Trong năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, nhưng kết quả đạt được chưa toàn diện, thiếu bền vững. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng và địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng.
Theo Sở NN-PTNT, năm 2017, tình trạng phá rừng, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép ở một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp nhưng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Việc mua bán, sử dụng các phương tiện độ chế để vận chuyển lâm sản trái phép, gây bức xúc trong nhân dân nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý. Trong khi đó, hành vi của các đối tượng vi phạm tinh vi hơn, manh động hơn, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng.
Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Những năm gần đây, tình hình phá rừng trên địa bàn huyện xảy ra khá phức tạp, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Năm qua, nhờ triển khai quyết liệt nên tình trạng phá rừng đã giảm, không còn xảy ra điểm nóng phá rừng trên địa bàn. Hiện nay, địa phương quản lý diện tích rừng lớn, trong khi lực lượng lâm nghiệp ở xã quá mỏng, không chuyên nghiệp. Để quản lý tốt hơn, địa phương kiến nghị tỉnh nên chuyển diện tích rừng do địa phương quản lý cho ban quản lý rừng phòng hộ của huyện, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết trồng rừng và tiếp tục giao đất, giao rừng cho dân…
Cũng theo Sở NN-PTNT, năm 2017 trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.650ha rừng được trồng mới. Đến nay, tổng diện tích rừng ở Phú Yên khoảng 212.050ha, tỉ lệ che phủ rừng đã đạt 42,2%. Ông Dương Tử Hảo, Phó Giám đốc DNTN Bảo Châu, cho biết: Hiện doanh nghiệp đã trồng hơn 3.000ha rừng, tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu; trong đó có khoảng 1.900ha bắt đầu đến kỳ thu hoạch. Để đạt được mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, DNTN Bảo Châu đã tổ chức tập huấn quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho cán bộ, công nhân trực tiếp quản lý rừng của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư nhà máy chế biến, sản xuất ra những sản phẩm xuất khẩu. Để đến năm 2020 doanh nghiệp trồng và quản lý khoảng 5.000ha rừng, tỉnh cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị mở rộng sản xuất, phát triển rừng trồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế vừa chỉ đạo Sở NN-PTNT tiếp tục kiện toàn lực lượng bảo vệ rừng, trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ nhằm đảm bảo đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát và triển khai các chính sách bảo vệ và phát triển rừng của Trung ương và tỉnh, tranh thủ các nguồn đầu tư để phát triển rừng, tạo thu nhập ổn định cho người dân sinh sống bằng nghề rừng. Sở NN-PTNT cần tập trung triển khai đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai đề án giao đất, cho thuê rừng. Các ngành chức năng và địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, các địa phương cũng cần duy trì ổn định diện tích rừng hàng năm đảm bảo độ che phủ đạt khoảng 43,2% vào cuối năm 2018.
Theo Sở NN-PTNT, năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện, lập biên bản 380 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; trong đó có 29 vụ phá rừng làm rẫy với diện tích hơn 23,3ha, 76 vụ khai thác lâm sản trái phép, 253 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý 366 vụ, chuyển hồ sơ để xử lý hình sự 31 vụ. Tang vật tịch thu hơn 500m3 gỗ các loại, khoảng 25 tấn than, hơn 1.630 cây gỗ cỡ nhỏ, 4 ô tô, 28 xe máy; tiền xử phạt và bán tang vật tịch thu hơn 5,1 tỉ đồng. Cũng trong năm qua, tòa án các cấp đã đưa ra xét xử 7 vụ hủy hoại hơn 137,6ha rừng với 21 bị cáo. |
ANH NGỌC