Xuân đến cây cối đâm chồi, nảy lộc, sắc xanh phủ kín rẫy cao. Ở khắp thôn, buôn văn hóa, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng khung cửi dệt vải rộn ràng không khí vui xuân. Đâu đâu cũng bắt gặp ánh mắt hồ hởi, tiếng cười giòn tan xua hết những giọt mồ hôi của một năm cần mẫn. Bước chân trên khắp những nẻo đường vùng cao, hễ màu xanh trải tới đâu là kéo xuân về theo tới đó.
XANH TRÙ PHÚ
Gác lại công việc sản xuất của cả một năm, ông Nguyễn Đình Sao ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) hòa mình trong những thanh âm trầm bổng của cây đàn tính cùng cộng đồng dân tộc Tày ở đây cất vang lời then mừng Đảng, mừng xuân mới. Ông Sao hồ hởi: “Xuân đến, đồng bào kéo nhau về nhà văn hóa thôn. Mỗi người góp một ít, người con bò, con heo, người ché rượu, có người góp điệu múa, lời ca, thế là thành lễ hội mừng xuân. Không khí xuân đậm đà tình người, tình đất, trong hơi men từ ché rượu cần hòa vào tiếng đàn tiếng hát, quyện cùng nắng và gió xuân phơi phới. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ tiếp thêm năng lượng cho một năm mới thắng lợi”.
Cây thơm cho thu nhập cao từ 200-500 triệu đồng/năm- Ảnh: MINH DUYÊN |
Hướng ánh nhìn thảnh thơi về những vạt rừng phía xa, già làng Ma Meo ở thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), chậm rãi: Vùng gò đồi kia là ranh giới giữa xã Xuân Quang 1 và xã Phú Mỡ. Ngày trước cây thưa thớt, người ta ngại vượt núi qua thăm nhau. Giờ cây rừng đã phủ kín, ngày ngày đi thăm rừng, chỉ vài bước chân là đã gặp được. Nhìn những dải rừng già yên cái bụng lắm vì đó là vùng rừng đầu nguồn. Ở đấy cây cối xanh tốt tức là giữ được nước, chặn được lũ để mùa mưa nước không trút xuống dòng Kỳ Lộ. Cuộc sống của người dân sẽ yên ổn hơn; sắn, đậu phộng, bắp của đồng bào cũng sẽ xanh tốt.
Trên rẫy, màu xanh của mía, của sắn, của những cây trái hứa hẹn một vụ mùa mới tốt tươi. Ông Sô Minh Tiến ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), vui vẻ: Nhà tôi có 5ha mía thì 3ha đã thu hoạch, còn 2ha mía ăn tết xong là nhà máy cho chặt. Tuy năm nay gặp mưa gió, nhưng nhờ giữ được cây, mía gặp nước xanh tốt hơn hẳn. Cuối năm, nhà tôi cũng thu được hơn 150 triệu đồng, bỏ 100 triệu đồng vào gửi tiết kiệm ngân hàng còn 50 triệu ăn tết hết tháng Giêng.
Giữa những mảng xanh ấy, nổi lên những con đường lên rừng, lên rẫy, tới khu sản xuất khang trang sạch đẹp, chính đường giao thông nông thôn đã hỗ trợ đắc lực cho sản xuất, phát triển kinh tế một năm qua của bà con miền núi. Về buôn Kít ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), đường bê tông tới đâu, buôn mở ra tới đó, hòa vào sự phát triển chung của cả xã, cả huyện. Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, khoe: 8 tuyến đường có tổng chiều dài 4,8km hoàn thành đã nối buôn Kít vào hệ thống giao thông chung của cả xã; từ đây tạo điều kiện để người dân đi lại thuận lợi, vận chuyển nông sản, hàng hóa và mở rộng giao thương.
TĂNG TRƯỞNG XANH
Phát triển bền vững vùng miền núi là mục tiêu của tỉnh ta trong nhiều năm qua; đến nay đã tạo ra sự phát triển hài hòa, đặt vùng này trên đà tăng trưởng. Bắt đầu từ triển khai chính sách trồng rừng kinh tế, bà con được giao đất, tạo sinh kế từ rừng nên đã khuyến khích người dân bám đất giữ rừng, duy trì được màu xanh. Già làng Oi Kíp ở buôn Ma Đỉa, xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) tâm đắc: Những cánh rừng không chỉ mang lại cơ hội xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp đồng bào vươn lên làm giàu. Không còn những tháng ngày phải vô rừng chặt cây, đốt than đổi gạo nữa. Giờ được làm kinh tế từ rừng, đồng bào phấn khởi chỉ lo trồng cây chăm rừng, phủ xanh đồi núi.
Người dân ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) thu hoạch sắn - Ảnh: MINH DUYÊN |
Quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh gắn với các nhà máy chế biến sắn, mía, dăm gỗ, đã đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông lâm của bà con. Oi Thanh ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), cho biết: Trước kia chưa có các nhà máy, bà con trồng ra chẳng có chỗ bán nên cuộc sống bấp bênh. Giờ có nhà máy bao tiêu, tôi chỉ việc đăng ký diện tích sản xuất trở thành vùng nguyên liệu là tới vụ nhà máy cho người tới thu mua. 2 năm nay rồi, năm nào cả gia đình tôi cũng đón mùa xuân trọn vẹn ấm no.
Các huyện miền núi tiếp tục được đầu tư xây dựng các nhà máy như nhà máy gạch tuynel, nhà máy chế biến dăm gỗ… để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ông Nay Y Blung, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Năm 2017, trên địa bàn huyện, UBND tỉnh đã cho phép xây dựng Nhà máy gạch tuynel Sơn Hòa và nhà máy chế biến dăm gỗ Vân Hòa, với tổng vốn đầu tư gần 55 tỉ đồng. Năm 2018, hai nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
MINH DUYÊN