Thứ Tư, 27/11/2024 01:24 SA
Làm gì để làng nghề vươn xa?
Thứ Tư, 19/12/2007 16:00 CH

Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như yêu cầu mới của người tiêu dùng, thì chất lượng sản phẩm của làng nghề ngày càng phải nâng cao. Để đáp ứng được xu thế đó, một yếu tố có tính quyết định là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các làng nghề.

 

071219-nghe-2.jpg

Công nhân DN tư nhân Mây tre lá xuất khẩu Phương Nam đang gia công mặt hàng bình đựng rượu bằng bẹ lá chuối - Ảnh: T.LÊ

 

LÀNG NGHỀ… “CHƯA NGHỀ”

 

Bộ NN&PTNT cho rằng, làng nghề có vai trò rất lớn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Các sản phẩm làng nghề truyền thống được đánh giá có nhiều tiềm năng, nhưng vẫn chưa phát triển được vì lý do làm ăn nhỏ lẻ, không phát huy được sức mạnh của việc làm ăn tập thể. Thời gian qua, Phú Yên đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng, phát triển các ngành nghề truyền thống. Vậy mà đến nay, cả tỉnh vẫn chưa có nghề nào đủ mạnh để sản xuất hàng cung cấp cho thị trường ngoài nước. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay nghề gốm truyền thống ở Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) và đan lát Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) mới có thể trụ vững trong thời hội nhập, vì nơi đây có được những “hạt nhân” làng nghề. Nghề truyền thống có đông nông dân tham gia nhất của Phú Yên hiện nay là đan mây tre lá. Hai đơn vị HTX Tân Hòa Bình (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) và doanh nghiệp Minh Mỹ (Khu Công nghiệp Hoà An, huyện Phú Hòa) đã thu hút hàng chục nghìn lao động tại các địa phương, tạo thu nhập khá cho lao động nhàn rỗi tại các vùng nông thôn. Những xã như Hòa Bình 1, Hòa Thịnh, Hòa Tân Tây, Hòa An... đều đã dấy lên phong trào sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

 

 Không chỉ riêng ở Phú Yên, các địa phương khác cũng có nhiều làng nghề trong tình trạng như vậy. Cụ thể là làng nghề An Hòa (Trảng Bàng-Tây Ninh) nổi tiếng với những sản phẩm mỹ nghệ từ tầm vông, tre, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, nhưng sản lượng xuất khẩu hàng năm tăng thêm không đáng kể. Nguyên nhân là do nghệ nhân của làng nghề vốn thiếu còn lại yếu, nên không có sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mời gọi thêm khách hàng. Mặt khác, nguồn nhân lực cho việc xúc tiến bán hàng cũng gặp nhiều khó khăn và khi có khách đặt hàng nhiều thì lại không thể kham nổi. Bởi  các cơ sở ở làng nghề không chịu liên kết với nhau, mạnh ai nấy làm và thụ động chờ khách đến liên hệ đặt hàng. Tương tự, các sản phẩm gốm của làng nghề Bàu Trúc (Ninh Thuận), bánh tráng của làng nghề Phú Hòa Đông (Củ Chi-TPHCM), đồ đồng của làng nghề Phước Kiệu (Quảng Nam)... cũng chưa thể  hội nhập tốt với thị trường sôi động hiện nay.

 

LÀM GÌ ĐỂ LÀNG NGHỀ PHÁT TRIỂN?

 

Thực tế cho thấy, điều cần nhất cho làng nghề phát triển là nguồn vốn để đẩy mạnh đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, có một thực tế khác là nguồn nhân lực cho làng nghề mới là nhân tố quyết định. Nguồn nhân lực của làng nghề bao gồm những nghệ nhân, những người thợ thủ công và chủ sản xuất, kinh doanh. Những nghệ nhân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền nghề, dạy nghề, đồng thời họ cũng là người sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo mang đậm yếu tố văn hoá dân tộc. “HTX làng nghề Một thoáng VN (Củ Chi-TPHCM), nơi qui tụ nhiều làng nghề truyền thống như làm giấy dó, chạm khắc gỗ, in tranh mộc bản, đan mây tre... nhưng việc tổ chức làm sao để chất lượng sản phẩm làng nghề theo đúng tiêu chuẩn đã định là một việc làm khó khăn”- bà Trần Thị Tuyết Nga, chủ nhiệm HTX nói. Theo các chuyên gia kinh tế thì việc tổ chức cho chất lượng đồng đều là không khó. Quan trọng là ta có một chuẩn để thực hiện và có đội kiểm tra chất lượng cho sản phẩm đó như cách làm của các doanh nghiệp.

 

071219-nghe.jpg

Dạy nghề truyền thống cho phụ nữ - một cách xóa đói giảm nghèo hiệu quả - Ảnh: NGỌC DUNG

 

Hiện nay, ở nhiều làng nghề truyền thống, những nghệ nhân đều có tâm huyết với nghề, muốn giữ gìn và phát triển làng nghề. Bên cạnh đó, một lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ có khả năng thích ứng với những điều kiện mới của nền kinh tế thị trường, là nhân tố cốt yếu nhất quyết định toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề. Chẳng hạn từ câu chuyện làng nghề tranh tượng bằng đất sét nung: Sau 15 năm làm nghề, đến nay anh Lê Đức Hạ đã có ba xưởng sản xuất đất sét nung, thu hút hàng trăm lao động và hàng chục nghệ nhân, từng bước thực hiện ước mơ tại quê nhà xã Điện Phương (huyện Điện Bàn-Quảng Nam)  có thêm làng nghề đất sét nung bên cạnh làng nghề mộc và đúc đồng. Đất sét nung kết tinh từ đất, nước, gió, lửa và bàn tay khéo léo của thợ lành nghề.

 

Tuy nhiên, một hạn chế rất lớn đối với nguồn nhân lực ở các làng nghề là chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, trình độ chuyên môn và trình độ văn hoá thấp, nhất là đối với giới chủ doanh nghiệp. Đây là một khó khăn cơ bản trong việc phát triển sản xuất làng nghề theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

 

Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, sự phân công lao động trong các làng nghề ngày càng phát triển. Bên cạnh những người trực tiếp làm ra sản phẩm, còn có những người chuyên lo nguyên liệu đầu vào, người chuyên lo đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Sự phân công này biểu hiện rất rõ ở những làng nghề có trình độ phát triển khá như Nam Cao và Đồng Xâm huyện Kiến Xương, Thái Bình…. Ngoài ra, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thay thế cho kỹ thuật thủ công đòi hỏi người lao động phải nắm bắt được kiến thức kỹ thuật mới để làm chủ quá trình sản xuất. Trước đây, nghề dệt chiếu ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò-Đồng Tháp chỉ làm bằng thủ công và tiêu thụ thì trông chờ vào những người đi bán dạo, hoặc bỏ mối ở các chợ. Gần đây, bà con thành lập nên HTX tiểu thủ công nghiệp Thành Công, có sự tổ chức và phân công lao động rõ ràng, nên làng nghề ngày càng khởi sắc, các khung dệt của làng nghề càng hoạt động nhộn nhịp. Bên khung dệt là các thợ lành nghề mà mới đây thôi họ còn là những thôn nữ chân lấm tay bùn. Làng nghề mở rộng, tạo việc làm ổn định cho nhiều dân địa phương. Chuyện khác, lâu nay bà con nông dân ở Mỹ Lệ (Cần Được-Long An) sản xuất ra loại gạo ngon nổi tiếng là “gạo nàng thơm Chợ Đào”. Tuy nhiên, khi thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lệ, chất lượng gạo ở đây đã tốt hẳn lên và năng suất cũng tốt hơn. Mới đây, HTX đã đăng ký thương hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền nhãn hiệu hàng hóa “Gạo nàng thơm Chợ Đào”. Ông Nguyễn Tấn Vui, chủ nhiệm HTX, cho biết từ tháng 7/2006 HTX đã tổ chức cho đợt xuống giống đầu tiên trên diện tích 400 ha. Đến nay, HTX đã qua 3 vụ sản xuất, chất lượng của hạt gạo HTX ngày càng tốt và được bà con nông dân mua nhân giống khắp nơi.

 

Gần đây, giữa các làng nghề có xu hướng liên kết lại với nhau, thông qua HTX, liên kết với doanh nghiệp... tạo nên một thương hiệu cho sản phẩm làng nghề. Cụ thể như HTX vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), HTX Gốm sứ Thái Dương (Đồng Nai), Công ty TNHH Gốm xuất khẩu Tiên Sơn (Thanh Hóa)... đã đầu tư công nghệ, đăng ký chất lượng, thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu, từ đó “đánh bóng” tên tuổi cho làng nghề.

 

Mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, việc phát huy nguồn lực con người là yếu tố căn bản cho sự phát triển nhanh và bền vững. Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp và ngành nghề nông thôn VN, hiện nay lao động trực tiếp tại các làng nghề phần lớn chưa được đào tạo, mà chủ yếu chỉ được học hỏi theo kiểu truyền nghề trong quá trình lao động. Do đó tính sáng tạo của họ trong quá trình sản xuất có nhiều hạn chế. Vì vậy, đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực cho làng nghề là việc làm cấp thiết.

 

DUY KHANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek