn Thăng ở thôn Minh Đức, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) đã tự mày mò, sáng tạo nên những chiếc máy tráng, nướng bánh cho hiệu suất cao, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, giúp gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
TỪ “NGHỆ SĨ” LANG THANG
Xuất thân trong gia đình làm nông ở thôn Minh Đức, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), từ nhỏ ông Trần Văn Thăng luôn yêu thích những nốt nhạc. “Chưa học hết lớp 8 tôi bỏ ngang việc học và theo học đàn ghi ta. Đến tuổi trưởng thành, tôi cùng lớp thanh niên cùng trang lứa lên đường nhập ngũ. Xuất ngũ về lại quê nhà, tôi năng nổ tham gia công tác Đoàn tại địa phương. Thông qua các buổi giao lưu văn hóa giữa các địa phương, tôi gặp gỡ vợ tôi bây giờ”, ông Thăng nhớ lại.
Cả hai vợ chồng đều sẵn “máu” văn nghệ nên cùng các bạn thành lập câu lạc bộ âm nhạc xã Hòa Kiến, tham gia và đóng góp cho phong trào văn hóa văn nghệ của xã nhà. Đến khi những đứa trẻ ra đời, trách nhiệm với con cái và gánh nặng kinh tế bủa vây, cuộc sống nghệ sĩ không thể đảm bảo kinh tế gia đình nên vợ chồng ông quyết định từ bỏ “đời nghệ sĩ”, đó là vào khoảng năm 2004.
Công nhân làm việc tại cơ sở sản xuất bánh tráng của ông Thăng - Ảnh: THỦY TIÊN |
ĐẾN “NHÀ SÁNG CHẾ” VÀ ÔNG CHỦ LÒ BÁNH
Gác đàn và vác cuốc ra đồng, không quen việc đồng áng nên thu nhập bấp bênh, vợ chồng ông phải đi làm thuê đủ nghề. Năm 2006, trong một lần tình cờ xem ti vi, ông Thăng ấn tượng với mô hình tráng bánh bằng máy công nghiệp ở miền Nam nên đã mày mò nghiên cứu để làm chiếc máy này.
Ban đầu ông Thăng tìm đến các lò tráng bánh thủ công để tìm hiểu. Từ cách thức tráng bánh thủ công ông bắc cầu liên tưởng tới chiếc máy tráng bánh công nghiệp và thế là quyết định làm. “Hai vợ chồng gom góp khắp nơi được khoảng 20 triệu đồng để mua máy móc, nguyên liệu. Sau cả năm mày mò, chỉnh sửa chiếc máy cũng hoàn thiện và chính thức vận hành đầu năm 2007 nhưng lại hoạt động không hiệu quả. Bánh tráng lúc được lúc hỏng, bột đùn thành cục phải mang cho heo ăn”, ông Thăng nhớ lại. Vấp phải thất bại này, vợ chồng ông trắng tay, nợ nần, phải đi làm thuê cho một cơ sở sản xuất kem ký ở TP Tuy Hòa để kiếm sống. Thời gian rảnh, ông đến các cơ sở tráng bánh công nghiệp tìm hiểu thêm về cách thức, cơ chế hoạt động của máy tráng.
Khoảng một năm sau, khi đã dành dụm được ít tiền, đồng thời đã nắm rõ nguyên tắc vận hành của máy tráng, ông Thăng tiếp tục bắt tay vào khắc phục, sửa chữa máy. Ông lắp thêm nồi hơi, đường ống dẫn và hệ thống điều chỉnh nhiệt vào máy. Nhờ nhiệt ổn định nên máy vận hành tốt, bánh ra lò đều đặn. Ông Thăng cho biết: Chi phí làm máy hết khoảng 50 triệu đồng, nhưng đổi lại mỗi giờ máy tráng được 300kg gạo, cho ra khoảng 9.000 cái bánh (bánh tránh vuông). Nếu chạy hết công suất, mỗi ngày máy có thể tráng được hơn 1 triệu bánh, gấp cả trăm lần tráng thủ công.
Từ khi máy hoạt động ổn định, vợ chồng ông mở lò tráng bánh. Ban đầu bánh chỉ tiêu thụ nội địa, sau đó nhờ có chất lượng, giá mềm nên dần chinh phục được nhiều thị trường ngoài tỉnh như Nha Trang, Đắk Lắk. Đến năm 2010, vợ chồng ông Thăng đầu tư mở cơ sở sản xuất bánh quy mô lớn tại xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) với gần 20 nhân công làm việc, vào thời gian cao điểm cơ sở ông sản xuất khoảng 60.000 bánh/ngày, mang lại doanh thu khoảng 2,5 tỉ đồng/năm.
Không chỉ đầu tư cho hoạt động kinh doanh, ông Thăng còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, sáng chế thêm các loại máy tráng bánh tròn (bánh tráng có hình tròn như tráng thủ công). Hiện ông đã sản xuất được 5 chiếc máy tráng bánh loại này cung cấp cho các hộ sản xuất ở huyện Phú Hòa, Đông Hòa. Đổi lại toàn bộ sản phẩm do các hộ này làm ra được ông bao tiêu theo kiểu khép kín. Ngoài ra, ông Thăng còn chế tạo và đưa vào hoạt động thành công máy nướng bánh theo cơ chế nhiệt điện với công suất nướng 300 cái/giờ. Bánh nướng bằng máy này có lượng nhiệt ổn định nên vàng đều được bán rất chạy.
Đặc biệt, trước khó khăn về sân phơi, hơn một năm qua, ông Thăng đã tích cực nghiên cứu, mày mò để sáng chế ra hệ thống dây chuyền vừa tráng vừa sấy bánh. Bánh ra khỏi dây chuyền là thành phẩm hoàn chỉnh không phải mất công phơi như trước nay. Máy tráng bánh mới do ông Thăng sáng chế có giá trị hơn 250 triệu đồng có chiều dài 25m, với hệ thống dây chuyền khép kín từ tráng, sấy bánh. Mỗi ngày máy sẽ cho ra khoảng 15.000 bánh (loại bánh tráng tròn) mà chỉ mất 2 công để thu, giảm 13 công lao động so với trước. Ông Thăng phấn khởi khoe: “Hệ thống đã hoàn thiện và đang hoạt động rất tốt. Bánh được sản xuất trên dây chuyền kép kín, sấy dưới nhiệt độ cao nên chất lượng tốt hơn hẳn, đảm bảo vệ sinh và bảo quản được lâu hơn”.
Chủ tịch UBND xã Hòa Kiến Tô Văn Toản nhận xét: Với óc sáng tạo và có sự phấn đấu trong làm kinh tế, ông Trần Văn Thăng đã tự mình chế tạo được nhiều loại máy tráng và nướng bánh phục vụ cho sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Gia đình ông là một trong những hộ có nhiều đóng góp cho địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới và các hoạt động phong trào của xã.
THỦY TIÊN